Các cô "dâu ngoại" hay “nói nhỏ” với nhau, ăn Tết chồng Đài vui hơn ăn Tết chồng Hàn. Có một nhóm cô dâu ở Seoul, Tết nào cũng họp nhau, gọi một bàn nào chả lụa, bánh tết, thịt kho, uống rượu gạo như uống nước, uống say ôm nhau khóc...<br />
<br />
Tết đến, người vui, kẻ sầu<br />
<br />
Năm nay là năm đầu tiên cô dâu Nguyễn Thị Phan Kiều ăn cái Tết xa quê. Mà “xa” ở đây là xa vời vợi, tận Đài Loan. Lấy chồng là anh Eric Vương, ngụ Đài Bắc, kết hôn đầu năm 2009 nhưng do trục trặc giấy tờ, mãi đến giữa năm 2010, Kiều mới xuất cảnh sang Đài Loan. Nửa năm trời làm quen với xứ Đài, cô sống cùng chồng trong một căn hộ thuê gần khu công nhân mà chồng cô làm việc.<br />
<br />
Quê anh ở xứ hoa Chương Hóa, cách Đài Bắc khá xa, Kiều cũng chỉ mới về quê chồng thăm một lần, lúc mới cưới. Tết này, cả hai sẽ về quê anh ăn Tết với gia đình. Những ngày này, Kiều sửa soạn hành trang, đi mua sắm ở chợ Tết Việt với không khí nao nao nửa buồn nửa vui. Buồn vì lần đầu tiên đón Tết xa cha mẹ và anh em, nhưng vui vì lần đầu được ăn Tết quê chồng, vùng đất trồng hoa nổi tiếng thơ mộng và có khí hậu đẹp ở Đài Loan.<br />
<br />
Những ngày cuối năm, cha Kiều, ông Nguyễn Văn Phụng (ở quận Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh) kể, con gái ông gọi về hai ngày một lần, lúc thì khóc, lúc thì khoe hai vợ chồng đi mua này mua nọ vui lắm. Ông cũng kể: “Nó tốt nghiệp Cao đẳng rồi, nên biết cư xử lắm, nó nói trước Tết nó học làm món ăn truyền thống của Tết Đài, nó cũng làm củ kiệu, dưa hành, đi chợ người Việt mua bánh tét để về làm quà tặng cha mẹ, anh chị nhà chồng”. <br />
“Tết nay gia đình tui ăn Tết vui, vì nó đi làm dành dụm được ít tiền gửi về, mà nó bên đó cũng no đủ, vợ chồng hạnh phúc, đầm ấm”, ông Phụng hồ hởi.<br />
<br />
Tuy nhiên, không phải cô gái nào làm dâu ngoại cũng may mắn như Kiều. Ông Phụng cho biết, trong xã có ba trường hợp đi lấy chồng ngoại, ngoài con gái ông còn hai người, một lấy chồng Đài Loan, một làm dâu tại Hàn Quốc.<br />
<br />
Cô lấy chồng Đài Loan đã ôm con về nước năm 2008, sau 2 năm xuất ngoại, còn cô lấy chồng Hàn Quốc, là con gái một người bạn của ông Phụng, Tết hầu như ngày nào cũng gọi điện về khóc, nói rằng cứ đến Tết là thấy sợ vì cả gia đình chồng đi làm ở các thành phố xa, cô phải quần quật hầu anh chị chồng, các cháu, không có lấy một ngày vui, nhớ Tết ở nhà lắm.<br />
<br />
Các cô "dâu ngoại" hay “nói nhỏ” với nhau, ăn Tết chồng Đài vui hơn ăn Tết chồng Hàn. Lý do là, tuy Đài Loan và Hàn Quốc cùng ăn Tết cổ truyền như Việt Nam nhưng khí hậu, nền văn hóa, thói quen ẩm thực của Đài Loan gần với Việt Nam hơn, ăn Tết đỡ nhớ nhà hơn.<br />
<br />
Cô dâu Ngô Thị Kiều Phúc, quê Lagi, Bình Thuận, lấy chồng ở ngoại ô TP.Seoul, Hàn Quốc vào năm 2003. Phúc mở một cửa hàng kinh doanh món ăn Việt Nam trên mặt bằng khá rộng rãi. Về quê ăn Tết, Phúc kể những chuyện mình đã chứng kiến trong những ngày Tết xứ Hàn, buồn nhiều hơn là vui.<br />
<br />
Có một nhóm cô dâu đã ly dị chồng Tết nào cũng họp nhau tại quán của Phúc, gọi một bàn nào chả lụa, bánh tết, thịt kho, uống rượu gạo như uống nước, uống say ôm nhau khóc, an ủi nhau cố gắng làm vài năm, dành dụm tiền đem con về quê làm ăn.<br />
<br />
