Gã chồng hờ<br />
Nắng nổ đom đóm. Con đường trong chung cư tịnh không một bóng người, bóng chim, không một tiếng rao quà trưa. Lũ ve say nắng lịm đi trong những lùm cây im phắc. Lá xanh lả xuống trong nắng trưa ngột ngạt.<br />
Nàng vừa ra khỏi căn phòng mát lạnh, thơm mùi son phấn. Còn đang bàng hoàng bởi những lời ca thất tình váng vất bên tai, bởi mấy tờ giấy bạc mới tinh vừa kiếm được cài dưới lần coóc-xê màu cánh sen, thì bỗng xoẹt một cái - giống như tiếng sét oái oăm giữa vòm trời xanh biếc, không một gợn mây - Một chiếc Môkích đỏ, sơn tróc loang lổ, lao lên hè, đỗ xịch ngay trước ngực nàng.<br />
- Tiên sư con đĩ, tao biết ngay là mày lại đi mà. Mày còn đứng đực ra đấy à? Nâng đít xe lên cho bố mày!<br />
Không nói một lời, nàng lẳng lặng và thành thạo nâng đít chiếc xe xù xì, nóng rẫy, đuôi xe buộc mấy bao tải gai cao vượt mặt, mà nàng biết bên trong toàn cua đồng.<br />
Phựt - chiếc xe được chống lên và liền sau đó, nhanh như cắt, một cú đấm phóng thẳng vào bụng nàng, kèm theo những tiếng chửi tục tĩu:<br />
- Con mẹ mày, tao đã bảo rồi. Nếu mày định làm đĩ nữa thì để tao ở nhà, giờ này tao đi đánh tá lả. Tao đi mấy chục cây số mua cua về cho mày bán, về đến nhà mày đã khóa cửa đi làm đĩ mất rồi. Tao biết ngay là mày lại mò đến đây mà!<br />
Liền ngay sau những câu chửi là hai cú ra đòn nữa, đều vào bụng. Hai cú đánh mạnh đến nỗi, nàng cúi gập người xuống, tay ôm chặt lấy bụng. Lạ lùng thay, giữa cao xanh trưa hè im lìm ấy, chỉ có lời độc thoại của gã đàn ông, còn nàng lẳng lặng chịu đòn, lẳng lặng làm theo mệnh lệnh khô khốc của gã mà không hề mảy may cất lên một tiếng kêu rên nào.<br />
- Mẹ mày! Đứng thẳng dậy, nâng xe lên, tao chở cua cho mày ra chợ. Mà mày phải bán bằng hết số cua này rồi mang tiền về cho bố mày!<br />
Sau bao nhiêu cú đạp chồn chân mà chiếc xe cà khổ vẫn không nổ được máy.<br />
- Mày còn đứng đực mãi đấy à? Đẩy xe cho bố mày!<br />
Lẳng lặng, nhẫn nhục và ngoan ngoãn như một con chó mắc lỗi vừa bị ăn đòn, nàng rướn người đẩy xe, cho đến khi nó phụt ra làn khói đen xì, lăn bánh về cuối chợ cóc trong chung cư, chỉ cách đấy vài trăm bước chân...<br />
Chứng kiến một cách ngạc nhiên, kinh hoàng và nín lặng màn thảm kịch khốc liệt ấy chỉ có một bà giáo đã về hưu. Bà đang hái nắm lá bưởi trong mảnh vườn nhỏ của người quen để đến tối hơ nóng chườm cho ông lão nhà bà...<br />
*<br />
Ấn tượng của ai khi gặp nàng, dù thoáng một lần, đều sửng sốt: Nàng đẹp - một vẻ đẹp vừa nhu mì, dịu dàng, vừa mơn man ve vuốt, vừa mơn mởn lồ lộ, khiến những người đàn ông thực khó ai cầm lòng.<br />
