Ngày trước Mẹ vẫn thường phàn nàn sao nó hay mặc màu tối, hok đen thì cũng xám hay rêu... Nó cũng chẳng biết. Đó đâu phải là màu nó yêu thích... Màu nó thích nhất vẫn là màu trắng hay những màu nhạt... Vậy mà không biết kể từ lúc nào... nó lại hay mặc màu tối . Nó cũng chẳng bận lòng đến khi gặp anh. Anh có vẻ ngạc nhiên... vì nó vẫn nói với anh là nó thích nhất màu trắng... mà nhìn tông màu nó mặc toàn... tối thui... ... Cho đến lần... anh buộc miệng khen khi nó mặc áo trắng quần jean... Kể từ đó... hình như tông màu của nó cũng chuyển dần... không còn ẩn mình... không còn khép kín lặng lẽ...
HÃY ĐỂ ANH LÀ CHIẾC KHĂN TAY CỦA EM
* Truyện ngắn AN MINH
Phong chỉ tay về cái bàn cạnh cửa sổ. Một cô nhỏ đang nghịch với mấy ly nước trên bàn. Giữa tiếng nhạc khá lớn của quán, thứ âm thanh phát ra khi cô nhỏ di chuyển ngón tay trên miệng ly nước không khiến bất cứ vị khách nào khó chịu.
- Đến sớm vậy nhóc!
Phong hỏi. Cô nhỏ ngước lên, khóe miệng nhếch lên sắp cười đã lập tức hạ xuống khi trông thấy tôi.
- Quân, bạn anh - Phong giới thiệu - Thương, em gái tao.
- Dạ, chào anh.
Nụ cười ban nãy trở lại, tươi tắn và thân thiện như thể chúng tôi đã quen biết nhau lâu rồi.
Tôi làm stylist, một kiểu công việc tự do, không bị ràng buộc về bất cứ điều gì. Để có nền tảng tài chính vững vàng hơn, hai năm trước tôi và Phong cùng mở một cửa hàng kinh doanh thời trang. Phong chịu trách nhiệm về các mối quan hệ làm ăn, còn tôi chú trọng vào việc săn lùng hàng mới và thiết kế trang phục theo sở thích của riêng mình. Tôi thân với Phong từ năm nhất đại học. Hầu như cuối tuần nào tôi cũng đến nhà Phong nhưng chỉ gặp Thương duy nhất một lần. Mà lần đó cũng chỉ thoáng thấy cái dáng phía sau của cô nhỏ mà thôi.
Thương không có vẻ gì là khó chịu hay ngại ngùng khi tiếp xúc với tôi, khác hẳn với những gì Phong đã kể về em gái mình. Cô nhỏ hoạt bát, hay cười và cũng biết cách làm người khác vui nữa.
- Nó lúc nào cũng như người ở hành tinh khác, không hòa hợp được với mọi người. Ý tao là nó thật sự không hòa hợp được, nó không thấy thoải mái nhưng không thể hiện cho người khác biết điều đó. Cái cách ăn mặc của nó cũng làm tao đau đầu nữa. Mang tiếng là chủ tiệm thời trang mà trang phục em gái lúc nào cũng như mấy cô hồi thập niên 80 vậy.
Và thằng bạn đã giao cái nhiệm vụ cao cả là “cải tạo phong cách thời trang” của em gái nó cho tôi. Vì Phong cho rằng với kinh nghiệm làm stylist nhiều năm, tôi có thể thay đổi Thương, ít ra cũng ở vẻ bề ngoài.
- Phải thay mới toàn bộ tủ quần áo của em thôi.
Tôi buột miệng nói ngay khi nhìn vào tủ quần áo của Thương. Đa số là sơmi cổ điển và quần tây. Lẫn trong đó là ba chiếc áo thun mà một chiếc là đồng phục thể dục ở trường và độc nhất một chiếc quần jeans.
- Em không thấy có vấn đề gì với mấy cái áo sơmi này cả. Bao nhiêu người vẫn mặc chúng đấy thôi.
Thương săm soi mấy cái áo sơmi mà tôi vừa gom hết ra, thảy lên giường.