Có cô dâu năm nào cũng về quê chồng ăn Tết đã 3 năm, mẹ chồng khó tính, ăn Tết không một chút vui vẻ, năm nay cô phải vờ bệnh để nằm lại thành phố, chấp nhận ăn Tết một mình. Cô đến quán người Việt để tìm chút không khí vui ngày Tết, và làm quen ngay với một nhóm có cả công nhân lẫn cô dâu Hàn Quốc. Họ trò chuyện xôm tụ, đến cuối ngày thì về hết, chỉ còn lại ba cô dâu quê miền Tây.<br />
<br />
Hoàn cảnh của họ cũng chẳng vui vẻ gì, hai cô còn lại, một cô thì bị mẹ chồng chê vụng, không hợp với người Hàn. Ngày Tết, chồng cô, là con trai một, chở mẹ chồng đi chùa chiền khắp các tỉnh lân cận, để cô ở nhà thui thủi một mình. Còn cô kia thì nhà chồng tuy đông nhưng rời rạc, ngày Tết cả nhà chồng mạnh ai nấy... ngủ. Mình cô nôn nao vì nhớ nhà, nên không ngủ, bỏ ra quán góp vui. Ba nàng dâu yêu cầu mở bản “Bông điên điển”, bài ca yêu thích của xứ họ, đến đoạn “chồng gần không lấy đi lấy chồng xa, giờ đây nhớ mẹ thương cha”, cô nào cũng òa khóc...<br />
<br />
Để có cái Tết ấm<br />
<br />
Cô dâu Ngô Thị Kiều Phúc cũng chia sẻ, nhưng dù thế nào, thì sống vui hay buồn, ăn Tết ấm áp hay lạnh lẽo, cũng phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực hòa nhập của các cô dâu.<br />
<br />
Phúc kể câu chuyện của cô dâu Phan Thị Hoàng Anh, quê Cái Bè, Tiền Giang. Chồng cô năm nào đến Tết cũng sang than thở với Phúc rằng: “Vợ tôi nó không chịu hiểu, cả năm nếu tôi nấu ăn thì thôi, nó mà nấu nó nấu toàn món Việt Nam, mẹ tôi già ăn không được món lạ. Tết đến tôi đi mua phần tôi, nó ra chợ Việt Nam mua phần của nó, vậy làm sao gia đình ăn Tết vui được?”.<br />
<br />
Có cô dâu thì đến Tết không hề lo toan gia đình, suốt ngày ôm máy điện thoại gọi về quê, “cập nhật” tình hình đón Tết, ăn Tết ở quê nhà. Có cô dâu khác, kinh tế khá giả hơn và “cầm quyền” nhà chồng thì cứ Tết là ẵm con về Việt Nam ăn Tết, mặc cho nhà chồng can ngăn.<br />
<br />
“Làm việc gì cũng phải xuất phát từ tấm lòng”, đó là đúc kết của cô dâu Ngô Thị Kiều Phúc. Cô cũng kể về những gia đình chồng Hàn vợ Việt rất hạnh phúc, ăn những cái Tết rất ấm áp. Đó là những cô dâu rất biết chăm chút, vun vén, hài hòa giữa hai nền văn hóa Việt - Hàn. Nhiều cô dâu rất được mẹ chồng thương vì làm bánh Cúc (món ăn truyền thống ngày Tết của Hàn Quốc, như bánh chưng ở Việt Nam), kim chi ngon hơn cả nàng dâu Hàn chính hiệu.<br />
<br />
Đó còn là những gia đình mà các ông chồng biết sẻ chia, cảm thông cho vợ mình khi phải đón những cái Tết quá xa quê cha đất Tổ. Những ông chồng ấy, người ta thường bắt gặp ở những khu chợ Việt Nam ngày cận Tết. Họ cùng vợ tay trong tay đi mua bánh chưng, dưa hấu, củ kiệu, măng khô, mứt Tết về để cùng ăn với kim chi, bánh Cúc, để cái Tết hòa quyện ngọt ngào như niềm hạnh phúc trong gia đình họ.<br />
<br />
Tết năm nay, cô dâu Ngô Thị Kiều Nhi, quê Bình Thuận, ăn cái Tết cuối cùng ở Việt Nam trước khi sang Đài Loan cùng chồng. Góp nhặt những “kinh nghiệm” của chị em đi trước, Nhi đã trang bị cho mình nhiều kiến thức về văn hóa, cách sống, sinh hoạt và món ăn xứ Đài. Cô quyết tâm chinh phục được nhà chồng bằng sự khéo léo và tấm lòng của mình, Nhi tin rằng những điều đó sẽ khiến mình có được hạnh phúc, dù làm dâu ở Việt Nam hay Hàn Quốc, Đài Loan.<br />
<br />
Theo Ngọc Mai<br />
Pháp luật Việt Nam
Posted on Thu, 27 Jan 2011 04:09:02 +0000 at
/forum/showthread.php?tid=9711