<em class='bbc'><strong class='bbc'><span style='font-size: 26px;'><span style='color: #FF0000'>Dưới giàn hoa tím</span></span></strong></em><br />
<br />
<br />
<br />
Ngày xưa, nhiều khi tôi vẫn thường tát vào mặt tôi và tự sỉ vả rằng còn đang đi học thì không được mê gái. Vậy mà tôi vẫn mê. Cái đó người ta gọi là tình yêu thủa học trò, tình yêu thời niên thiếu hay và chi chi nữa, nghe thơ mộng lắm. Và tôi cũng mần thơ. Thơ của tôi rỗng tuếch, toàn những sáo ngữ nghe rất buồn cười. Chẳng biết hút thuốc lá gì cả tôi cũng bày đặt viết: <em class='bbc'>“Ngón tay anh vàng khói thuốc. Đôi mắt em đẫm lệ sầu”</em>, giống như một số nhà Nho ta xưa<em class='bbc'>: “Quét tuyết cổng ngoài, chờ đón bạn hiền nhàn lãm”</em>… Sầu cái khỉ mốc! Đôi mắt “nàng” mà sầu tôi xin đi đầu ngược. Nguyên bản là nó thế này:<br />
<br />
<em class='bbc'>“Ngón tay anh vàng thuốc lá.</em><br />
<br />
<em class='bbc'>Đôi mắt em đẫm lệ sầu</em><br />
<br />
<em class='bbc'>Sao đời mình phiêu bạt?</em><br />
<br />
<em class='bbc'>Sao lòng mình thương nhau.”</em><br />
<br />
Nhưng cái sự thật lại phũ phàng quá đỗi, tôi cho là như thế. Chúng tôi chẳng “phiêu bạt” một tí nào cả. Còn đi học chứ đi đâu mà phiêu bạt? Và nàng cũng chẳng thương tôi một tí chút nào cả, tôi chỉ theo đuôi phía sau nàng thôi. Kể ra thì đôi lúc cũng ngượng ngùng. Câu chuyện như thế này:<br />
<br />
*****<br />
<br />
Hồi ấy tôi học lớp 12 trường Chu Văn An, còn “nàng” học lớp nào trường Trưng Vương thì tôi cũng không rõ, tôi chẳng biết tên nàng nữa<br />
<br />
<em class='bbc'>“Chưa biết tên nàng, biết tuổi nàng</em><br />
<br />
<em class='bbc'> Mà nghe trong dạ đã mang mang”</em><br />
<br />
<em class='bbc'>(Lưu Trọng Lư)</em><br />
<br />
Từ trường Chu Văn An ở dưới Chợ Lớn mà đạp xe về trường Trưng Vương trước cửa sở thú thì xa lắm. Vậy mà hằng ngày, hễ có giờ nghỉ là tôi đạp về. Tôi ngồi trên xe, xa xa, “ăn vạ” trước cổng trường. Những cánh cổng gỗ thâm nghiêm sơn vẹc-ni màu cánh kiến luôn luôn đóng kín. Tôi nghe rõ cả tiếng lá rụng xào xạc trên mặt đường nhựa, vì là đường cụt nên vắng xe qua lại. Chờ mãi, chờ mãi, bâng khuâng lạnh ngắt cả lòng. Rồi một hồi chuông reo âm u mãi tận bên trong, vang vang đều đều, tiếng được tiếng mất còn nhỏ hơn tiếng dế kêu. Những tiếng chuông tan học ấy như gieo vào lòng tôi chút gì xao xuyến, lạnh giá tâm tư. Tôi là học sinh được học bổng. Hồi thi vào lớp Đệ Thất – về sau gọi là lớp Sáu, tôi đậu hạng nhì. Tôi đã cố gắng mỗi năm không bị sụt hạng, giữ được học bổng đó như một vinh dự, có tên đăng trên công báo. Tôi không lo thi Tú Tài vì học sinh bốn trường , Gia Long, Trưng Vương, Pétrus Ký, Chu Văn An luôn luôn nổi tiếng học giỏi. Nhưng sau khi đậu xong sẽ còn phải thi vào đại học, nếu rớt thì nhục nhã lắm. Mà đời tôi cũng “bế mạc”, chấm dứt giấc mơ trở thành cái này cái nọ. Bởi vậy tôi ân hận lắm. Theo nàng thì theo, quá nhớ nhung nàng, quá