- Anh không nói chúng có vấn đề. Chỉ là lâu lâu mình cần phải khác một chút cho cuộc sống thú vị hơn thôi. Em không thấy là quá nửa số áo sơmi của em đều có màu tối à? Ngay cả phụ nữ trung niên bây giờ cũng mặc những cái áo màu sắc tươi sáng mà. Em không nhớ là mình mới hai mươi thôi hả nhóc?
Tôi quay sang nhìn Thương, bắt gặp vẻ mặt thiểu não của em: “Sao mà anh giống anh Phong quá vậy!”.
Suốt mấy buổi chiều cuối tuần liên tiếp, thay vì bù khú với bạn bè hay đi du lịch, tôi dành thời gian đưa Thương đi chọn quần áo. Ban đầu tôi vẫn nghĩ người ta hay nói “Bụt nhà không thiêng” quả không sai, khi Thương chịu nghe lời, thử hết những bộ cánh mà tôi bảo. Nhưng sau đó đâu vẫn hoàn đấy! Khi tôi háo hức muốn xem Thương diện chiếc đầm trắng chấm bi với đôi giày búp bê vào dịp sinh nhật đứa bạn thì cô nhỏ vẫn quần tây, áo sơmi như mọi ngày. Nhưng tôi đâu dễ đầu hàng như thế, mưa dầm thấm lâu mà, tôi vẫn kiên trì thực hiện “sứ mạng” của mình.
Những ngày cuối tuần của tôi và Phong giờ có thêm Thương. Tôi nghĩ nếu cho Thương tiếp xúc thường xuyên với những đồng nghiệp của chúng tôi thì khả năng thay đổi quan điểm thời trang của cô nhỏ sẽ khả quan hơn nhiều. Mấy đứa bạn của tôi cũng mến Thương vì cô nhỏ rất dễ thương và hòa đồng. Tôi chỉ không hiểu vẻ trầm ngâm của Phong khi thấy em gái nói cười vui vẻ như thế. Tôi đã không hỏi, cho đến khi…
* * *
Cái quán nằm trong con hẻm nhỏ, tránh xa tiếng ồn ào không ngớt của cuộc sống thị thành náo nhiệt. Tôi luôn thích sự sôi động, nhưng thỉnh thoảng thả mình trong không gian nhỏ nhắn yên tĩnh cũng là một cái hay. Và tôi đã gặp em ở đó. Thương!
Cửa quán mở và một người khách bước vào. Người khách nói gì đó với chủ quán, rất khẽ. Ông chủ có cái đầu hói lưa thưa vài sợi tóc bạc, tạm ngưng việc đánh bóng những chiếc ly, bước đến góc quán. Bây giờ tôi mới nhận ra quán có một chiếc dương cầm.
Người khách vận trang phục toàn đen. Mái tóc dài để xõa và cái dáng nhỏ nhắn cho tôi biết đó là một cô gái. Chiếc nón kết kéo sụp xuống trán, che gần nửa khuôn mặt. Cô gái mặc một chiếc áo phông đen rộng. Cái quần kaki cũng rộng và dài như thể bộ quần áo ấy là của một người khác, cao lớn hơn vậy. Ông chủ kéo tấm khăn phủ khỏi chiếc dương cầm đen tuyền. Nhiều người quay sang nhìn khi nghe những nốt nhạc đầu tiên vang lên. Dạ khúc của Schubert.
Bộ cánh của cô gái hoàn toàn lạc lõng nếu đem so với những chiếc đầm dài thướt tha, nữ tính mà các nghệ sĩ dương cầm vẫn thường mặc khi biểu diễn. Nhưng ở cô ấy có một sức hút lạ khiến tôi không thể rời mắt được.
Bản nhạc kết thúc, thời gian như vẫn còn ngưng đọng và không gian tĩnh lặng hơn bao giờ hết. Tôi thoáng thấy vai cô gái khẽ run. Cô gái đến chiếc bàn nhỏ cạnh cây dương cầm. Ông chủ đem đến một ly nước, không nói câu nào nhưng tôi cảm thấy giữa ông và cô gái có một sự đồng cảm sâu xa nào đó. Cô gái gật đầu cảm ơn rồi chống cằm nhìn ra cửa sổ. Lặng lẽ.
