• Như thế nào và làm thế nào để trở thành một nhân viên giỏi
  • RE: Như thế nào và làm thế nào để trở thành một nhân viên giỏi

    haquocquan > 11-10-10, 04:01 PM

    Cám ơn HV.
    Chúng ta lại tiếp tục với các kỹ năng cần thiết nhé.
    KỸ NĂNG GIAO TIẾP
    1. Giao tiếp là gì?
    - Giao tiếp là nói một điều gì đó với ai đó,
    - Giao tiếp là sự chuyển tải ý tưởng giữa loài người,
    - Giao tiếp là sự trao đổi thông tin,
    - Giao tiếp là việc truyền đạt hướng dẫn, chỉ dẫn giữa người này và người khác,
    - Giao tiếp là sự trao đổi, chia sẻ thông tin và tạo quan hệ,
    Hay nói một cách chuyên nghiệp hơn, văn hoa hơn:
    Giao tiếp là quá trình chuyển giao, tiếp nhận và xử lý thông tin giữa người này với người khác
    2. Các nguyên tắc khi giao tiếp:
    - Đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa các bên tham gia giao tiếp.
    - Đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong giao tiếp
    - Cùng hướng tới giải pháp tối ưu
    - Tôn trọng các giá trị văn hóa
    3. Thái độ cần thiết trong giao tiếp:
    - Thái độ lạc quan, tích cực
    - Thái độ sẵn sàng, có thể làm được
    - Thái độ chân tình và hợp tác
    4. Làm thế nào để giao tiếp có hiệu quả:
    - Các thông tin rõ ràng,
    - Bảo đảm thông tin liên tục, không bị gián đoạn, ngắt quãng,
    - Thông tin được hiểu theo 1 nghĩa nhất định,
    - Nắm được môi trường giao tiếp (với ai, như thế nào, lúc nào, trong bao lâu),
    - Hồi đáp cần thiết,
    - Có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ & các kiến thức cần thiết.
    5. Những điều nên tránh trong giao tiếp:
    - Nói thao thao bất tuyệt, nói không ngừng.
    - Nói nửa chừng rồi dừng lại hoặc cướp lời người đang nói.
    - Nói thì thầm với một vài người trong đám đông.
    - Nói sai đề tài (lạc đề).
    - Nói với giọng khích bác, chạm vào lòng tự ái của người khác.
    - Dùng ngôn ngữ quá bóng bẩy hoặc quá suồng sã.
    - Dùng những từ đệm không cần thiết; chêm những câu tiếng nước ngoài vào câu nói của mình.
    - Không tập trung vào chủ đề chính gây nhàm chán và làm mất hứng thú của người khác.
    - Không trả lời thẳng vào câu hỏi mà quanh co, dài dòng
    - Làm ra vẻ hiểu biết rộng, khoe kiến thức
    vvv....vvv
    Sự ăn cho ta cái lực,
    Sự học cho ta cái trí,
    Sự bang giao cho ta cái nghiệp.
  • Như thế nào và làm thế nào để trở thành một nhân viên giỏi

    haquocquan > 24-10-10, 12:24 AM

    GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT:
    Xung đột là sự va chạm, chống đối lẫn nhau do mâu thuẫn với nhau.
    Xung đột là một quá trình, theo đó một bên nhận thấy quyền lợi của mình bị bên kia vi phạm hoặc tác động một cách tiêu cực.

    Xung đột là một điều tất yếu của sự phát triển. Theo quan điểm hiện đại, người ta thường sử dụng 4 phương pháp giải quyết xung đột sau đây:
    - Phương pháp cạnh tranh: Mục tiêu của mình là số 1, không quan tâm đến mục tiêu của người khác, bằng mọi cách phải đạt được mục tiêu của mình.
    - Phương pháp hợp tác: cùng nhau bàn bạc để làm sao lợi ích của mình cũng đạt được mà lợi ích của đối phương cũng đạt được.
    - Phương pháp lảng tránh: không có lợi cho mình, không liên quan gì đến mình.
    - Phương pháp nhượng bộ: nhường lợi ích cho đối phương nhiều hơn, mình chấp nhận thua thiệt.