thèm khát được nhìn thấy nàng thì tôi phải chờ đợi, nhưng trong khi chờ đợi hay những lúc đầu óc vơ vẩn nghĩ tới nàng, sợ mình chểnh mảng trong việc học, lòng tôi đau như muối xát. Tôi đã “theo đuôi” nàng từ hơn năm nay rồi, theo phía xa xa, không theo thì nhớ chịu không nổi chứ “nàng” người Nam hay Bắc tôi cũng không biết. Tà áo trắng muốt mềm mại đeo chiếc huy hiệu nhỏ nhỏ hình chiếc hoa mai ở trên ngực áo, khuôn mặt xinh xinh hiền dịu. Nàng “thiêng liêng” lắm, mặc dầu mới khoảng tầm 15 – 16, kém tôi chừng hai ba tuổi. Tôi có thể nhìn ra chiếc áo trắng ấy, thân hình ấy và mái tóc ấy trong một “biển” nữ sinh tỏa đầy cổng trường. Giữa nàng với tôi dường như có cái gì ràng buộc. Ôi, cái cô bé mười sáu, đi chiếc xe đạp màu tím, cột chiếc cặp nữ sinh ở đằng sau xe kèm tà áo dài như mọi cô khác mà sao thiêng liêng đến thế. Thứ hai đầu tuần, thứ bảy cuối tuần các cô mặc áo dài màu xanh da trời giống như trường Gia Long thì tôi cũng nhận ra luôn. Tôi có thể nhận ra nàng như chàng chăn cừu xứ Prô-văng nhận ra cô chủ nhỏ Stê-pha-nét với chiếc juýp trắng viền đăng ten, cưỡi trên mình con la, đem lương thực lên núi cho anh ta mà anh ta vẫn thường yêu trộm nhớ. <br />
<br />
Những tiếng chuông âm u vì cửa đóng kín. Rồi những cánh cửa mở ra. Tim tôi xao động. Cả chiếc cổng sau phía hai dãy nhà để xe lợp tôn cũng mở ra nữa. Ba chiếc xe đưa nước nho nhỏ, loại xe đưa đón đóng lưới mắt cáo cũng dấu hiệu nữ trung học Trưng Vương đậu trên lề đường. Các cô nữ sinh túa ra, tay xách cặp hoặc ôm cặp trên ngực. Toàn áo dài trắng, thướt tha, mềm dịu. Những cô đi bộ, hoặc đi xe nhà thì ra cổng chính. Những cô có tên trong danh sách đóng tiền từng tam cá nguyệt đi xe đưa rước của hội phụ huynh thì tự động lên xe, có người trông nom, kiểm điểm chỗ ngồi. Đằng kia, cái cổng xe đạp cũng tấp nập. Các cô đi từng đàn, từng lũ đông như bầy kiến ở trên lề đường, chiếm cả lòng đường, nói cười vui vẻ. Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm vắng lặng và con đường Thống Nhất rộng thênh thang đến giờ tan bỗng dưng trở thành hai dòng song trắng linh động, đẹp mắt. Từ hai “dòng sông” ấy tỏa đi các đường phố khác. Dân Sài Gòn rất yêu cái hình ảnh đó. Họ nhìn các cô với ánh mắt yêu thương, sẵn sang nhường đường cho các cô.<br />
<br />
Tôi theo, xa xa cách khoảng chục mét ở phía sau lưng. Cô gái không nhìn nhưng biết tôi đi theo. Tôi thuộc lòng lộ trình của nàng: xuôi theo đường Thống Nhất, đi dọc theo Hai Bà Trưng, qua cầu Kiệu, xuống tuốt ngã tư Phú Nhuận rồi quẹo trái, tới khu Học viện Quân sự cao cấp gần Tổng tham mưu, ở cổng có quân cảnh gác. Tụi tôi rất ngán quân cảnh, trông họ dữ giằn thế nào ấy. Bởi vậy tôi thường dừng lại, ngẩn ngơ nhìn nàng vào khuất trong khu biệt thự, một lúc lâu sau mới thấy quay trở lại, vòng xe qua bên kia đường, trong lòng mênh mang một cái gì đó không tên, không tuổi. Tôi biết khu Học viện Quân sự toàn các sĩ quan cao cấp cỡ đại tá trở lên, loạng quạng họ bắt thì chết.<br />