Cánh tay gầy gò dưới tay áo rộng khẽ vén màn cửa, cho ánh nắng tràn vào phòng nhiều hơn. Chiếc khăn quen thuộc buộc quanh cổ tay trái khiến tôi ngay lập tức nhận ra Thương. Tôi chưa từng thấy Thương ăn mặc như thế, nhưng cái cách buộc khăn quanh cổ tay thì không thể là ai khác ngoài em được.
Thương không thấy tôi và cũng không nhận ra có người đang quan sát mình. Em ngồi một mình như thế, suốt nhiều giờ liền và ông chủ quán cũng không chút phàn nàn nào mặc dù ly nước trên bàn em đã tan đá từ lâu. Nếu những sợi tóc của Thương không khẽ lay động, hẳn là tôi tưởng mình đang ngắm một bức tượng.
Vai em lại khẽ run và tay em nắm chặt ngực áo. Tôi không thấy được đôi mắt em dưới vành mũ nhưng chắc rằng đôi mắt ấy không còn lấp lánh những tia nhìn ấm áp và tươi vui như cái cách em hay thể hiện với mọi người. Có cái gì đó thật nặng nề làm tôi ngạt thở. Như những gì Phong đã kể về Thương, tôi đang thấy em trong một con người rất khác. Đầy tâm sự và tràn ngập nỗi cô đơn.
* * *
- Không hẳn vì mày muốn Thương thay đổi cách ăn mặc mà còn vì chuyện khác, quan trọng hơn đúng không?
Tôi hỏi ngay khi về đến cửa hàng. Phong im lặng hồi lâu, không trả lời câu hỏi của tôi.
- Mày biết chuyện gì sao?
- Tao không biết chuyện gì hết! - Tôi gần như gắt lên - Nhưng tao cảm thấy có gì đó bất ổn với Thương và mày muốn tao kéo Thương ra khỏi bất ổn đó.
Phong thở dài: “Thật sự, tao đã hi vọng như vậy”.
Mẹ mất khi sinh ra Thương nên ngay từ nhỏ Thương đã cho rằng mình là nguyên nhân khiến điều không may đó xảy ra. Nó luôn tự dằn vặt mình. Là một đứa luôn muốn làm vui lòng mọi người, nó có thể làm bất cứ điều gì ba và tao muốn trừ cách ăn mặc của nó.
Khi còn sống, mẹ tao hay mặc sơmi màu tối nên nó cũng mặc theo như thế. Vì ai cũng nói nó rất giống mẹ nên nó mong muốn được thấy hình ảnh mẹ qua bản thân nó. Nó yêu mẹ lắm, tất cả những gì liên quan đến mẹ, nó đều giữ cẩn thận đến tận bây giờ. Nó là một đứa nhạy cảm và cũng khó hiểu. Nó có nhiều bạn nhưng chỉ thân với một đứa duy nhất. Một thằng con trai. Hai đứa chơi với nhau từ nhỏ. Có thể mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn nếu thằng nhóc đó không chết.
Ngay đúng ngày sinh nhật của Thương. Thằng nhóc bị tai nạn. Chuyện từ ba năm trước rồi. Em gái tao vẫn vui tươi, hoạt bát như thế nhưng tao biết nỗi đau của nó đã tăng lên gấp đôi rồi. Nó không muốn tao lo lắng nên có bất cứ chuyện gì không vui nó đều chịu đựng một mình. Đôi khi tao bắt gặp Thương ngồi trong bóng tối và khóc mà không biết phải làm gì. Mày không thấy được là nó cô đơn đến thế nào đâu…
Ông chủ quán vỗ vai làm tôi giật mình. Những lời kể của Phong vẫn luẩn quẩn trong đầu tạm thời lắng xuống. Gần mười giờ đêm, quán sắp đóng cửa.
- Có chuyện gì mà cậu đợi đến giờ này?
- Tôi… tôi muốn hỏi về cô gái chơi dương cầm.
- Cô gái chơi dương cầm sao? - Ông chủ quán ngạc nhiên.
