Ngày xưa, có một đôi bạn thân xem nhau là máu thịt, thuỷ chung nhất. Một người vì người kia hoạn nạn đã cầm cố kỉ vật thiêng liêng để rồi sau này ân hận mãi khôn nguôi.Hai mươi ba tuổi, nếu không có chút nhan sắc làm quà, chắc tôi là một con bé vô cùng nhạt nhòa đối với ba. Lúc bằng tuổi tôi, anh Thiện luôn là niềm kiêu hãnh khi đi đâu ba cũng có cớ để khoe với bạn bè. Anh Thiện giống ba không chỉ hình thức, mà còn về "chất" nghệ sỹ đậm đặc trong máu.<br />
<br />
Hai mươi ba tuổi, nhắc đến tôi, người ta thường nói với ba: "Con nhỏ xinh quá nhỉ? Có tướng phu nhân đấy chứ!". Ba chỉ ậm ừ: "Con gái là con người ta...". Tôi biết mình chẳng có chút "chất" nghệ sỹ nào cho ba vui lòng nên cố gắng là đứa con gái ngoan, để ba không tự hào thì cũng không có gì phiền muộn.<br />
<br />
Mẹ tôi lại khác. Mẹ chẳng có vẻ gì tự hào về anh Thiện. Khi tôi còn nhỏ, bà đã không ít lần doạ: "Mai này lớn lên có chết già cũng không được lấy chồng nghệ sỹ nhé con. Nghệ sỹ như ba mày ấy. Cả đời nghèo kiết xác, tư tưởng lãng mạn, không lo làm ăn, suốt ngày ôm đàn mà hát".<br />
<br />
Thế nhưng thật tình, từ khi được sinh ra tới giờ, chưa khi nào tôi thấy ba chơi đàn. Anh Thiện chơi đàn và chơi giỏi cũng là do sư phụ khác dạy. Ba không chí thú làm ăn thật và hai anh em tôi cũng vậy. Nói chung là cả cơ đồ của gia đình đều do một tay mẹ vun vén. Mỗi lần nghe mẹ đe tôi thế, ba chỉ cười khà khà: "Tôi chỉ là một nghệ sỹ "nửa mùa". Mà đã "nửa mùa" làm sao giống nghệ sỹ chân chính như...thằng Thiện nhà mình chứ".<br />
<br />
Quán Đôi Bờ nhỏ và giản dị, chủ quán lại là một cô gái không sắc nước hương trời nhưng duyên dáng. Tôi chắc rằng vẻ duyên dáng đã kiếm điểm cho cô rất nhiều. Cô gái chơi đàn ghi-ta hay tuyệt. Có lẽ đến cả những kẻ mù tịt về âm nhạc như tôi cũng không thể nói lời chê bai. Quan trọng nữa là cà-phê. Cà-phê ngon thật! Cô gái bảo đây là cà-phê Trung Nguyên thứ thiệt. Thứ cà-phê mà mỗi khi cô pha cho khách, mùi thơm lan lên tận căn phòng tôi trọ trên tầng hai. Ly cà-phê đặc đến độ có thể cắm tăm được. Ai uống lần đầu chắc chắn sẽ mất ngủ tới hai đêm liền.<br />
<br />
Đêm đầu tiên ngủ trọ, tôi đã gọi một ly cà-phê như thế và chòng chọc cả đêm dài vật vã với những thước phim của quá khứ. Tôi trốn chạy một cuộc hôn nhân. Mà không phải, tôi trốn chạy sự từ chối mới đúng. Nếu tôi biết mình bị từ chối, tại sao không làm một việc tự trọng là bỏ đi?<br />
<br />
Tôi rời Hà Nội, lên thành phố Q. đầu quân làm việc cho một người bạn thời đại học. Cậu ấy, dĩ nhiên rồi, biết tại sao tôi lại xa Hà Nội, xa cơ hội trở thành con dâu một quan chức cấp cao. Và cậu ấy đón nhận tôi vô điều kiện. Khi tôi đến Q., mẹ vô cùng thất vọng, ba lại nói tôi có quyền hoạch định cuộc đời mình và cho rằng Q. là một thành phố đẹp, nó đã từng gắn bó với ba biết bao nhiêu kỉ niệm.<br />
Ngày xưa, khi thành phố đó còn là thị xã, ở góc đường nọ có một hiệu cầm đồ. Ông chủ hiệu này cũng là một tay nghệ sĩ. Ông ta đã giữ của ba một cây đàn ghi-ta. Sau này ba quay lại tìm cây đàn, cả hiệu cầm đồ cùng nó đã biến mất. Ba không bao giờ tìm thấy cây đàn của mình nữa. Mẹ bảo đó là một cây đàn vô cùng đặc biệt. Nó đặc biệt đến nỗi vì mất nó, ba tôi đã không bao giờ còn chơi đàn trở lại. Khi có nó, ba là một nghệ sỹ ghi-ta tài hoa.<br />