Mười chín tuổi, bứt ra khỏi cái thị xã ven biển buồn tẻ, quanh năm chói chang những ruộng muối và sóng biển lóa mắt, bước ra khỏi những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt khốn khó như muôn ngàn hạt muối biển lao xao dưới chân; bứt khỏi sự yêu thương, hy vọng đến ngẩn ngơ của mấy ông thầy giáo trẻ trong trường; bứt khỏi ngôi nhà xây bằng bao viên gạch xỉ than, vôi trộn lẫn mồ hôi của cha mẹ, của các em và của chính nàng nữa, nàng ra đi. Hành trang nàng mang đi chỉ vỏn vẹn là một chiếc túi du lịch đỏ cạch, in nhãn quảng cáo của hãng Coca-cola. Trong túi duy nhất chỉ một bộ quần áo lành lặn để thay đổi, một bộ sách lớp 12, một quyển sổ tay dày cộp, chan chứa những lời yêu thương của bao chàng trai mới lớn, cùng trường, cùng lớp, của mấy ông thầy giáo vừa khụng khiệng, vừa kiêu ngạo, vừa bất lực rụt rè trước những biến đổi và đòi hỏi ngày càng dữ dằn, khốc liệt, không khoan nhượng của đời sống đang được thị trường hóa... <br />
Và, cất sâu trong túi trước của chiếc quần bò thoáng vệt sờn mỏng, bó chặt hông, chặt đùi nàng, là nguyên liệu chính để vận hành chuyến đi đầy định mệnh, thấp thỏm và gập ghềnh bao nỗi đoạn trường: Số tiền hơn một triệu nàng vừa dành dụm, vừa vay mượn được. Nàng ra thành phố với cái lý do theo đuổi cuộc thi vào giảng đường đại học.<br />
*<br />
Mong ngóng mấy buổi liền không thấy nàng bán hàng, bà giáo bỗng gặp nàng tay xách vài cân gạo, tay xách vài bìa đậu mớ rau, dáng vẻ tong teo thiếu thốn. Bà vồn vã ân cần:<br />
- Này con gái, dạo này sao không thấy bán cua bán cá gì cả. Gớm, cua đắt như tôm tươi thế, sao lại bỏ chợ, bỏ khách?<br />
- Họ đuổi ghê quá bà ạ. Mà cháu đang ốm, không thể chạy được từ đầu chợ đến cuối chợ để tránh như mọi khi. Hôm nọ cháu bị họ thu cả một tải cua với cái cân, không lại được đâu bác ạ.<br />
- Khó gì đâu cơ chứ, cứ chạy chợ đi, không thì lấy gì mà sống. Lúc nào họ đuổi gắt quá cứ đến cổng nhà tôi mà ngồi, tôi mở một bên cổng, cho cô ngồi ké vào đấy, nửa trong nửa ngoài, chẳng ảnh hưởng gì đến tôi mà cũng không lấn chiếm vỉa hè của ai cả. Thôi cứ thế nhé, cô đi chợ đi cho chúng tôi được ăn cá sông với cua đồng. Mấy hôm liền, ai cũng tìm hàng cô đấy.<br />
Đáp lại tấm lòng của bà giáo, nàng chỉ biết vâng dạ, cảm ơn rồi xách thức ăn đi về phía khu nhà trọ bình dân gần đấy.<br />
Nhìn theo cô, bà giáo bỗng thảng thốt xót xa: "Hình như con bé này có mang rồi thì phải. Kiểu này có khi cơm cũng chẳng đủ mà ăn!".<br />
...Rồi nàng cũng phải nhờ đến lòng tốt của bà giáo. Bụng đói đầu gối phải bò. Gã chồng hờ chẳng có tác dụng gì ngoài việc lúc tỉnh lúc say, lúc được hay thua bạc, về đến nhà, sau những cơn căn vặn, ghen tuông cuồng dại, lại vồ lấy nàng, ngấu nghiến hưởng lạc - cái cách hưởng lạc mà tình nghĩa thì ít, ghen tuông, gỡ gạc, hằn học thì nhiều. Càng ghen tuông, càng cay bạc bao nhiêu gã càng bỏ lỡ công việc và giày vò nàng tàn nhẫn bấy nhiêu. Không ít đêm khuya, không ít lúc tảng sáng, vừa đẩy cửa căn phòng trọ tồi tàn, vào nhà, gã đã vồ lấy nàng, xé toạc cả váy áo, rên rỉ và giãy giụa hành lạc, cắn cấu vào bất kỳ nơi nào mà hắn thấy là thơm tho gợi sự thèm khát...<br />