- Vâng, cô gái thường chơi bản Dạ khúc ở đây.
- Vì sao cậu lại hỏi tôi? Mà cậu muốn biết gì về cô bé ấy? – Ông nhìn tôi dò hỏi.
Đó là cuộc nói chuyện đầu tiên của tôi với ông chủ quán cà phê. Gần hai tháng sau, qua bảy lần nói chuyện tiếp theo, cuối cùng ông cũng đồng ý kể cho tôi nghe về em.
Con bé thường đến đây vào sáng chủ nhật cùng một cậu nữa, chắc là nhỏ tuổi hơn cậu. Nhưng cũng lâu rồi. Hai đứa lúc nào cũng ngồi ở cái bàn gần cây dương cầm đó. Lần nào đến thằng nhóc cũng đàn bản Dạ khúc.
Vài năm trước, chỉ còn một mình con bé đến quán thôi. Ban đầu tôi nghĩ hai đứa giận nhau hoặc là chia tay rồi. Không ngờ là… Tội nghiệp con bé, chắc nó vẫn chưa quên được. Tuần nào cũng đến đây, đàn rồi ngồi một mình. Khi còn thằng nhóc, hai đứa vào quán là ồn ào cả lên, cười nói vui vẻ lắm. Còn bây giờ, tôi hay thấy con bé khóc. Bộ đồ đen với cái nón đó là của thằng nhóc, tôi vẫn còn nhớ mà.
Ông chủ quán kết thúc câu chuyện ở đó, lắc đầu đứng dậy, để lại tôi, vị khách cuối cùng trong quán, chìm trong suy nghĩ. Tôi vốn không thuộc tuýp người hay bận tâm về chuyện của người khác, nhất là những người không có quan hệ thân thiết với mình. Nhưng tôi đã nghĩ về Thương thật nhiều và không biết từ khi nào, tôi nhận ra những câu chuyện về Thương ràng buộc tôi với em một cách kỳ lạ.
* * *
Tôi mở cửa, Thương đứng trước mặt tôi, ướt lướt thướt. Ngoài trời mưa tầm tã.
- Anh cho em trú mưa một lát nha. Anh Phong chở em về tới đây thì mưa lớn. Anh Phong quay lại đón chị My rồi.
- Em vào ngay đi, ở ngoài này gió lạnh - Tôi vừa đóng cửa vừa làu bàu - Cái thằng Phong này thiệt là, xem người yêu quan trọng hơn em gái rồi.
Tôi nghe tiếng em cười khúc khích.
- Người yêu quan trọng hơn em gái là đúng rồi mà anh. Sau này anh Phong ở với chị My chứ có phải ở với em luôn đâu. Khi nào anh có người yêu rồi thì anh sẽ hiểu anh Phong.
- Chà, bênh anh Hai quá trời nghe - Tôi nhận ra giọng mình có chút ghen tị vớ vẩn.
Trời mưa mỗi lúc một lớn, không có dấu hiệu gì là sẽ tạnh. Con đường trước nhà tôi ngập nước. Có gọi taxi chắc cũng không xe nào dám ghé đón khách.
- Sao lại nhăn nhó thế em? - Tôi hỏi sau cuộc nói chuyện của Phong với Thương qua điện thoại.
- Anh xem anh Phong có kỳ không, nói là nếu mưa không tạnh thì em cứ ở nhà anh đi. Mai anh Phong qua đón. Mưa có lớn thì cũng phải cho em về nhà chứ, em ở đây sao được.
- Sao lại không? Thằng Phong cũng hay ngủ ở đây mà. Mưa lớn quá, bắt nó quay lại cũng tội.
- Nhưng em là… con gái mà anh.
Giọng Thương nhỏ hẳn đi, phải chú ý lắm tôi mới nghe được em nói gì. Nhìn vẻ lo lắng của em, tôi thấy buồn cười. Đúng là nếu để một cô nhỏ qua đêm ở nhà một thằng con trai (không lấy gì làm đàng hoàng lắm) như tôi đây thì cũng đáng ngại thật. Tôi hắng giọng, trấn an em:
- Không sao đâu, chắc lát nữa hết mưa thôi. Thằng Phong qua ngay ấy mà. Anh mới mua mấy đĩa phim hoạt hình nè, mình xem nha.