<br />
Một hôm, thấy “nàng” vô ngon quá, chiếc xe chứ đi thẳng chẳng một ai xét hỏi gì cả, tôi bèn đánh liều theo sát phía sau, mặt hơi cúi, làm ra vẻ rất tự nhiên. Mấy người quân cảnh không để ý, tưởng tôi là người trong cư xá, học trò đi học về nên không nhìn mặt. Tôi đi qua trạm dễ dàng, trong bụng mừng thầm, theo nàng vô tuốt bên trong.<br />
<br />
“Nàng” dừng lại trước cửa một ngôi biệt thự nho nhỏ có giàn hoa tím ở đằng trước. Trong lúc quay lại gỡ vạt tà áo dài cài trên dây xe, bất chợt nhìn thấy tôi nàng có vẻ ngạc nhiên, nhíu mày dường như suy nghĩ điều gì, lại nhìn lần nữa rồi lẳng lặng dắt xe vào bên trong.<br />
<br />
Tôi nhìn số nhà, nhìn giàn hoa tím, cố nhớ như in trong óc rồi vơ vẩn đạp xe, lang thang đi ra. Không sao hết, tôi không làm điều gì phiền nàng mà cũng không dám làm quen với nàng. Tình yêu của tôi là như vậy, nó khao khát, nó nồng cháy, nó sâu đậm nhưng cũng mang hương vị của sự nhút nhát, vừa nhút nhát lại vừa liều lĩnh. Tôi có quyền theo nhưng với điều kiện im lặng. Run lắm, chỉ nhìn thấy nàng là tôi đã hổi hộp. Ôi, cái thân hình ấy, cái gương mặt ấy, cái mái tóc xinh xắn thả xuống ngang lưng ấy, tất cả dường như mơ hồ che phủ một vầng hào quang, thứ hào quang ngàn năm không đợi…<br />
<br />
Tôi theo nàng, chẳng sao hết, nhưng ra đến ngoài mới có “sao”! Mấy người quân cảnh thấy tôi mặt lạ, chặn lại hỏi tôi ở dãy nào, số nhà bao nhiêu, đi đâu. Tôi nói vào thăm nhà người quen. <br />
<br />
- Người quen tên gì? Cấp bậc gì?<br />
<br />
Tôi trả lời không được, vậy là bị bắt.<br />
<br />
Đêm ấy tôi không sao ngủ nổi, lại bị bỏ đói không được ăn cơm chiều nữa. Có chỗ đâu mà ngủ? Ngồi thu lu một mình trong văn phòng như con chó đói. Lâu lâu, một vài người lính đi ngang qua, họ tò mò nhìn tôi từ đầu xuống chân rồi hỏi ông thượng sỹ già canh gác xem tôi là ai, bị bắt vì tội gì.<br />
<br />
- Ờ thì một thằng giả dạng học sinh, định vào xem xét hay phá hoại gì đó mà.<br />
<br />
Tôi lo lắm, trong lòng bứt rứt, chỉ sợ giờ này mẹ tôi và cả nhà tôi đi tìm, nhất là mẹ tôi, khóc hết nước mắt. Tôi đi học không về, ai có thể ngờ được tôi bị giữ trong khu học viện quân sự với lý do hết sức kỳ cục ngoài sức tưởng tượng. Tôi vốn là học sinh chăm chỉ, ngoan ngoãn, lễ phép. Nói thật, tôi chỉ nghĩ tới mẹ tôi thôi, không dám nghĩ đến cố nữ sinh trường Trưng Vương xinh xắn mà tôi cảm thấy như cách xa mãi tận nơi nào.<br />
<br />
Sáng ra tới giờ làm việc, người ta dẫn tôi lên gặp ông đại tá có lẽ trông coi khu Học viện gì đó. Ông này đã lớn tuổi, bụng bự, rất mập.<br />
<br />
- Ủa, cậu là học sinh Chu Văn An hả? Có thẻ học sinh không?<br />
<br />
- Dạ, thưa có nhưng tôi không đem theo. Học sinh trường chúng tôi đi học ít khi đem thẻ học sinh.<br />
<br />
- Ai ra lệnh cho cậu vào đây? Cậu vào khu Học viện quân sự này với mục đích gì?<br />
<br />
- Dạ thưa…..<br />
<br />
Bây giờ tôi thấy tốt nhất hơn hết là khai huỵch toẹt tất cả. Thà khai ráo tuốt dù rất mắc cỡ còn hơn bị họ nghi ngờ, khép tội này, tội nọ kia thì cực kỳ nguy hiểm. Tôi kể rõ tôi thầm mê một cô nữ sinh trường Trưng Vương từ hơn năm nay, nhà cô ta ở trong khu Học viện Quân sự này.<br />
<br />
- Thế cô ta tên gì?<br />
<br />
- Dạ, thưa tôi....không biết tên.<br />
<br />
- Trời đất ơi, theo người ta cả năm trời, mà không biết tên ? Vậy cô ta học lớp nào, hình dáng ra sao ?<br />
<br />
Tôi mô tả hình dáng và nói cô ta rất xinh, nhà ở ngoài cổng đi vô, quẹo con đường ngang, đằng trước có giàn hoa tím.<br />
<br />
- Sao căn nhà có giàn hoa tím ?<br />
<br />
- Vâng ạ.<br />
<br />
Ông đại tá há hốc miệng ngạc nhiên, im lặng suy nghĩ. Tôi năn nỉ :<br />
<br />
- Thưa đại tá tôi cũng có người anh làm trong không quân, trưởng phòng Hành chính Tài chính Tân Sơn Nhất. Không tin đại tá có thể gọi điện thoại…<br />
<br />
- Anh cậu tên gì ?<br />
<br />
Tôi nói tên anh tôi, vị sĩ quan càng ngạc nhiên :<br />
<br />
- Ủa thế cậu là em ông Võ đấy hả, em ruột hay em họ ? Sao mỗi lần tôi đến chơi không gặp cậu ?<br />
<br />
- Dạ thưa em ruột. Tại gia đình anh chị Võ em đông con, ở riêng, em ở với mẹ em và cô em gái cách đấy mấy căn…<br />
<br />
- Cậu nhớ số điện thoại của anh Võ không ?<br />
<br />
- Dạ không, anh Võ em có nói, em có ghi và dán lên bàn học nhưng để ở nhà.<br />
<br />
- Thôi được, tôi có số của tổng đài Tân Sơn Nhất.<br />
<br />
Ông ta mở sổ, quay số gọi cho tổng đài rồi gọi cho anh tôi. Một lát sau thì liên lạc được. Giọng ông nói to như hét :<br />
<br />
- Ê đằng ấy có cậu em tên X. phải không ? Sao đi học không thấy về nhà cả gia đình đi kiếm suốt đêm hôm qua hả, há há… Cậu ấy bị tóm ở đằng moa đấy, đang ngồi ‘‘tâm sự’’ với moa đây này. Đến ngay nhé, lãnh cho cậu ấy về… Không một việc hiểu lầm nho nhỏ vậy thôi, chẳng ai dám đánh đập gì đâu. Nếu biết em cậu thì tớ đã thả từ tối hôm qua rồi… Nguyên nhân ấy hả ? Há há… Tại vì chú em của cậu bay bướm quá, giống hệt tụi mình hồi trước. Chú ấy mê con em gái tớ, theo nó từ trường về nhà rồi xông đại vô định “bắt cóc” em gái tớ. Không, nói đùa vậy thôi chứ chẳng có chuyện gì xảy ra đâu… Tất nhiên cậu ấy không có giấy tờ nên bị mấy thằng quân cảnh nó tóm… Thôi bái bai nhé! Cậu đến ngay nhé. Được tớ bảo cậu ấy đợi…<br />
<br />
Ông ta gác điện thoại rồi trở lại ngồi vào ghế. Trong khi chờ đợi, ông im lặng suy nghĩ một lúc lâu rồi khẽ nhíu mày, bảo tôi:<br />
<br />
- Tôi với anh Võ là bạn thân.<br />
<br />
- Vâng ạ.<br />
<br />
- Tôi biết cậu học Chu Văn An. Nhưng theo tôi nghĩ, năm nay cậu học lớp 12, sắp thi Tú Tài. Bổn phận của người học sinh là phải lo học trước đã, sau khi học xong mới tính tới chuyện khác…<br />
<br />
- Dạ vâng em xin nghe lời.<br />
<br />
Ông ta lại nhíu mày, tay sờ dưới cằm, đôi mắt vơ vẩn nhìn lên khoảng không trước mặt:<br />
<br />
- Cậu là em trai của cậu Võ, còn cô em gái học trường Trưng Vương là em ruột tôi. Tôi biết tuổi học trò bồng bột thì phải như vậy thôi. Nhưng cậu ráng lo học hành, thi đậu đại học. Một vài năm nữa, cậu đã vào được đại học, em tôi đã lớn, cũng đã học xong trung học, nếu thương yêu nhau thì cứ đến đây, nói cho tôi biết rồi anh em mình sẽ tính. Tôi nói một là một, hai là hai, không bao giờ quên đâu.<br />
<br />
- Vâng ạ.<br />
<br />
Người lính đi trước, vào đứng ở cửa báo là anh tôi đã đến. Ông đại tá nhìn ra và đứng dậy. Anh tôi lái chiếc xe jeep mang dấu hiệu không quân mặc dầu coi về hành chính tài chính, thân hình cũng mập và hơi lớn tuổi. Hai người bắt tay, ông đại tá cười:<br />
<br />
- Cậu ấy định “ám sát” moa đấy, moa giải thích bao giờ cậu đậu vào đại học thì mới nói chuyện.<br />
<br />
Ra đến ngoài, anh tôi dừng xe bảo tôi:<br />
<br />
- Thôi về đi, về sớm cho cả nhà đỡ sốt ruột. Tôi tha cho cậu lần này, ráng mà lo học. Ông Hoàn ông ấy nói rồi đấy, phải vào được đại học thì mới nói chuyện.<br />
<br />
- Vâng ạ.<br />
<br />
Cuối năm ấy, tôi thi đậu vào đại học. Năm năm sau ngày sau đã tốt nghiệp, đi làm, tôi lấy vợ, cô gái lấy chồng.<br />
<br />
Giờ đây, nhà cửa xây nhiều, các anh chị em chúng tôi đi cả, đi theo diện H.O cùng với gia đình, riêng vợ chồng tôi tiếp tục ở lại với ba đứa con, trong ngôi biệt thự nho nhỏ có giàn hoa tím ngày xưa. Ngày nay khu “Học viện quân sự cao cấp” không còn lính gác nữa. Người ta đã xây dựng một khách sạn lớn, tôi sống về nghề viết văn tương đối đủ ăn.<br />
<br />
******<br />
<br />
Một hôm đứa con gái lớn của của chúng tôi – 16 tuổi – đang ngồi trên chiếc ghế đá dưới giàn hoa tím đọc sách. Nó thích mặc đồ trắng, mái tóc gọn gang xinh xắn như mẹ nó hồi trước. Một cậu học trò ngồi trên yên xe đạp, “đợi chờ” hoặc dòm ngó gì đó ngay sát hàng giậu. Ghi-đông chiếc xe đạp ngả sang một bên, chân chống trên đê-pan xe. Vậy là cậu ta đã đứng lâu lắm chứ không phải vô tình. Thấy tôi đi ra, cậu ta lảng tránh, đạp xe đi làm bộ như người lạ.<br />
<br />
A ha, tuổi trẻ bồng bột là như vậy, cái gì đã diễn ra hơn hai mươi lăm năm trước thì bây giờ lại tái diễn. Tôi nhíu mày chợt nhớ lại những kỷ niệm của mình thời còn trẻ tuổi. Tôi yêu thương các con tôi lắm, nhất là con gái, tôi lo lắng cho nó. Tôi không trách móc và không ngăn cản tình cảm của tuổi học trò khi trái tim người ta rung động. Nhưng nếu cậu học trò đó, “chạm trán” với tôi và được quyền khuyên nhủ thì tôi sẽ nói rằng bổn phận của một học sinh là lo học, thi đậu, học hành tới nơi tới chốn, đừng để phân trí. Giống như ngày xưa một người anh đã từng khuyên tôi như thế và tôi đã nghe lời và tôi biết rằng điều đó luôn đúng.<br />
<br />
<em class='bbc'><span style='font-size: 17px;'>Thái Phương</span></em>
Posted on Sun, 24 Jul 2011 02:21:23 +0000 at
http://forum.petalia.org/index.php?/topic/67805-d%c6%b0%e1%bb%9bi-gian-hoa-tim/