Nàng lần ra chợ, vừa để kiếm miếng ăn nhưng cũng vừa để xoa dịu nỗi ghen tuông của gã chồng. Bởi nàng hiểu, cứ khi nào nàng đi chợ bán hàng đều đều thì gã cũng chịu khó chạy xe, chịu khó lặn lội chạy hàng về cho nàng bán đều đều và thói ghen tuông điên cuồng, thói lao vào cờ bạc, rượu chè như một kẻ mất trí cũng bớt hơn...<br />
Sáng sáng, sau lúc tập thể dục, bà giáo bao giờ cũng ý tứ nới rộng vòng xích giữa hai cánh cổng sắt nho nhỏ tạo ra một đường vòng cung đủ cho nàng đặt mấy tải cua và chiếc cân. Sau hai cánh cổng ấy còn một khoảng vườn nho nhỏ trồng cây cảnh nữa rồi mới đến căn buồng của hai vợ chồng già.<br />
Giúp được nàng như vậy, bà giáo thấy an tâm, thấy vui vẻ phấn chấn trong lòng, đồng thời vẫn giữ được sự yên tĩnh, sự an toàn cho căn nhà nhỏ. Bất quá, nàng cũng chỉ giống như một người qua đường, chạy vào đứng tạm trú mưa hay tránh nắng những lúc nhỡ nhàng mà thôi... <br />
*<br />
Mọi việc đang tạm ổn thì bẵng đi vài ba ngày, bà giáo không thấy nàng đi bán hàng. Gã chồng hờ cũng bặt tăm. Bà sốt ruột: <br />
- Ông này, hay con bé nó ốm. Hay là vợ chồng nó đánh nhau rồi. Cái thai còn trứng nước thế, thằng chồng lại vũ phu.<br />
Đến ngày hôm sau nữa, bà giáo bồn chồn ra mặt.<br />
- Này ông, ông hay đi họp với mấy ông cựu chiến binh, mấy ông công an phường, ông thử hỏi hộ tôi xem con bé nó trọ ở đâu. Hay là tại hôm nọ, tôi vô tình nói câu gì làm nó tự ái, bỏ hàng bỏ chợ.<br />
- Hỏi thì hỏi được thôi, nhưng bà toàn "lo bò trắng răng". Nó cần thì nó khắc đến, mà nó không cần thì bà mong hay là bà thương cũng chẳng được. Mà bà này, tôi thì tôi cũng không phản đối gì bà cả, bà muốn giúp nó thế nào thì giúp, muốn làm gì cho nó thì làm, nhưng bà hãy nghe một câu của tôi nhé: Những cái việc tốt mà bà đang làm ấy, cùng lắm chỉ có thể cảm hóa giáo dục được mấy đứa học sinh cá biệt trong mấy cái lớp. Còn với những đối tượng như thế này, làm thế chẳng khác nào lấy thuốc đỏ bôi lên để chữa một vết đạn bắn, vết dao chém. Vô ích, vô ích thôi, đấy rồi bà xem. Khác nào bà đem bắt cóc bỏ đĩa...<br />
Vậy là bà giáo cũng lần tìm hỏi thăm đến nhà trọ gặp nàng bằng được. Căn phòng trọ trống hoác không một vật gì đáng giá. Khi bà bước vào, nàng đang nằm bẹp trên giường, mặt mũi tóc tai bơ phờ. Rồi nàng khóc với bà:<br />
- Anh ấy bị bắt rồi bác ạ. Mấy hôm trước lúc đang đêm lên cơn ghen bóng ghen gió, đánh đập cháu rồi bắt cháu tháo cái nhẫn vẫn đeo ở ngón tay để dành đến lúc sinh con, đem đi đánh bạc, đánh ở gần đây này. Công an họ phát hiện, xông vào bắt. Anh ấy cầm một bọc tiền, trèo tường định trốn, nhưng bị phát hiện rồi đánh lại một công an định thoát thân. <br />
- Thế hiện nay đang bị giam ở đâu?<br />