Phong mà biết tôi mua phim hoạt hình chắc phải cười mấy ngày mới hết. Trước đây tôi có ghiền phim hoạt hình bao giờ, nhưng từ lúc biết Thương thích xem loại phim thiếu nhi này, tôi bắt đầu có thói quen tìm mua chúng.
Gần nửa đêm. Mưa ngớt dần. Chúng tôi đã xem đến đĩa phim thứ tư. Tôi đứng dậy, định tìm cái gì lót dạ thì thấy Thương đã ngủ từ lúc nào. Em cuộn người trong chiếc khăn bông của tôi, tựa đầu vào thành ghế sôpha, trông như một đứa trẻ. Khi mang chăn ra đắp cho em, tôi chú ý đến chiếc khăn tay buộc ở cổ tay trái. Chưa lúc nào tôi thấy em tháo khăn ra, ngay cả khi chiếc khăn ướt sũng sau trận mưa ban tối. Thoáng ngập ngừng rồi tôi cũng quyết định tháo nó ra. Lòng tôi chùng xuống khi thấy trên cổ tay trái, hai chữ TB được xăm cạnh nhau. Hẳn là tên em, Thương và Bảo, tên cậu nhóc của ba năm trước.
- Anh không được làm thế với em.
- Níu kéo người đã chết là một việc làm ngu ngốc, em có biết không...
- Anh không hiểu được em.
- Không chỉ tồn tại mà thôi, em phải biết là em đang sống.
- Anh không cần phải quan tâm đến chuyện của em.
- Em có cho người khác cơ hội để hiểu em không?
Nếu chuyện của tôi là một cuốn phim thì hôm đó hẳn là phân cảnh cao trào nhất. Chúng tôi chưa từng cãi nhau. Tôi chưa từng thấy Thương tức giận đến vậy. Và tôi cũng chưa từng to tiếng với một cô nhỏ như thế. Tôi đã đoán trước phản ứng của em khi thức dậy với cổ tay trống trơn, đã nghĩ đến những điều em sẽ nói và những điều tôi phải nói. Và hôm đó đã xảy ra như một điều tất nhiên.
Thương không chịu gặp tôi suốt nhiều tháng liền. Ban đầu Phong cũng giận tôi vì đã làm em gái nó phải khóc. Nhưng cũng vào một ngày mưa, khi hai đứa kẹt lại ở cửa hàng, Phong đã nói với tôi: “Mày thật tàn nhẫn khi bắt Thương phải đối diện với sự thật nhiều mất mát. Nhưng tao phải cám ơn mày. Vì có vẻ em gái tao đang dần chấp nhận sự thật đó. Nó đã chịu thể hiện cảm xúc thật của mình, không che giấu nhiều như trước nữa”. Tôi không biết phải nói gì với Phong, chỉ cười và đặt tay lên vai nó.
* * *
Sáng chủ nhật. Quán cà phê trong con hẻm nhỏ. Tôi lại gặp Thương.
Tôi nghe tiếng nhạc khi vừa bước vào quán. Người ngồi đàn xoay lưng về phía tôi, không giấu mình trong bộ cánh màu đen nữa. Vẫn cái dáng nhỏ nhắn đang chơi đàn. Thương mặc chiếc áo sơmi trắng điểm những bông hoa nhỏ màu vàng, chiếc áo tôi tặng em. Bản nhạc kết thúc và em lại đến ngồi ở chiếc bàn cạnh cây dương cầm. Khi em đưa tay vén màn cửa, không có chiếc khăn tay nào ở cổ tay trái nữa.
Ông chủ quán đặt ly nước lên bàn em, đem theo cả mảnh giấy tôi vừa viết vội vào đấy. Ánh mắt em dừng lại khi bắt gặp ánh mắt tôi. Em mỉm cười. Một giọt nước mắt rơi xuống mảnh giấy, dòng chữ nhòe đi: “Hãy để anh là chiếc khăn tay của em!”.