    Già néo thì đứt dây.
    Giọt nước cuối cùng làm tràn ly.
    Một điều nhịn là chín điều lành.
  • RE: Như thế nào và làm thế nào để trở thành một nhân viên giỏi

    haquocquan > 27-10-10, 03:36 PM

    LÀM VIỆC THEO NHÓM (TEAM WORK)

    7 Lợi ích của làm việc theo nhóm:
    1. Mọi thành viên trong tổ chức sẽ càng đồng lòng hướng tới mục tiêu và dốc sức cho thành công chung của tập thể khi họ cùng nhau xác định và vạch ra phương pháp đạt được chúng.
    2. Là thành viên của một nhóm, họ có cảm giác kiểm soát được cuộc sống của mình tốt hơn và không phải chịu đựng sự chuyên quyền của bất cứ người lãnh đạo nào.
    3. Khi các thành viên cùng góp sức giải quyết một vấn đề chung, họ học hỏi được cách xử lý mọi nhiệm vụ đơn giản hay khó khăn; họ học hỏi từ những thành viên khác và cả người lãnh đạo. Thúc đẩy quản lý theo nhóm là cách tốt nhất để phát huy năng lực của các nhân viên (một hình thức đào tạo tại chức).
    4. Hoạt động theo nhóm mang lại cơ hội cho các thành viên thoả mãn những nhu cầu về bản ngã, được đón nhận và thể hiện mọi tiềm năng.
    5. Quản lý theo nhóm giúp phá vỡ bức tường ngăn cách, tạo sự cởi mở và thân thiện giữa các thành viên và người lãnh đạo.
    6. Thông qua việc quản lý theo nhóm, các thành viên có thể học hỏi và vận dụng phong cách lãnh đạo từ cấp trên của mình. Điều đó tạo sự thống nhất về cách quản lý trong tổ chức.
    7. Hoạt động theo nhóm giúp phát huy khả năng phối hợp những bộ óc sáng tạo để đưa các quyết định đúng đắn.

    7 kỹ năng cơ bản để làm việc theo nhóm có hiệu quả
    1. Lắng nghe: Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất. Các thành viên trong nhóm phải biết lắng nghe ý kiến của nhau. Kỹ năng này phản ánh sự tôn trọng (hay xây dựng) ý kiến giữa các thành viên.
    2. Chất vấn: Qua cách thức mỗi người đặt câu hỏi, chúng ta có thể nhận biết mức độ tác động lẫn nhau, khả năng thảo luận, đưa ra vấn đề cho các thành viên khác của họ.
    3. Thuyết phục: Các thành viên phải trao đổi, suy xét những ý tưởng đã đưa ra. Đồng thời họ cần biết tự bảo vệ và thuyết phục người khác đồng tình với ý kiến của mình.
    4. Tôn trọng: Mỗi thành viên trong nhóm phải tôn trọng ý kiến của những người khác thể hiện qua việc động viên, hỗ trợ nhau, nỗ lực biến chúng thành hiện thực.
    5. Trợ giúp: Các thành viên phải biết giúp đỡ nhau.
    6. Sẻ chia: Các thành viên đưa ra ý kiến và tường thuật cách họ nghĩ ra nó cho nhau.
    7. Chung sức: Mỗi thành viên phải đóng góp trí lực cùng nhau thực hiện kế hoạch đã đề ra.

