Tôi thương em, rất muốn đưa em về miền đất nơi tôi sinh sống... Chiếc máy bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Dòng người đi đón người thân xa quê về ăn Tết tấp nập. Không khí ấy khiến tôi như muốn ngợp thở và cố len lỏi ra bên ngoài để hít thở khí trời.<br />
<br />
“Ba ơi, à quên chú ơi, chú có phải là chú Đông không?”. Tôi ngớ người khi nhìn thấy cô gái dong dỏng cao, có nụ cười tươi, xởi lởi đang tiến đến gần tôi. “Chắc chú không biết con đâu, con là con của má Hiển...”. Âm thanh trầm xuống ở câu cuối, cùng dáng người, điệu cười... sao tôi thấy rất đỗi thân quen.<br />
<br />
Gần 20 năm trước, tôi có dịp về miền Tây và sống ở tỉnh Sóc Trăng một thời gian. Xa quê đã lâu, tôi chỉ biết quê hương qua sách báo, nhưng từ khi gặp em, cô gái đẹp có khuôn mặt trái xoan, làn da bánh mật và bộ bà ba càng làm tôn dáng người thanh mảnh, tôi hiểu vì sao ai đã một lần đi xa đều canh cánh nỗi nhớ quê hương đến vậy.<br />
<br />
Vào những ngày 25, 26 tháng chạp, bà con nông dân tát ao bắt tôm cá, tôi cũng tham gia rất vui. Em nấu cho tôi các món ăn dân dã đặc biệt ngon như canh chua cá lóc ăn với cá rô kho tộ, đọt bần non, bông điên điển, trái chuối hột, cùng với dưa chua chấm mắm cá sặc... ăn kèm với thịt heo luộc. Có lần em dọn cho tôi ăn món tép rang mỡ tỏi. Em bảo xưa kia, người khẩn hoang làm món này để ăn cơm giữa đồng, chan cơm bằng nước dừa xiêm thay canh rất ngon.<br />
<br />
Tôi thường ngồi nhìn em sàng sảy tôm khô, những vụn của vỏ tôm rơi dần xuống dưới để lộ ra những con tôm khô chắc nụi có màu đỏ da cam như đang rượt đuổi nhau trên chiếc sàng thưa. Em kể tôm khô được làm từ tôm sắt, loại tôm này thịt thơm ngon nhưng vỏ rất cứng, không chế biến món gì được ngoại trừ nấu với muối đem phơi thật khô, sau đó đập vỏ và sàng sảy lấy thịt để dành nấu canh, vị ngọt đậm mà thanh tao hoặc trộn gỏi tôm khô với củ kiệu hay nấu xôi mặn với nhân là tôm khô đã ngâm cho nở, mềm rồi xào nhanh với hành tím xắt lát và tóp mỡ, thêm chút hành lá xắt nhuyễn cho xanh xanh, trông thật hấp dẫn và ngon miệng...<br />
Rồi tình yêu đến thật nhẹ nhàng. Ngày tôi chuẩn bị lên đường ra sân bay, em báo cho tôi biết tin “em đã có thai”, rồi không để tôi kịp suy nghĩ, em bảo “cái thai đã bị hư”. Tôi thương em, rất muốn đưa em về miền đất nơi tôi sinh sống gần 30 năm, nhưng vào thời điểm ấy, ước muốn của tôi là không thể. Những dòng nước mắt chảy xuống ấm nóng cả ngực tôi...<br />
<br />
Trở về Mỹ, một thời gian sau đó, tôi bị tai nạn giao thông, các bác sĩ cứu được mạng sống của tôi nhưng còn đôi chân thì phải cắt bỏ. Đau khổ, nhiều lúc tôi chỉ muốn rời bỏ thế giới này vì mình đã trở thành người tàn phế.<br />
<br />
Rồi tôi kết hôn với nữ y tá đã tận tụy chăm sóc và yêu tôi. Nhưng tai nạn đã khiến chúng tôi không thể có con. Chúng tôi chia tay nhau để cô ấy đi tìm hạnh phúc riêng của mình. Tình cờ tôi gặp lại người quen ở Sóc Trăng qua Mỹ đoàn tụ gia đình, kể cho tôi nghe về cuộc sống của em. Sau khi tôi đi, em sinh con gái rất giống tôi và em ở vậy nuôi con...<br />
<br />
“Má ơi, ba về rồi...”. Chiếc xe đã đưa tôi về chốn cũ. Ngôi nhà lá xưa đã được thay thế bằng ngôi nhà 2 tầng khang trang. Tôi bước chân vào phòng khách và sững người khi nhìn thấy bức tranh vẽ đôi trai gái mà người con trai là tôi. Mắt tôi hoa lên, đôi chân như muốn khuỵu xuống. Đôi bàn tay ấm áp đỡ lấy tôi, em dìu tôi ngồi xuống và thì thầm: “Em vẫn đợi anh về”.<br />
<br />
Ngoài sân, cô con gái đang đảo tôm khô, màu cam ưng ửng, kết tinh của màu đỏ son sắt, cùng màu nắng vàng rực rỡ sắc Xuân nồng nàn lan tỏa, trải dài trên từng góc sân quê.<br />
(Theo Người lao động)
Posted on Fri, 28 Jan 2011 04:08:23 +0000 at
/forum/showthread.php?tid=9789