Bắt đầu từ những ngón chân. Anh vẫn thế. Tôi đã quen dần kể từ đêm tân hôn. Người ta nói nhiều về cách thức và biểu đạt, về những khám phá mới lạ, như đường vào mê cung muôn vàn kỳ thú nhưng biết chọn lối nào, biết tìm nơi đâu, hay chăng chỉ cần một lối…?<br />
<br />
<br />
<br />
Tôi chấp nhận điều đó nhưng là một sự chấp nhận đầy hân hoan. Vì tôi luôn rùng mình khi anh mơn man ngay từ điểm đó. Kể cả lúc này. Tính từ ngày ba mốt tháng năm, ngày cưới của chúng tôi cho đến ngày hôm nay đã là sáu tháng, tôi vẫn cảm thấy rùng mình.<br />
<br />
Những ngón chân tôi nhỏ nhắn, hồng hào, gan bàn chân tôi nhạy cảm. Mỗi lần môi anh chạm vào, nó lại rùng lên từng tế bào sau cảm giác tê cứng mãnh liệt.<br />
<br />
Và khi ấy, tôi đã biết thế nào là hòa trộn, dù tóc tôi chưa xoắn vào tóc anh, tay tôi chưa đan vào tay anh, chúng tôi chưa khăng khít, dù vậy, tôi đã thăng hoa. Và anh cũng thế.<br />
<br />
Bàn chân, điểm nhấn đầu tiên của anh, của tình yêu chưa bao giờ gẫy khúc mà nó khởi đầu liền mạch khởi đầu liền mạch như khóa son trong bản nhạc ngân nga du dương và êm ái.<br />
<br />
Anh sẽ thôi không hỏi tôi: “Em yêu, em có hài lòng về anh hay không?”. Vì tôi chẳng cần phải nói gì thêm. Chỉ cần tôi hôn lại anh, và bắt nhịp đều đặn. Anh sẽ biết tôi mãn nguyện, anh sẽ tự hào vì mắt tôi sáng rực long lanh đã nói lên rằng anh là người đàn ông thông minh và vĩ đại ngay cả trong giấc ngủ.<br />
<br />
Bình minh chưa chiếu rọi anh đã thức dậy và châm thuốc. Anh luôn hút thuốc trên giường ngủ nhưng không bao giờ để tôi phiền muộn vì tàn thuốc. Tôi thích ngắm anh như thế, vì trông anh nguyên sơ như một đứa trẻ lớn xác và háu đói.<br />
<br />
Tôi nấu súp, pha cà phê cho anh, bật Chopin cho anh nghe. Và thế là, tôi hoàn thành xuất sắc vai trò của một người vợ đảm đang. Sau khi cùng ăn sáng, chúng tôi vật lộn vui đùa một chút rồi tạm biệt.<br />
<br />
“Em yêu, đi đường cẩn thận”. Anh đi theo tôi một đoạn rồi chia tay ở ngã ba. Tôi nhìn hút theo bóng anh, phát hoảng vì tại sao mình lại sững sờ đến thế. Đó là trạng thái si tình của một cô bé mười bảy tuổi chứ không phải của một người đàn bà gần ba mươi.<br />
<br />
Nhưng tôi yêu anh, tôi biết rõ điều đó, một người đàn bà yêu chồng không phải là chuyện lạ, nhưng yêu như cách của tôi, thì đó là điều mà không ai có thể nào cắt nghĩa.<br />
<br />
Hết giờ, tôi ghé ngang nhà mẹ chồng. Tôi mua biếu bà một ít sâm. Đường phố trôi đi như dòng sông cạn. Tôi sẽ đến nơi cần đến sớm hơn nếu không kẹt xe, tôi sợ sự đông đúc nhưng vẫn phải đứng giữa đám đông ầm ĩ nhốn nháo khói xe, bụi và tiếng chửi.<br />
<br />
Vây quanh tôi rất nhiều gương mặt đàn ông. Họ chưa bao giờ nhàn tản như vậy, nên không ít người lấy tôi làm tâm điểm để ngắm nghía, vì tôi trẻ đẹp hay vì tôi quyến rũ? Nhưng hoài công suy nghĩ cho mệt nhọc vì tôi đã tìm lại cảm giác an toàn bằng một cái khẩu trang rộng rãi che đi gương mặt tôi, che đi cả những lọn tóc xoăn lả lơi. Và khi ấy, tôi nhớ anh da diết...<br />
<br />
“Con đã thấy gì chưa?”. “Thấy gì hả mẹ?”. Tôi mải gọt khoai tây nên không để ý lời mẹ chồng tôi nói, đến khi quay ra thấy mẹ chồng tôi bắt đầu cau có, những nếp nhăn dúm dó, tụ lại, dồn về phía nhân trung. <br />
<br />
“Con biết rõ mẹ muốn nói gì rồi đấy, mẹ cần một đứa cháu”. À ra thế. Tôi mỉm cười. “Mẹ không phải là người biết đùa”. “Con hiểu”. “Các con không kế hoạch đấy chứ?”. “Dạ không”. Tôi bắt đầu đỏ mặt. Tôi không quen nói sống sượng bất kỳ một vấn đề nào.<br />
<br />
Tôi trở về nhà mà không ở lại ăn tối cùng mẹ chồng. Tôi cảm thấy mệt. Chồng tôi vừa đi tiếp khách về, anh đón tôi bằng nụ hôn nồng nhiệt. Tôi đáp lại nhưng không rướn mình.<br />
<br />
“Em buồn phải không?”. “Hình như thế”. “Nói anh nghe xem nào”. “Chút nữa nhé, bây giờ em muốn đi tắm”. Tôi chạy nhanh vào nhà tắm cởi áo và nhìn mình trong gương. Ngực tôi trắng và nở nang. Eo tôi thon thả đến mức không bao giờ tôi muốn có bầu. Nhưng thay vì cảm giác sung sướng, sao tôi lại cảm thấy lo âu như thế này.<br />
<br />
Tôi ngâm mình trong bồn tắm, mùi sữa anh mua cho tôi ngào ngạt hương hoa hồng thấm đẫm thân tôi. Tôi nhắm nghiền mắt vã nước lên người. Tôi muốn tập trung vào một vấn đề, đó là chuyện sinh nở.<br />
<br />
Tôi nhớ đám bạn gái của tôi, hầu như chúng có bầu trước ngày cưới. Hoặc hai, ba tháng sau đã có tin vui. Tôi vẫn cho đó là chuyện bình thường. Nhưng sao với tôi, tôi lại thấy vô cùng xa lạ?<br />
<br />
Tôi nên cảm ơn mẹ chồng hay là oán trách bà, đã đẩy tôi vào những suy nghĩ khốn cùng này? Tôi mịt mùng không lối thoát. Tôi đứng dậy quấn khăn vào người và bước ra. Anh đã đợi tôi trên giường.<br />
<br />
“Chúng mình nói chuyện nhé”. “Anh đồng ý!”. Anh luôn nhiệt liệt hưởng ứng những đề nghị của tôi, trước đây và bây giờ cũng vậy. Nhưng xem ra anh thật chủ quan, cứ nhìn phong thái điềm đạm của anh thì biết.<br />
<br />
Sự chủ quan của anh làm cho tôi bối rối. Tôi đứng trân trân nhìn anh, ngơ ngác, khiến anh kéo tôi mạnh mẽ vào lòng. “Thôi nào cô bé, hãy nói cho anh nghe em cần gì”. “Một đứa con…”. “Sao cơ, một tí nhau à?”. Anh hơi sững sờ. Tôi gật đầu: “Vâng, mẹ anh muốn thế”.<br />
<br />
Anh nằm gối đầu lên đùi tôi. Chúng tôi miên man theo dòng nghĩ suy bất tận. Tay anh áp vào má tôi dịu dàng, hơi ấm tỏa ra khiến tôi ngây ngất. “Anh đã nghĩ rằng em chưa muốn, còn với anh, đó là điều mong muốn nhất của anh. Anh muốn chúng mình có thật nhiều con, chúng sẽ giống như em”. “Giống cả anh nữa chứ”.<br />
<br />
“À, tất nhiên, nhưng em đã uống thuốc mà, phải không”. “Không!”. Tôi hơn chồm người. “Em không hề”. “Anh có nhìn thấy những viên thuốc màu hồng trong ngăn kéo của em. Nhưng anh không hỏi. Anh muốn xem xinh đẹp như một thiếu nữ cho đến khi nào em chán thì thôi. Và anh không muốn em đau”.<br />
<br />
Thì ra anh đã nhầm lẫn những viên thuốc trị bệnh viêm xoang mãn tính của tôi với những viên thuốc tránh thai. E rằng sự tế nhị thái quá của anh đã phá vỡ đi rất nhiều quy ước giữa chúng tôi là cố gắng hiểu nhau đến từng chân tơ kẽ tóc.<br />
<br />
Và thế là, tôi với anh đã có một đêm tuyệt vời bên nhau nữa.<br />
<br />
Nhưng cuối tháng tôi vẫn phải đi mua băng vệ sinh. Chưa bao giờ điều đó đối với tôi lại trở nên tồi tệ thế. Vào thời điểm này mẹ chồng tôi bắt đầu thúc giục: “Con xem thế nào đi chứ. Mẹ thấy có cái gì đó không ổn”.<br />