    15 quy luật làm việc nhóm:
    1.Quy luật về tầm quan trọng: Một cá nhân riêng lẻ không thể tạo ra thành công lớn được.
    2. Quy luật toàn cảnh: Mục tiêu quan trọng hơn là vai trò.
    3. Quy luật thích hợp: Tất cả mọi người đều có điểm mạnh riêng của mình.
    4. Quy luật thách thức lớn: Thử thách càng lớn thì yêu cầu làm việc theo nhóm càng cao.
    5. Quy luật chuỗi: Sức mạnh của cả đội sẽ bị ảnh hưởng nếu như có một liên kết yếu nào đó.
    6. Quy luật xúc tác: Những nhóm làm việc thành công có những cá nhân có thể thay đổi mọi thứ.
    7. Quy luật tầm nhìn: Tầm nhìn giúp cho mọi thành viên có phương hướng hoạt động và sự tự tin.
    8. Quy luật “con sâu làm rầu nồi canh”: Những thái độ không tốt có thể làm hỏng cả đội.
    9. Quy luật về lòng tin: Những người cùng làm việc trong nhóm phải tin tưởng lẫn nhau khi làm việc.
    10. Quy luật chi phí: Nhóm làm việc sẽ thất bại trong việc vươn tới tiềm lực của mình khi thất bại trong việc trả giá.
    11. Quy luật ghi điểm: Nhóm có thể tạo ra những điều chỉnh khi biết rõ vị trí của mình.
    12. Quy luật vị trí: Những nhóm giỏi có tầm hiểu biết rộng.
    13. Quy luật nhận dạng: Những giá trị chung xác định rõ bản chất của nhóm.
    14. Quy luật giao tiếp: Sự tác động lẫn nhau kích thích hoạt động tốt hơn.
    15. Quy luật về sự lợi thế: Sự khác nhau giữa hai nhóm làm việc hiệu quả tương tự nhau là khả năng lãnh đạo.

    Theo ketnosunghiep.vn

    MỘT SỰ HOÀN HẢO VỀ TEAMWORK (Click to View)
  • RE: Như thế nào và làm thế nào để trở thành một nhân viên giỏi

    haquocquan > 16-11-10, 10:34 PM

    KHẢ NĂNG LÀM VIỆC ĐỘC LẬP
    Là khả năng tự giải quyết vấn đề trong thẩm quyền được phép.
    - Tự quyết định những vấn đề trong thực thi nhiệm vụ được giao,
    - Tự giải quyết các vướng mắc,
    - Đề xuất các giải pháp phù hợp,
    - Tự chịu trách nhiệm về công việc của mình.
    ..........

    Và để trở thành một nhân viên giỏi, còn cần rất nhiều yếu tố khác về kỹ năng, tùy vào chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực công tác để phát triển các kỹ năng cho phù hợp như: kỹ năng bán hàng, kỹ năng thuyết trình, ..............
  • RE: Như thế nào và làm thế nào để trở thành một nhân viên giỏi

    haquocquan > 25-11-10, 07:56 PM

    KIẾN THỨC
    Vấn đề thứ 3 xin trao đổi tiếp với các bạn:
    Bất cứ một người làm công tác chuyên môn nào cũng cần phải có kiến thức:
    - Nắm vững các kiến thức mình được đào tạo tại các trường,
    - Làm việc trong lĩnh vực nào thì phải có kiến thức về lĩnh vực đó: công nghệ thông tin cần phải có kiến thức về mạng, phần cứng; làm việc trong công ty bia: cần biết về công nghệ sản xuất bia; làm việc trong công ty gốm: biết về công nghệ sản xuất gốm,...........
    - Kiến thức tích lũy được từ kinh nghiệm thực tế,
    - Kiến thức xã hội, thông tin trong nước, quốc tế,.....
    Vân vân và vân vân.

    Nhưng, xin kết lại một câu (xin lỗi không nhớ của ai)

    Để được Sếp tin tưởng và trọng dụng, vấn đề không phải chỉ là bạn giỏi, mà vấn đề quan trọng là bạn có làm được việc hay không.
  • RE: Như thế nào và làm thế nào để trở thành một nhân viên giỏi

    phuongloandng > 08-07-20, 03:08 PM

    Muốn làm nhân viên giỏi đôi lúc phải biết hạ cái cái tôi xuống và luôn phải biết hợp tác làm việc với mọi người. Muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau.