Mấy ngày nay, trong bữa cơm tối những ngày đầu tháng chạp, tôi đã nghe ba má bàn bạc kế hoạch chuẩn bị đón tết, tôi chăm chú nghe như nuốt từng lời và hiểu, đối với ba má ngày tết sắp tới quan trọng như thế nào...<br />
<br />
Đầu tháng chạp, chớm xuân là lúc tôi về nhà chồng được gần 8 tháng. Trong vườn nhà, chồi xuân bắt đầu nảy lộc, những cơn gió hanh hanh ùa về, màu nắng đã rực rỡ hơn bao giờ. Mọi thứ với tôi thật bỡ ngỡ, từ không gian, thời gian và con người. Nhà chồng tôi cũng khá đông anh chị, tuy nhiên các anh chị đều đã ra ở riêng cả, chỉ mỗi vợ chồng tôi là ở cùng với ba má (tôi gọi vắn tắt là “ba má” thay cho cụm từ “ba má chồng”). Tập quán của người miền Nam, con trai út phải ở nhà thờ, lo chuyện cúng giỗ tổ tiên, khác với người miền Bắc con trai cả phải là người lo giỗ chạp cho dòng họ.<br />
<br />
Những ngày đầu về làm dâu, nghe ba má kể rất nhiều về chuyện ngày xưa, phong tục tập quán, cách sinh hoạt mà ba má tôi kế tục. Kế tục, nhưng tôi chắc rằng ba má cũng có phần cải tiến, cập nhật và phát huy “hơi hướng” hiện đại vào cuộc sống. Nói làm dâu, nhưng từ ngày tôi về nhà chồng đến giờ, cũng chưa phải làm gì ngoài việc sáng dậy quét sân và nấu bữa cơm tối sau khi rời công sở về nhà. Tôi yêu cái không khí ấm cúng của buổi cơm tối quây quần, chuyện chúng tôi đi làm, chuyện phấn đấu cho bằng anh bằng chị, chuyện ba má tôi thi hội thao, họp mặt nhóm dưỡng sinh hay người cao tuổi, chuyện các bà bạn của má làm công quả ở chùa, và thỉnh thoảng là những chuyến du lịch,... Mặc dù ba má tuổi đã về hưu từ lâu, nhưng ông bà luôn làm mới cuộc sống người cao tuổi bằng các hoạt động xã hội, du lịch, thể thao, từ thiện và nhất là đi thăm viếng các chùa chiền hàng tuần, hàng tháng hay thậm chí hàng ngày.<br />
<br />
Mấy ngày nay, trong bữa cơm tối những ngày đầu tháng chạp, tôi đã nghe ba má bàn bạc kế hoạch chuẩn bị đón tết, tôi chăm chú nghe như nuốt từng lời mặc dù không tham gia vào câu chuyện ấy nhưng tôi hiểu, đối với ba má ngày tết sắp tới quan trọng như thế nào. Ba chồng tôi dự kiến sơn phết lại nhà cửa, dọn dẹp lau chùi từ trong nhà ra đến sân và cả ngoài cổng, ông bảo “nhà cửa phải sáng sủa, tinh tươm đón tết mới sung túc”. Thêm nữa, ông còn tính toán sẵn ngày bứt lá của 3 cây mai trong vườn nhà làm sao cho kịp nở rộ vào đúng ngày mùng 1 tết. Như chợt nhớ ra, ba tôi quay sang nhắc khẽ: “Má tụi bây, nhớ lên chợ Bình Tây mua vài nhánh hoa đẹp và một số giỏ hoa lan về treo trong nhà nhe!”.<br />
<br />
Tối nay, sau bữa cơm, chúng tôi về phòng riêng bàn chuyện tết, được dịp “trổ tài”, nên với vẻ quả quyết tôi khẽ nói chồng: “mình sắp xếp cuối tuần rảnh phụ dọn nhà anh ha!”, chồng tôi vốn được cưng bởi có nhiều anh chị, ít khi việc đến tay nên ậm ừ nhát gừng. Riêng tôi, giấu đi tâm trạng lo lắng: làm việc gì nhỉ? làm thế nào? để chuẩn bị cho cái tết đầu tiên tại nhà chồng là cái nôn nao, xốn xang cảm giác tết những năm chưa cưới.<br />
<br />
Tôi vẫn đinh ninh cuối tuần sẽ rất bận rộn với việc đã định, ấy thế mà khi về đến nhà thì đã thấy toàn bộ đồ đạc được xê dịch cho việc sơn phết và lau chùi, bộ lư đồng trên bàn thờ cũng đã được mang ra đánh bóng và phơi trong sân. Dường như hiểu cảm giác băn khoăn, ái ngại của tôi, má bảo: "ở nhà rảnh ba má làm luôn, có anh ba bay phụ thì 2-3 ngày xong à”. Thì ra anh rể đi trực về được nghỉ bù cả ngày xuống phụ giúp với ba má tôi những việc đó. Dẫu có chút áy náy nhưng tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng, bớt gánh lo âu trong những ngày qua, tôi vẫn biết rằng việc làm cho căn nhà tươm tất, sạch sẽ hơn sẽ dành cho chúng tôi vào cuối tuần.<br />
<br />
Thế rồi lần lượt mọi thứ trong nhà sáng lên, bóng lộn, mọi góc hăng hăng mùi sơn pha, mùi vẹc ni từ bộ bàn ghế gỗ, tủ thờ, tủ sách… Rồi việc bứt là mai trong vườn cũng có sự góp phần của chúng tôi trong đó. Những giỏ hoa mà má đi mua tận từ chợ Bình Tây về cũng đã được treo lên rực rỡ các góc,… Một cảm giác rất đặc biệt len vào trong tôi, dường như gia đình chồng tôi đón tết năm nay cũng khác hơn mọi năm. Không khí tết đang đến rất gần.<br />
<br />
Những ngày trước tết nhộn nhịp, bận rộn là thế, tôi cũng phải hoàn tất các việc ở công ty và việc được nhận một khoản lương, thưởng làm tôi hài lòng với kết quả của một năm lao động cật lực. Tôi nhờ chị thủ quỹ đổi một khoản tiền mới cứng để dành cho hai gia đình dùng vào việc lì xì năm mới cho các cháu, và đi cúng chùa của đại gia đình chồng tôi. Tôi cẩn thận mua thêm vài chục phong bao lì xì đẹp cho sẵn vào một túi lớn và định rằng sẽ gởi biếu ba má tôi làm quà mừng tuổi các cháu. Tôi cùng chồng tất bật với quà tết cho nhà bố mẹ tôi và gia đình chồng, tôi cũng lần lựa chọn vài món ăn cho ngày tết và hỏi thêm má về món ăn truyền thống mà nhà chồng tôi vẫn thường nấu những năm trước.<br />
<br />
Con đường lớn rẽ vào nhà tôi cũng đã bắt đầu họp chợ hoa tết, con đường hàng ngày tôi đi về, giờ như được thay áo mới, nép mình bên những chậu hoa, chậu cây đủ màu sắc, rực rỡ những sắc vàng, đỏ, hồng, xanh, những ụ dưa hấu xanh đen nhánh, tròn trĩnh đang chờ người mua sắm dẫu mới chỉ là 23 tết.<br />
<br />
Ba tôi chậm rãi cúng đưa ông táo của nhà mình về trời, báo cáo với Ngọc Hoàng thành tích của một năm qua được mau mắn, suôn sẻ sau khi má tôi đã chuẩn bị sẵn đồ cúng từ chiều. Khoảng 8g tối, hầu hết nhà ai cũng đều mở tivi lên háo hức coi vở hài kịch Ông Táo Chầu Trời với nhiều ngụ ý khen ngợi, lẫn châm biếm thói đời một cách dí dỏm, hài hước.<br />
<br />
Hai ngày sau đó, mọi người trong gia đình chồng tôi đi tảo mộ buổi sáng tại khu nghĩa trang của dòng họ, cả nhà dậy từ sớm mang theo đồ đạc để rẫy cỏ, quét tước, dọn sạch sẽ khu mộ của các cụ, ông bà trong dòng họ. Khói bốc um lên bởi những đám cỏ khô được gom lại đốt, những nén nhang thơm nồng trong nắng vàng. Ngày tảo mộ nói lên phong tục tập quán của người Việt hàng năm, nhắc nhở con cháu nhớ đến ông bà tổ tiên, thờ phụng cúng kiếng chu đáo. Đi tảo mộ mới thấy cái không khí thân tình, thắm thiết của họ hàng, mọi người lâu ngày gặp nhau í ới gọi, hỏi thăm sức khỏe và không quên hỏi thêm việc chuẩn bị tết. Mới đấy đã là 25 tháng chạp, những ngày trước tết mới vui, mới thấm.<br />
<br />