<br />
Tôi chưa bao giờ thấy ba chơi đàn. Ba nhận mình là nghệ sỹ "nửa mùa" và tự hào về anh Thiện. Anh giống ba, cao ráo, hơi gầy, mái tóc bồng bềnh lãng tử. Anh chơi đàn như thể nó sinh ra để thuộc về anh.<br />
<br />
Khi đến Q, tôi có nhờ Nhâm, một cậu bạn và cũng là ông chủ dẫn tôi đi chơi vòng quanh thành phố. Không ai biết ngày xưa có một hiệu cầm đồ như thế. Nhâm vỗ vai tôi thông cảm: "Dẫu sao cũng hơn ba mươi năm rồi. Ba cậu đã già thế còn ông ta có khi đã chết rồi cũng nên". Tôi đành bỏ cuộc, nhưng mỗi khi lang thang trên con đường lộng gió ở ngoại vi thành phố, tôi vẫn cầu mong có một phép nhiệm màu. Trong sâu thẳm lòng mình, tôi luôn mong làm được điều gì đó có ý nghĩa cho ba. Câu chuyện cây đàn biến mất và nguyên cớ ba không bao giờ chơi đàn nữa luôn thôi thúc tôi. Tôi phải làm được điều gì đó, phải làm được...<br />
<br />
Cô chủ quán chỉ mới hai mươi tuổi đã tự lập với cái quán nhỏ. Thế nhưng, dù âm nhạc hay và cà-phê ngon cũng chỉ thu hút được một lượng khách hạn chế nên cô đành phải san sẻ nửa căn phòng trên gác hai cho tôi. Tôi thường thức khuya và cô gái sau mười một giờ đêm cũng trở về căn phòng của mình. Cô duyên dáng nhưng lại cô đơn.<br />
<br />
Em cũng từng có một mối tình đấy chị ạ. Một mối tình qua thư với một chàng lính biển. Cũng được hai năm. Năm ngoái anh ấy nghỉ phép, về thành phố này thăm em. Mặc dù gặp nhau rất vui vẻ, nhưng anh ấy chẳng bao giờ liên lạc lại nữa. Nửa năm đầu em đau khổ, sau em hiểu ra, anh ấy qua thư luôn hình dung em rất xinh đẹp. Người ta thường ảo vọng vậy đấy. Buồn nhiều, rồi cũng qua. Còn chị?<br />
<br />
Tôi cũng buồn với tâm sự của cô gái, nhưng chẳng biết kể cô nghe chuyện gì. Đúng ra tôi chưa có một mối tình nào. Có sao được khi từ bé, tôi đã được chỉ định sẽ là con dâu của một người đàn ông quyền lực. Người mà ba lúc nào cũng tự hào về tình bạn thuỷ chung bất di bất dịch của hai người.<br />
<br />
Tình bạn đó có từ khi còn là hai chàng lính chiến đến khi một người an phận là nghệ sỹ nửa mùa mộng mơ và nghèo kiết. Còn người kia mỗi ngày lại leo lên một nấc thang quyền lực mới.<br />
<br />
Người đó (nghe nói) nghìn lần bảo không bao giờ quên tình bạn cao đẹp. Rằng ba nghèo cũng chẳng sao, sự nghiệp của hai đứa con (là tôi và anh Thiện) người ấy sẽ lo hết. Gì chứ kiếm một chỗ làm ấm áp no đủ cho anh Thiện chỉ là trò con trẻ. Anh ấy cứ việc nghệ sỹ như từ trong trứng vốn thế mà vẫn hưởng lương của một công chức đàng hoàng. Còn tôi, cứ học hành chu đáo, dù sao con dâu của một quan chức đầu ngành quan trọng như ngài phải có học chứ. Gặp bạn bè, ai nhắc đến "người ấy", ba đều cười khà khà: "Ai chứ thằng đó, tôi chỉ cần gọi điện bảo, mày rảnh không, qua tao uống rượu. Nó mà rảnh thì khỏi bàn".<br />
<br />
Thế nhưng người ta làm quan to, có khi nào rảnh?<br />
<br />
Công - con trai của ngài ấy, là người được chỉ định sẽ lấy tôi làm vợ, có vị trí như thế nào khi là con trai của một quan chức cấp cao? Đương nhiên anh ta có mọi thứ anh ta muốn mà không cần phải ước mơ, phấn đấu. Từ cổ chí kim, con cái nhà giàu, có quyền chức phần lớn đều như vậy.<br />
