Hôn nhân và tình yêu vốn là quy luật của muôn đời. Thế nhưng nuôi dưỡng, gìn giữ thật không dễ.
Trong quan hệ vợ chồng, một trong những câu nói dễ làm thương tổn người bạn đời, đó là: “Sống với cô (hay anh), tôi cảm thấy bị thiệt thòi” hoặc “Tôi không hiểu vì sao lại lấy cô (hoặc anh...)”. Đó là điều tối kỵ trong hôn nhân, vì như thế có nghĩa là bạn đang phải sống với một người không xứng đáng với mình. Nhưng người ấy đã từng làm cho bạn vui, yêu đời và tự nguyện để họ trao chiếc nhẫn, kết quả của tình yêu, trong ngày hôn lễ.
Đừng để mình bị mặc cảm
Thường phải sau một thời gian chung sống, những người trong cuộc mới nhận ra mình thiệt thòi hay may mắn. Đó là kết quả tổng kết từ sự so đo giữa bản thân mình và người bạn đời.
Ngọc Dung lấy chồng được gần 10 năm. Hai vợ chồng đã chung sức tạo dựng nên một ngôi nhà khang trang và lần lượt 2 đứa con, kết quả của hạnh phúc, ra đời.
Nhưng niềm vui chưa lâu thì người vợ ấm ức khi bất đắc dĩ phải ôm hết các khoản chi ngày càng nhiều cho gia đình, bởi phần lớn thu nhập của chồng đều dành cho cha mẹ chồng với lý luận: “Anh là con trai độc nhất phải có bổn phận lo cho cha mẹ già yếu”.
Nghĩ đến việc cha mẹ chồng đi du lịch, mua sắm thoải mái; còn bố mẹ mình phải dè sẻn từng đồng, chị rất tủi thân, bởi sự hiếu thảo của anh lo cho cha mẹ, còn con cái và cuộc sống riêng tư dồn hết lên vai vợ.
Những nỗi niềm ấy tích tụ dần và chỉ chờ có dịp nổ bùng, khi chị quá bực đã buông lời nặng nhẹ: “Sống với anh, tôi không có cảm giác có chồng, không có nơi nương tựa. Sự hiếu thảo của anh gây thiệt thòi cho mẹ con tôi”. Đến nước ấy, anh chồng ngớ ra và cho rằng mình bị xúc phạm.
Một dạng thiệt thòi nữa là người bạn đời hay đem bạn ra so sánh với người khác. Đôi khi, người khác có đến 99% không thể bằng người bạn đời của bạn, thế nhưng họ lại mang 1% điểm tốt duy nhất ấy để so sánh với người đã cùng kề vai gánh vác trọng trách gia đình với mình, để rồi cảm thấy “số mình sao xui thế”.
Nếu bạn cảm thấy mình bắt đầu bị thiệt thòi, hãy tìm ra nguyên nhân và chuyển hướng suy nghĩ. Đừng ngại ngần khi bàn bạc với chồng (hay vợ), để tìm ra giải pháp giúp cải thiện tình cảnh bị thiệt thòi ấy. Bởi chẳng ai muốn sống với một người luôn mặc cảm và thiệt thòi.
Khi mất đi quyền kiểm soát
Có nhiều cặp vợ chồng trẻ không dám trả giá cho hạnh phúc, đành chấp nhận sống trong một “gia đình thuộc địa” - tên gọi cho một mô hình gia đình khi mất đi sự kiểm soát, quyền tự do, độc lập. Điều nghịch lý là thế lực ở vị trí cầm quyền lại là những bậc cha mẹ hết lòng lo cho con.
Bà Thu Phương, một chủ tiệm may ở quận Bình Thạnh - TPHCM, suốt cả tháng phờ phạc lo đám cưới cho con gái. Trong những lời than thở của bà pha lẫn niềm vui của người mẹ đảm đang: “Con gái dù lớn cỡ nào, cũng là con”. 23 tuổi lấy chồng nhưng cô vẫn sống nép mình êm ấm dựa vào sự bao cấp của mẹ.
Trong khi gia đình sui gia mong muốn có cháu nội, mẹ cô vẫn đủng đỉnh biểu con gái “rảnh rang thêm vài năm nữa”. Tình sui gia cũng lợt lạt. Lo mẹ sinh bệnh, cậu con rể về nhà chăm sóc cho mẹ nhiều hơn. Bên nhà anh có cô bạn cũ, thương anh từ nhỏ, gặp gỡ, rồi tình cảm phát sinh. Chuyện vỡ lở, bà mẹ quyết định “ly hôn ngay” mặc cho con gái van xin mẹ cho chồng một con đường quay trở lại.
Trong một phiên tòa hòa giải ly hôn của một cặp vợ chồng trẻ, vị thẩm phán ngạc nhiên khi thấy một ông bố chồng thay mặt cho con trai. Đối với ông, nếu mọi chuyện mà ông chưa duyệt thì không ai trong gia đình, kể cả vợ và con cũng không dám trái ý, huống gì chuyện ly hôn của con trai.
Ông có một chuỗi cửa hàng kinh doanh xe máy, thế mà con trai ông dám cặp kè với một cô gái “cư dân nhà trọ”. Đến lúc cô có thai, ông phải muối mặt lo đám cưới cho con trai.
Cô gái lấy được một người chồng giàu có nhưng cô phải làm mọi việc trong nhà như một ôsin không lương. Ngay cả khi cha bị đau nặng, cô cũng không có tiền gửi về giúp gia đình.
Khi con 2 tuổi, cô bàn với chồng xin đi làm nhưng chồng cô lại bảo: “Em phải xin phép ba, anh không quyết được”. Vốn là người tự lập nên cô tự ý quyết định cuộc sống của mình.
Cô gửi con vào nhà trẻ và trở về xí nghiệp may, nơi cô làm trước đây. Biết tin con dâu đi làm trở lại mà không xin phép, ông nổi trận lôi đình và chỉ trích con trai “không biết dạy vợ”, mắng con dâu “kiếm chuyện đi làm để trốn việc nhà”. Một lần tình cờ đi ngang nơi con dâu làm việc, thấy cô nói cười với một nhóm bạn có cả trai lẫn gái..., về nhà, ông bắt con trai ly dị vợ, trục xuất con dâu ra khỏi nhà mà không cho mang con theo...
Còn rất nhiều mẩu chuyện đau lòng như thế vì các bậc sinh thành quá thương yêu và chăm sóc con quá kỹ nên khiến những đứa con thụ động, ỷ lại vào cha mẹ. Giải pháp an toàn là ngay từ đầu, những ông bố, bà mẹ đừng giành với con quyền làm chủ gia đình bởi họ không sống đủ lâu để làm thay cho con suốt cuộc đời của nó. Những phụ nữ quá nhập vai “bà mẹ” vì sợ con lấy chồng sẽ làm mất “vai diễn” của mình, sợ tình cảm cũng bị mất mát theo.
Còn các ông bố, không hẳn sợ mất quyền làm cha, nhưng vẫn luôn muốn chứng tỏ khả năng trụ cột của mình, vẫn quyết định nhiều việc lớn trong gia đình. Họ muốn con cái yên bề gia thất nhưng lại không ban cho con cơ hội để trưởng thành.
.......................đọc nhiều thông tin bổ ích nữa đây mọi người
Khoa hoc
Suc khoe
Doi song