Rồi các anh chị và mấy đứa cháu nhà chồng tôi rục rịch rủ nhau về nhà ba má để cùng đi xem chợ hoa tết, các cháu cũng đã được ba mẹ chúng sắm sửa những bộ đồ mới ưng ý. Quà tết mà ba má tôi được bà con, xóm giềng biếu cũng dần đầy bàn. Trong sân nhà, lần lượt xuất hiện những đôi chậu hoa vạn thọ, cúc vàng, hướng dương, quả hạnh… Cặp dưa hấu to “vật vã” được bày lên bàn thờ chính, mâm ngũ quả cũng được trang hoàng từ 29 tháng chạp. Ba tôi cứ sửa soạn mọi thứ trong nhà dường như cả ngày mà không biết mệt, ông ngắm nghía mọi thứ và tâm đắc với những thứ được bày biện từ trong nhà ra ngoài vườn, Ba tôi bảo: “Tao có màu mè là từ ông nội bay, 3 ngày tết phải đầy đủ, tươm tất, ngày tết là ngày đoàn tụ, là ngày làm mới, là ngày tạ ơn tổ tiên và là ngày của hy vọng. Mong cái không may sẽ qua đi, vui mừng chào đón một năm mới sung túc, nhiều may mắn”.<br />
<br />
Ngày 30 tết cũng đến, bữa cơm cúng rước ông bà tổ tiên phải thật tươm tất, ba má dậy từ rất sớm. Ba tôi tranh thủ chạy xuống Đình. Trước khi đi ông dặn hờ má “Tui đi xuống Đình lo chuyện cúng kiếng thế nào, Má bay cứ chuẩn bị sẵn cơm trưa tui về đến là cúng tất niên nhe”. Ba tôi tham gia trong Ban tế nghĩa Hội Đình An Nhơn, những ngày hội đình lúc nào ông cũng có mặt từ mấy ngày trước đó, và Tết cũng vậy, ông xách xe chạy ít nhất cũng 2-3 lượt mỗi ngày để lo chuyện trang hoàng, cúng tế và phân công trực lễ tại đây từ 25 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng hàng năm.<br />
<br />
Tôi nghe các anh chị kể lại, cứ Tết đến thì các con cháu đi làm ăn xa từ mọi nơi đều về ghé thăm Đình, với ý nghĩa luôn nhớ và thể hiện tấm lòng biết ơn đến tổ tiên. Ngày rằm tháng Giêng là ngày hội lớn nhất trong năm, bà con khắp nơi đến cúng viếng Đình, cũng là để cầu cho một năm làm ăn thuận lợi, hãnh tiến. Trong ngày này, có cả một đoàn hát bội đến biểu diễn cho bà con xem, đông vui vô kể. Thế mới biết giữa chốn phá xá náo nhiệt của đất Sài Gòn này, vẫn tồn tại những nét đẹp văn hóa xưa mà tổ tiên đã khai phá, xây dựng và duy trì đến nay.<br />
<br />
Má tôi ăn chay 8 ngày trong tháng nên ngày 30 tết cũng không ngoại lệ, dẫu bà không nêm nếm nhưng các món đều rất tuyệt vời bởi người nội trợ cả đời cần mẫn chăm sóc gia đình, chồng và các con. Tôi hồi hộp và sớ rớ chờ má sai làm vài thứ như nhặt rửa rau củ, trông bếp, thử mấy món ăn mặn. Đồng thời, tôi cũng “giở” thêm vài món ruột gốc Bắc đã được mẹ tôi tư vấn và chuẩn bị từ trước để tranh thủ “ghi điểm” với nhà chồng trong cái tết đầu tiên.<br />
<br />
Rồi mọi thứ đã hoàn tất, trong mâm cơm tất niên hòa quyện hương vị 2 miền, chắc chắn không thể thiếu “dưa hành, củ kiệu, bánh chưng xanh”. Gần 11 giờ nghe tiếng xe vespa của ba ngoài cổng, từ dưới Đình về ông vội vã vào nhà hô hào dọn đồ cúng lên. Ba và chồng tôi ngầm hiểu nhiệm vụ bày biện trên bàn thờ là của 2 người đàn ông trong nhà, nên chỉ má và tôi loay hoay sửa soạn từng món dưới bếp. Sau hơn 30 phút mọi thứ đã được đặt hết trên bàn thờ, rồi ba trịnh trọng thắp nhang và lẩm nhẩm khấn đón ông bà, cụ tổ về nhà ăn Tết.<br />
<br />
Bữa cơm trưa 30 Tết, thật hạnh phúc biết bao! Trong bữa trưa ba luôn nhắc đến ông bà nội, những món ăn ông nội ưa nhất hoặc những món ngày xưa bà nội hay làm ngày tết, và những phong tục trong ngày Tết khi ông bà nội còn sống. Câu chuyện rôm rả như bất tận...<br />