<br />
Tôi biết Công từ khi còn bé. Lúc đó, anh ta đã biết mình rất khác người, nhưng lại đối xử với tôi khá thân thiện. Lớn lên, anh ta đối với tôi vẫn thế, điều này khiến tôi đặt câu hỏi là "tại sao"". Anh ta không nhất thiết phải làm theo lời bố là lấy tôi. Mà tôi biết chắc rằng nếu bố anh có bảo anh phải làm thế thật, đó cũng là câu nói từ ngày xưa, xưa lắm rồi. Nghĩa là cả tôi và anh ta chẳng bị ràng buộc gì. Anh ta có thích tôi một tẹo vì tôi có chút nhan sắc làm quà. Còn nếu nói sự thân thiện đó là biểu hiện của lòng tốt lại không phải.<br />
<br />
Khi hai mươi tuổi, tôi biết anh ta không phải là một công tử hư hỏng. Đúng, anh ta không hư hỏng, mà là...đểu. Có lẽ biết thế nên Nhâm đã từng lo ngại cho tôi: "Cậu sẽ sống sao với một tên đểu như thế". Thế đấy, bạn có thể dễ chấp nhận người yêu bạn là một thằng khốn hơn là một thằng đểu. Đểu! Thật không còn gì để nói nữa.<br />
Tôi quả có nuôi mộng trở thành vợ anh ta thật. Giấc mộng đó kéo dài khoảng sáu, bảy năm. Từ năm mười ba, mười bốn đến năm hai mươi tuổi. Anh ta là một hình tượng đẹp mà ba tôi vun đắp trong trái tim non nớt và nhạy cảm của tôi. Khi người ta trẻ, người ta dễ tin và dễ thần tượng. Năm tôi hai mươi tuổi, một hôm anh ta mời tôi đến nhà chơi khi không có người lớn. Ở đó, anh ta tìm cách kéo tôi vào phòng, đè nghiến tôi xuống giường đệm sang trọng.<br />
<br />
Bài hát có một giai điệu tuyệt vời, thiết tha đến nỗi nó có thể khiến một trái tim chai sần nhất cũng phải xao động. Tuy nhiên, ca sỹ thể hiện lại có cái mặt đểu không biết hóa trang kiểu gì cho khuất. Tôi và cô gái đều thích nghe bài hát, nhưng không thể chịu được cái mặt của anh chàng ca sĩ.<br />
<br />
Có thể chàng lính biển không liên lạc với em nữa là có nguyên nhân bất khả kháng. Em có bao giờ nghĩ đến một tình huống xấu đã xảy ra với anh ta không?<br />
<br />
Không, nhưng dù sao em cũng không mong điều gì xấu đến với anh ta.<br />
<br />
Khi nghe nhạc và nói chuyện về chàng lính biển phù phiếm, chúng tôi ngồi trong căn phòng của cô gái. Nó vốn là một phần của căn phòng tôi đang trọ. Cô gái sống giản dị và ngăn nắp. Điều đáng chú ý nhất là trên vách tường có treo nhiều cây đàn ghi-ta. Cô gái bảo:<br />
<br />
Ông ngoại em là một nghệ nhân chế tác đàn ghi-ta có tiếng. Mẹ em không giỏi nghề và cũng chẳng giỏi đàn. Chỉ có dì ruột em giỏi cả hai nhưng dì ấy bất hạnh. Lấy chồng muộn và sớm ở góa. Từ ngày chú em mất, dì ấy đóng cửa xưởng, mua một ngôi nhà bên kia sông. Hôm nào thư thả, em mời chị sang sông thăm dì ấy. Dì ấy tinh tế lắm, bảo đảm gặp một lần, chị sẽ thích.<br />
<br />
Tôi chọn chế độ im lặng để không phải nghe điện thoại của Công. Anh ta biết tôi ở Q., mẹ đã không ngại ngần cho anh ta biết điều đó. Mẹ vẫn mong tôi trở thành con dâu nhà họ vì đó là niềm hy vọng duy nhất sau chuyện của anh Thiện không thành. Anh đã không hề được nhận vào một nơi êm ấm nào như ngài ấy từng hứa hẹn. "Thế cũng chẳng sao. Nghệ sỹ không thể bị gò bó", anh nói thế nhưng vẫn buồn. Anh buồn vì những lời hứa hơn là việc thực lòng anh có muốn bị gò bó hay không. Lẽ thường tình.<br />