<br />
Thà rằng bà nói thẳng ra là cô nên đi bệnh viện khám xét thế nào, chứ người gầy như cô, nghi ngờ lắm. Con trai tôi cao to khỏe mạnh và rắn rỏi thế kia. Làm sao có thể. Hay anh chị mê mải kiếm tiền nên trì hoãn?… Tôi đọc được một trăm phần trăm ý nghĩ của bà, đằng sau cái dằn mạnh ống nghe điện thoại trơ khấc bên tai tôi trong một đêm mùa đông lạnh lẽo.<br />
<br />
Tôi hoàn toàn mất ngủ. Sáng hôm sau tôi nghỉ việc buổi sáng và đến bệnh viện phụ sản.<br />
<br />
Sau một loạt xét nghiệm và mấy chục câu hỏi từ giản đơn đến phức tạp, bà bác sỹ già có cái đầu xoăn tít như mì tôm nhìn tôi mỉm cười: “Em hoàn toàn bình thường”.<br />
<br />
Thà rằng bà ta nói, tôi có vấn đề, có khi tôi lại mừng hơn thế.<br />
<br />
“Trường hợp hiếm muộn vẫn xảy ra phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, chị sẽ cho em một cái lịch đặc biệt, điều này cần sự hợp tác của chồng em. Nếu không hiệu quả, em nên động viên chồng em đến bệnh viện”.<br />
<br />
Anh của tôi phải đến bệnh viện ư? Cứ như đùa. Niềm tự hào lớn nhất của anh, tôi thừa biết, không phải là cái bằng phó tiến sĩ mà là từ bé đến giờ anh chưa bao giờ phải vào bệnh viện.<br />
<br />
Khốn khổ cái thân tôi. Khi tôi phải gánh thêm cả nỗi lo lắng cho chồng mình.<br />
<br />
Bữa tối kéo dài hơn vì tôi cố tình trì hoãn. Tôi quan sát anh một cách kín đáo. Tôi nhìn đôi tay của anh, nó rất rắn chắc. Anh đang và những hạt cơm cuối cùng. <br />
<br />
Tôi nhìn bờ vai anh. Phía trên là cổ, cổ của anh gợi cảm hơn bao giờ vì tôi thường hôn lên đó. Phía trên nữa là cằm, là môi, là mắt, là tất cả những gì yêu dấu của cuộc đời tôi, là hơi thở, là máu thịt, là tiếng rung của nhịp đập trái tim tôi, là niềm hoan lạc say mê đắm đuối, là sức sống bền bỉ, là mạch nước ngầm tưới tắm thân xác tôi trong cuồng vọng khát khao.<br />
<br />
Nhưng, lẽ nào, chỉ đến thế thôi. Không gì hơn. Như một hạt mầm kiêu hãnh tràn căng nhựa sống nhưng chẳng thể nảy nở phôi thai thành quả chín?<br />
<br />
Ngày hôm nay, tôi đã biết thế nào là sự vò xé.<br />
<br />
Tôi quyết định không nói gì hết. Tôi im lặng, lì lợm với chính tôi, chứ không phải là với anh. Anh, đối với tôi vĩnh viễn là toàn bích. Và thế là, tôi lục lọi kiếm tìm tờ giấy có ghi ngày lịch đặc biệt của bà bác sỹ già và xé vụn nó đi một cách không thương tiếc.<br />
<br />
Lịch của chúng tôi là sáng, trưa, chiều, tối, đêm, bất kể lúc nào mà chúng tôi muốn. Giấc mơ về những đứa trẻ trở nên tan tành mục nát. Tôi ráo hoảnh và bất cần với chúng. Tôi tiến đến gần anh, thì thào: “Hôn em đi”. Và anh bế tôi lên, xoay tròn. Nhưng tôi khi ấy vì quá cuồng nhiệt nên đã không nhìn thấy những giọt nước mắt của anh lăn xuống và đã được anh lau đi rất vội.<br />
<br />
“Em không nhìn thấy phải không cô bé, nhưng anh đã không kìm chế được. vì anh thương em, yêu em đến mức tôn thờ. Em có thấy anh đã hôn em nồng nàn thế nào không? Vì gương mặt em ngây thơ thánh thiện quá, đôi môi em tham lam run rẩy quá. Em chẳng biết gì, em chẳng biết nỗi tủi hổ đang lăm le cắn xé tâm hồn anh, người chồng tội nghiệp của em.<br />
<br />
Anh đã đến bệnh viện ngay sau khi phát hiện ra sự nhầm lẫn của mình về những viên thuốc của em. Xin lỗi, anh đến bệnh viện với tâm thế của một người đàn ông mang trong mình đầy kiêu hãnh với ý thức khẳng định mình chứ không phải hoang mang, hãi sợ khi kiểm tra một vấn đề đang giằng xé, nghi hoặc trong tim. Nhưng, anh đã thất bại.<br />
<br />
Em yêu, anh bất lực và tuyệt vọng nhường nào, khi phải nói với em rằng, sẽ rất khó khăn để đem lại cho em một đứa con xinh đẹp và thông minh như em. Hãy sỉ vả và nghiền nát anh đi, nếu điều đó làm cho em thanh thản. Anh sẽ ra đi một thời gian. Cô bé, em hãy tĩnh tâm, em cần phải suy nghĩ và sau đó, mẹ anh sẽ thay anh làm cho em tất cả những điều em muốn…”.<br />
<br />
Tôi nắm chặt lấy tay mẹ chồng tôi, thắt lòng bởi tiếng tru tréo của bà. Tôi sợ bà sẽ đập đầu vào tường, giống như tôi khi nhận lá thư này trong phòng ngủ trống trơn thiếu vắng tất cả những bộ quần áo mang mùi mồ hôi của anh, những chiếc cà vạt, những bức tranh anh vẽ, những sách, những vở, những bông cúc trắng anh mua cho tôi… Đáp lại tôi là gì là gì. Chỉ là câm lặng. Anh rũ sạch mà đi. Anh phũ phàng bỏ mặc tôi u mê và hoảng loạn.<br />
<br />
Khu vườn này cỏ đã mọc ngang mắt cá chân, không anh, nó sẽ trở nên hoang dại. Tôi thả chân trần trong không gian mát lạnh và ẩm ướt. Đêm nào cũng thế, trước khi đi ngủ, tôi ngồi ủ rũ trong bóng tối, giữa cây lá xanh xao.<br />
<br />
Tôi cắn môi thật chặt đến ứa máu, đến lúc bật khóc vì tự làm mình đau, rồi thảng thốt. Vì tôi sợ mình không kiểm soát nổi, mình sẽ thét gào, điên dại, sẽ ngu xuẩn làm nhiều điều hơn thế.<br />
<br />
Chưa bao giờ, tôi cần đến vậy, những viên thuốc ngủ, dù chúng đã mang đến cho tôi giấc mơ kinh hoàng về những đứa trẻ. Những đứa trẻ trần truồng và độc ác hò hét nối đuôi nhau kéo anh ra khỏi vòng tay tôi. Tôi chỉ có một kiếp người, tôi muốn sống cho anh và anh cũng thế, tôi không muốn sống thêm cho ai, bất kỳ ai khác nữa…<br />
<br />
Đêm loang thêm những nỗi buồn.<br />
<br />
Ngày nào tôi cũng gọi điện cho anh, dù chỉ để nghe câu: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được…”, đến mức tôi nghiền giọng nói của người phụ nữ xa lạ ấy, như một hội chứng.<br />
<br />
Sếp của tôi là một người đàn ông Hàn Quốc nhạy cảm. Anh ta đã nhận ra điều gì đó bất ổn từ phía tôi, một nhân viên vốn mẫn cán và linh hoạt. “Chiều nay hết giờ làm, em ở lại nhé. Tôi muốn gặp em một chút”.<br />
<br />
Tôi chóng mặt, cúi đầu. Tôi đang rảnh, rất rảnh, tôi sẵn sàng đón đợi những oán trách và phỉ nhổ của ai đó để khỏa lấp đi những ưu tư chồng chất về anh, về sự thiếu vắng. Nhưng cuối cùng, sếp đã không làm gì tôi cả. <br />
<br />
Sếp hỏi tôi: “Em có rảnh không? Tôi cần sự giúp đỡ của em”. “Về điều gì? Thưa sếp?”. “Tôi biết, em là người phụ nữ tâm lý, em hãy đến an ủi vợ tôi giúp tôi…”. “Nhưng điều gì đã xảy ra với cô ấy?”. “Cô ấy mắc bệnh ung thư, tôi muốn cô ấy hạnh phúc đến chừng nào có thể”.<br />
<br />
“Anh yêu, em đã nhận lời đến nhà sếp. Em đã gặp vợ của anh ta, đó là một cô gái Việt Nam xinh đẹp, cô ấy kém em ba tuổi, nhưng cô ấy sắp chết. Em đã nắm tay cô ấy, và chỉ biết khóc.<br />
<br />
Em khóc không chỉ vì thương xót cho một cuộc đời bất hạnh, mà em khóc khi nhìn lên gương mặt đẫm lệ của sếp, anh ta đứng bên cửa sổ, người run lên từng chặp.<br />
<br />
Em sững sờ trước hình ảnh ấy. Em nhớ về những giọt nước mắt của anh. Khi những người đàn ông khóc, là khi sức chịu đựng của họ đã vượt quá ngưỡng, có phải thế không anh?<br />
<br />
Lúc ra về, em quay đầu lại vẫn thấy họ ôm nhau. Vì có thể, không lâu nữa, một trong hai người sẽ ra đi vĩnh viễn. Đấy là sự mất. Mất. Một khái niệm khủng khiếp nhất. Vì nó chính là tan biến, là vĩnh viễn thoát, là cào cấu cắn xé cả thế giới mênh mông bao la này cũng không thể nhìn thấy, cầm nắm và đụng chạm cái ta cần.<br />
<br />
Anh có dám khẳng định cùng em rằng anh đang hạnh phúc và vẫn có thể sống được khi rời xa em mà đi? Nếu không, tại sao anh không quay trở lại. Khi chúng ta còn có nhau nhiều lắm, nhiều hơn bao người khác…?”.<br />
<br />
Một địa chỉ email sót lại của anh đã giúp tôi, như một sự cứu rỗi cuối cùng.<br />
<br />
Tôi vẫn tin yêu và hy vọng nhường nào, ở một phương trời nào đó, anh sẽ nhận được.<br />
<br />
Mùa đông đã đến, xám xịt và u ám bởi những bọng mây căng mọng trên trời chỉ chực nứt toác thành những cơn giông tố. Chiều đổ sập xuống khiến mọi người vội vã ra về. Còn tôi nấn ná mãi nơi hành lang trống trải, dưới mái hiên màu nâu xám, co ro, nghe tiếng chim sẻ líu ríu sau vòm cây xanh ngắt. <br />
<br />
Và thật bất ngờ, tôi thấy sếp đứng bên cạnh tôi tự lúc nào, nhưng chúng tôi không biết nói gì hơn. Vì nỗi đau, đôi khi chỉ để mà lắng đọng.<br />
<br />
Ngày trôi đi, lặng lẽ theo những bước chân người.<br />
<br />
Tôi luồn cửa sau để vào nhà, nơi khu vườn đã lâu thiếu vắng bàn chân anh. Sau lưng tôi tỏa ra một làn khói nhẹ màu lam nhạt vấn vít từ phía hàng rào giăng đầy dây thép gai và hoa hồng tiểu muội. Trời se lạnh, tôi chợt nhận ra mình đã để quên áo khoác ở công ty.<br />
<br />
Tôi thèm một ly sữa nóng. Nhưng tôi không thể làm được gì hơn, vì sự run rẩy đang thấm dần, thầm dần thân tôi, trí óc tôi, tâm hồn tôi. Nó khiếp đảm đến mức tôi phải dựa lưng vào tường, chùi khăn quàng cổ lên miệng để tránh cơn ho đang giằng xé nơi cổ họng. Nỗi cô đơn, đối với tôi lúc này, chưa bao giờ lại đáng sợ hơn cả cái chết.<br />
<br />
Nhưng kìa, trong bóng tối của căn phòng, ai đó đang gọi tên tôi. Và không kìm chế nổi, tôi quay đầu lại, tôi nhìn thấy bóng dáng anh in thành một khối đen sẫm trên tường.<br />
<br />
Tôi chưa kịp ngồi sụp xuống thì anh đã chạy đến, ghì xiết lấy tôi trong vòng tay anh, áp tay tôi lên má anh, dù những ngón tay tôi lúc này lạnh ngắt và khô khan, như mùa đông, như đường gân của lá, như một sự tuyệt vọng…<br />
<br />
“Anh đã về đây…”. Tôi nhìn những giọt nước mắt của mình rơi xuống vai anh. Tôi không tin nổi, đến tận khoảnh khắc cuối cùng này tôi đã tìm lại được anh, người đàn ông của cuộc đời tôi. Qua ô cửa sổ loang ánh trăng non, những cơn gió lùa qua chấn song tạo nên âm hưởng như mưa, u uẩn và thao thiết.<br />
<br />
Chúng tôi hôn nhau, và lại bắt đầu… <br />
<br />
<br />
( Theo Tiền Phong )
Posted on Wed, 16 Feb 2011 07:30:32 +0000 at
http://forum.petalia.org/index.php?/topic/61005-yeu-th%c6%b0%c6%a1ng-quay-v%e1%bb%81/