- Họ đang tạm giam ở Quận, hôm kia cháu lên thăm tiếp tế thấy bảo đánh trọng thương người thi hành công vụ là tội nặng lắm, ít nhất cũng năm, bảy năm tù giam... Bây giờ cháu biết làm sao đây bác ơi...<br />
...Đêm ấy, bà giáo trằn trọc mãi. Làm thế nào đây? Hình như cô ta cũng chẳng còn nơi nào nương tựa được nữa, giữa nơi đất khách quê người với nườm nượp những con người dửng dưng xa lạ.<br />
Và bà chính là người đã đến hỏi nàng trước:<br />
- Thế bây giờ cháu định thế nào?<br />
Nàng chỉ khóc, khóc thống thiết như khóc trước cha mẹ, anh em ruột thịt của nàng vậy. Rồi nàng do dự hỏi ý kiến bà:<br />
- Cháu đi nạo thai trước đã bác ạ! Có sinh ra đứa trẻ thì nó cũng chẳng có bố, lại cầu bơ cầu bất mà thôi... thà rằng...<br />
- Cháu có mang tháng thứ mấy rồi?<br />
- Gần sáu tháng rồi bà ạ. Mà... mà...<br />
- Mà sao?<br />
- Hôm cuối tháng trước cháu đi siêu âm người ta bảo là con trai.<br />
Nàng ôm mặt rồi bật khóc thành tiếng:<br />
- Ới cha mẹ ơi, sao con khổ thế này!<br />
Bà giáo giật mình:<br />
- Trời đất, trông thế mà đã gần sáu tháng rồi! Cháu ơi là cháu, thế thì không thể được đâu, nó đã thành người rồi, nó biết nghe, biết suy nghĩ, biết buồn vui rồi. Không thể bỏ đi được đâu, không ai làm cái việc thất đức ấy cả, phải tội, phải tội lắm, rồi trời phật không thể tha thứ cho cháu đâu!... Mà còn thằng chồng cháu nữa chứ, tù chán thì nó lại về chứ. Cái ngữ si tình ghen tuông điên khùng ấy, nó sẽ vạch đất, vạch trời tìm bằng được cháu, cho dù lúc đó cháu có ở quê hay ở nhà một người chồng khác thì cũng khó mà yên với nó...<br />
- Giải quyết xong cái thai cháu sẽ về quê!<br />
- Về quê à! Cháu bỏ đi biền biệt như thế, bây giờ về quê với cái bộ dạng nửa sống, nửa chết, thân tàn ma dại thế này sao? Rồi bố mẹ cháu có chịu đựng được bao nỗi ê chề tai tiếng khi làng nước người ta chê cười, khinh bỉ cháu không? Phận cháu, cháu chịu lấy một mình, đừng có bắt cha già mẹ héo chịu thay, bất hiếu lắm cháu ơi...!<br />
Hôm sau, bà giáo ân cần đưa cho nàng chiếc phong bì đựng mấy trăm nghìn đồng, trích từ tiền lương hưu còm cõi của một bà giáo già. Bà chân thành, thương xót:<br />
- Thôi, con gái ạ! Cố gượng dậy đi, gượng dậy mà sống, mà đi bán hàng, nuôi thân, nuôi đứa con. Trời đất rồi cũng có mắt...<br />
*<br />
Dặt dẹo, khi ốm khi khỏe, nàng đi bán hàng. Giờ đây không còn gã chồng đi chở cua, chở cá từ xa về nữa. Sáng sáng, từ lúc tinh mơ nàng đã ra chợ đầu cầu cất hàng, gặp gì buôn nấy, khi thì vài mớ vừa rau thơm vừa mướp, vừa dưa chuột, khi thì một mẹt vừa chanh vừa hành tỏi ớt, có hôm vài chục bó vải thiều, vài chục quả dứa hay rước túm nhãn, cân xoài. Cất hàng xong, nàng ngồi nhờ ở cửa nhà bà giáo, quá trưa thường là hết hàng.<br />
Lặn lội ngày ngày nuôi thân, thỉnh thoảng còn để dành dụm ít tiền đi ôtô vượt hàng chục cây số đến một trại giam ở phía Tây thành phố tiếp tế cho một gã chồng hờ. Ngày nàng sắp sinh, bà giáo dúi vào tay nàng một bọc vừa quần áo, vừa mũ, tất, tã lót của trẻ sơ sinh. Có mươi cái bà tự tay may lấy, còn phần lớn bà đi xin mấy đứa cháu trong họ hàng, bè bạn thân thiết, toàn đồ đẹp đồ tốt. Bà thủ thỉ với nàng:<br />
- Có mấy cái bác may mới tặng cháu, còn toàn thừa hưởng lộc, hưởng phúc của mấy đứa cháu gọi bác bằng bà cả đấy. Đứa nào cũng mũm mĩm khỏe mạnh, mặc để lấy khước cho thằng bé cháu ạ.<br />
Thằng cu Tấn, con nàng ra đời vào một đêm đầu đông. Đầu đông mà rét đến cắt da cắt thịt, gió lồng lên như gió bão mùa nước tháng bảy. Gió vật vã xô gãy cây cối, hoa cỏ, lật tung bao mái nhà nghèo che tạm bằng những tấm tôn, mái lá đơn sơ. Căn nhà trọ của nàng cũng vậy, một góc mái bị xô bật lên, vặn vẹo, cong queo.<br />
Đứa trẻ khôi ngô tuấn tú, vuông vức rộng dài giống như thằng bố nó. Ai nhìn thằng bé cũng phải yêu, có điều nàng gần như mất sữa hoàn toàn.<br />
Bà giáo cùng mấy người vừa là hàng xóm, vừa là bạn già đồng nghiệp cũ đã về hưu, chẳng giàu có gì nhưng cũng đủ bát ăn, đủ xông xênh đôi chút, rủ nhau đến thăm nom mẹ con đứa trẻ. Kẻ ít người nhiều gom góp được non triệu bạc và một bọc cho hai mẹ con. Ai cũng thơm mãi vào cái miệng lúc nào cũng toe toét cười của nó, và từ đáy lòng ai cũng cầu chúc cho hai mẹ con có cuộc sống an bình.<br />
Sau đó vài ngày, ông bà giáo nhận được tin vui từ Nguyệt Em: Vợ chồng cô về thăm gia đình, hành trình của họ đầy tình mẫu tử, chị em thiêng liêng: Ông bà giáo sẽ quay vào Sài Gòn, nơi gia đình Nguyệt Chị đang sinh sống. Vợ chồng Nguyệt Em sẽ tập kết ở đó rồi toàn thể gia đình sẽ có một hành trình tuyệt vời: Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang, Huế... nơi tụ hội cuối cùng sẽ là thủ đô ngàn năm văn vật, nơi có ngôi nhà của ông bà giáo. Lúc cả nhà lên máy bay rời thành phố Huế êm đềm và diễm lệ bay ra Hà Nội, bà giáo cũng chợt nhớ ra và tự nhủ: Thằng cu Tấn cũng được hơn hai tháng tuổi rồi. Bà định lúc về sẽ mang cho mẹ con nó chút quà từ một đất nước châu Âu xa xôi.<br />
Nguyệt Em ở lại với bố mẹ hơn một tuần, rồi ra Nội Bài, bay thẳng về châu Âu...<br />
Thấm thoắt thế mà tết cũng sắp đến nơi rồi còn gì. Bà giáo mang một túi quà cho hai mẹ con thằng cu Tấn. Cánh cửa căn phòng trọ chỉ khép hờ. Bà gõ cửa mãi không thấy tiếng ai liền đẩy nhẹ cánh cửa. Căn phòng trọ vắng ngắt vắng ngơ, gió bấc cuối năm lạnh lẽo run rẩy trên tấm ri đô cũ kỹ bạc phếch. Gió lật đi lật lại mãi tờ họa báo cũ vứt lăn lóc trên giường. Bà cất tiếng gọi:<br />
- Mẹ con thằng cu Tấn ơi! Cô Hương ơi, hai mẹ con đi đâu cả rồi!<br />
Lặng ngắt không một tiếng người. Gió lạnh vẫn khua lao xao, lao xao mãi trong từng góc nhà, từng tấm cót ép đã bắt đầu tơi tả tũa ra.<br />
- Cô Hương ơi! Cu Tấn ơi, hai mẹ con đi đâu cả rồi!<br />
Từ một căn phòng trọ cuối sân, cánh cửa bật mở.<br />
- Ối giời, bà đấy ạ! Tôi cứ định đi tìm bà mấy lần nhưng nào có biết chính xác là bà ở đâu mà tìm cơ chứ? Đến tên của bà tôi còn chưa biết nữa là, khổ thân tôi quá bà ạ.<br />
Trên tay người đàn bà khoảng năm mươi tuổi ấy là thằng cu Tấn. Nó đang ngậm chiếc vú cao su trong miệng, tay hua hua đùa với mấy chùm hoa nắng cuối đông đang lung linh trên cửa...<br />
- Sốt ruột sốt gan quá bà ơi! Con mẹ nó bỏ vạ cho tôi đi suốt hơn chục ngày rồi. Tôi biết làm sao được với thằng bé này đây, biết làm sao được bây giờ bà ơi!<br />
... Vậy là mười ngày trước đây, Hương đã nói với bà chủ trọ nhờ trông hộ cu Tấn một buổi sáng để về chợ Bằng tìm mẹ chồng xem có giúp gì được hai mẹ con nàng trong lúc khó khăn này không. Nhưng hết buổi sáng, hết một ngày, hết hai ngày rồi hơn mười ngày phấp phổng trông chờ, mà mẹ thằng cu Tấn vẫn mất tăm. Bà chủ trọ than thở:<br />
- Tôi đợi hết ngày đầu thì đã thấy hơi ngờ ngợ rồi bà ạ, lúc lấy sữa pha cho thằng bé, thấy trong ngăn tủ xếp ngay ngắn hơn hai chục hộp sữa bò. Quần áo, tã lót được gấp gọn gàng, tất cả để trong một cái túi du lịch, cứ như là đã có chủ định sẵn để bỏ đi thì phải. Cô ta còn thiếu tôi hai tháng tiền nhà, tôi có nỡ đòi đâu. Vậy mà dám bỏ đứa con lại thế này. Nếu cô ấy bỏ trốn đi thật thì tôi biết làm thế nào với thằng bé này đây!<br />
Bà giáo đón lấy thằng cu Tấn ôm nó vào lòng. Những giọt nước mắt bà lã chã ứa ra, rơi vào vai thằng bé mới chưa đầy ba tháng tuổi. Nó đã nhổ cái núm vú cao su ra, nhìn bà toe toét cười...<br />
Ngồi một lúc, bà giáo đặt thằng bé vào tay bà chủ trọ, đưa bọc quà, vài trăm nghìn đồng còn lại trong túi và khẩn khoản:<br />
- Bà ơi, tôi cũng như bà thôi, chỉ như người qua đường, thấy cảnh khổ thì giúp. Nhưng tôi vẫn tin là cô ta không thể bỏ đứa con như thế này mà đi biệt tăm đâu...<br />
Trước lúc về, bà giáo còn cẩn thận ghi lại số điện thoại và địa chỉ của mình cho bà chủ trọ.<br />
Ra khỏi khu nhà trọ, chẳng hiểu thế nào bà giáo lại không quen chân như mọi khi về nhà mình. Như người bị mê lú, bà cứ đi, đi mãi ra tận ngã ba, sát với con đường cao tốc rộng thênh thang. Ngã ba, trong con mắt của một người già yếu thật mênh mông: Bên phải là dòng đường chạy mãi về các làng quê, bến bãi, các chòm xóm nơi núi cao thăm thẳm...<br />
Bà giáo cứ thẫn thờ từng bước chân, thẫn thờ kiếm tìm về phía cây cầu xi măng bắc qua dòng sông nhỏ nối liền đường cao tốc với đường vào chung cư. Bà cứ đứng giữa ngã ba đầy cát bụi, như vô vọng tìm kiếm cái bóng dáng hối hả của nàng đang quay về khu nhà trọ để được ôm chặt thằng cu Tấn của nàng mà hôn hít, mà nức nở... <br />
<br />
<img src="/forum/images/smilies/yahoo/19.gif" style="vertical-align: middle;" border="0" alt="devil" title="devil" />
Posted on Wed, 22 Dec 2010 01:36:33 +0000 at
/forum/showthread.php?tid=8266