<br />
Chúng tôi cùng về nhà bố mẹ ruột tôi khi bữa cơm cúng tất niên bên nhà chồng vừa xong, tôi tranh thủ về phụ giúp mẹ làm vài món ăn thịnh soạn cho buổi cơm cúng chiều tất niên đón ông bà. Mọi thứ chậm rãi trôi qua, bình yên như bao cái tết tôi từng ở nhà. Trong ánh mắt bố mẹ, tôi thấy có niềm vui và hạnh phúc khi ông bà đã dựng vợ, gả chồng cho các con đầy đủ. Bố tôi có dịp tiếp rượu chàng rể mới một cách thoải mái mà không sợ mẹ tôi “quých” mỗi khi ông vui đến quá chén.<br />
<br />
Và thời khắc năm mới rất gần, mùa xuân đầu tiên tôi đón giao thừa cùng chồng và gia đình chồng. Lần lượt những bỡ ngỡ của tôi đã trôi qua, tôi thích nghi và hòa nhập cuộc sống mới từ bao giờ không rõ, nhưng bây giờ nó là hơi thở của tôi. Đêm giao thừa, cả nhà chồng tôi ra sân thắp nhang ở bàn thiên, các anh chị và mấy đứa cháu nội, cháu ngoại của ba má tôi cùng về đón giao thừa đầy đủ. Chúng tôi khệ nệ bưng lần lượt các thứ để cúng giao thừa ra bàn thiên sân nhà, chộn rộn thắp nến xung quanh và chờ tiếng pháo hoa từ xa vọng lại bắt đầu giây phút đầu tiên bước sang năm mới. Cơn gió xuân se lạnh khe khẽ thổi tắt vài ngọn nến. Tôi đứng bên cạnh chồng, cảm nhận sự thiêng liêng, ấm áp, lung linh của đêm giao thừa đầu tiên bên gia đình chồng. Mọi người thứ tự thắp nén nhang khấn nguyện năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc và may mắn. Tiếng pháo hoa cuối cùng vừa dứt cũng là khi mọi người trong nhà đã hoàn tất cúng giao thừa, các anh chị tôi í ới gọi nhau đi bộ theo dòng người đến Chùa ngay để được đón lộc xuân may mắn trong những phút đầu năm mới.<br />
<br />
Sáng mùng 1, chúng tôi thức giấc khi nghe tiếng ba tôi khua bên ngoài: “Dậy đi, Tết rồi!”. Tôi bật dậy, háo hức sửa soạn, xúng xính lại bộ áo dài cưới cho ngày chúc tết họ hàng nhà chồng mùng 1. Nhìn ra phòng khách thấy má tôi đang vô sẵn từng bao lì xì những đồng tiền mới cứng mà tôi đã chuẩn bị biếu ba má những ngày trước tết. Ngoài sân, những cây mai vàng đã nở rực rỡ che kín nhánh cây lá xanh non, xung quanh vài con ong mật vo ve tìm nhụy ngọt. Tiếng nhạc từ tivi phát ra say đắm, ngập tràn lời bài hát của Nhạc sỹ Văn Cao “…mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên,… Ôi! giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm…”.<br />
<br />
Má tôi dọn bữa ăn chay buổi sáng lên từ bao giờ, các anh chị chồng tôi cũng đã vào đến sân. Má nói với tôi “Ăn chay ngày mùng 1 coi như ăn chay cả năm đó con, mọi chuyện sẽ được phước lành trong năm mới”. Đối với tôi đó là bữa chay ngon nhất đầu tiên trong đời. Ngoài phòng khách tiếng các cháu chúc tết ông bà râm ran, tiếng cười sảng khoái của ba tôi khi phát bao lì xì. Tôi hạnh phúc, khẽ thầm “… ôi ! giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên…”.<br />
<br />
Mùa xuân đầu tiên của tôi ở nhà chồng với bao kỷ niệm, sau nhiều năm tôi nghiệm ra câu nói của một nhà văn: “Hạnh phúc không đo bằng thời lượng của cuộc sống mà bằng số lượng và chất lượng những điều mình trải qua”. Ôi! mùa xuân đầu tiên.<br />
<br />
Xuyến Chi
Posted on Tue, 25 Jan 2011 02:29:43 +0000 at
/forum/showthread.php?tid=9603