<br />
Ba lại không mong như mẹ, ba bảo tôi có quyền hoạch định cuộc đời. Đúng vậy, tôi đã hoạch định cuộc đời mình ngay từ lúc bước ra khỏi phòng ngủ của Công khi kế hoạch của anh ta không thành. Tôi đã không kể cho ba mẹ nghe chuyện đó. Mẹ không biết nên vẫn nuôi hy vọng, còn ba biết.<br />
<br />
Tôi theo ba lên thành phố cắt thuốc tại nhà một ông lang nổi tiếng. Ông ta từng khoe khoang rằng thuốc của mình có thể chữa bệnh cho cả nguyên thủ quốc gia. Ba tôi cười nhạt: "Hừ. Nguyên thủ quốc gia không phải là người bằng xương thịt như chúng ta chắc".<br />
<br />
Ông lang nói cũng không mấy ngoa ngoắt. Từ trong đám đông dân đen chen chúc đợi đến lượt được "thần y" bắt mạch, kê đơn, tôi và ba nhìn thấy ngài ấy được mấy người bảo vệ rẽ đám đông cho ngài thong dong bước như vào chỗ không người. Đợi ngài yên vị, ba lôi điện thoại trong túi ra bấm gọi.<br />
<br />
A lô!<br />
<br />
Ngài ấy bắt máy, vẻ mặt biểu lộ sự bất mãn.<br />
<br />
Đang ở đâu đấy, rảnh không? Qua nhà tao uống rượu.<br />
<br />
Em bận tối mặt tối mày đây, đang có hội nghị quan trọng trong thành phố Hồ Chí Minh. Lúc khác nhé!<br />
<br />
Ngài ấy tắt máy, mặt vẫn nhăn nhó như quanh quất có mùi gì khiến ngài khó chịu. Ngài lại rút điện thoại trong túi ra (nghe nói điện thoại di động của ngài chỉ dành để nghe những cuộc gọi của những người thân thiết). Ba tôi cũng nằm trong danh sách đó. Vì vậy, ông không hãnh diện sao được).Ngài ấy đã áp máy lên tai, lại:<br />
<br />
A lô!<br />
<br />
Mày đang ở Sài Gòn à? Tao đang ở trước mặt mày đây...Giọng ba run nhẹ.<br />
<br />
Ba kéo tôi rẽ đám đông đi ra cổng. Không khám bệnh, bốc thuốc gì nữa. Ngài ấy cho người đuổi theo gọi lại, ba cũng không quay lại. Nếu là ba, tôi cũng không quay lại.<br />
<br />
Ba thông cảm cho người ta. Người ta là bạn thân nhưng là quan to, bận lắm, đến nỗi phát bệnh phát tật, phải đích thân đi bốc thuốc. Ba thấy rồi còn giận dỗi làm gì.<br />
<br />
Ba gạt tay tôi ra, cười nhạt:<br />
<br />
Có những điều con làm sao mà biết được.<br />
<br />
Tôi có thể không biết những điều khiến ba đau lòng đến thế, nhưng tôi biết rằng từ nay họ đã đứng ở hai bên bờ một dòng sông rồi.<br />
<br />
Tôi ngỡ ngàng khi nhận thấy sự hiện diện trong quán nhỏ Đôi Bờ là một người lính biển. Anh ta có lẽ tuổi đời còn rất trẻ, nhưng nét mặt đã khắc khổ màu sương gió. Anh ta một mình bối rối giữa những dãy bàn ghế ngay ngắn vắng khách. Không có cô gái ở đó.<br />
<br />
Chúng tôi đi bên nhau một đoạn dài dọc bờ sông mùa nước ngọt trước khi chia tay. Anh ta bảo, người bạn trai của cô gái đã chết một năm trước đây khi về phép thăm nhà bởi một tai nạn giao thông. Khi hai người yêu nhau qua những bức thư vượt trùng dương, cả tiểu đội không ai là không biết. Lần này về phép, anh ta dự cảm có một sự hiểu lầm không đáng có, nên trực tiếp đến tìm cô gái chủ quán Đôi Bờ...<br />
<br />
Nỗi đau mất người con trai đó khiến cô gái không thể bình tâm bán cà-phê ngon và chơi đàn cho khách nghe. Chúng tôi sang sông thăm người dì của cô gái, từng là một nghệ nhân chế tác đàn ghi-ta tài hoa. Nữ nghệ nhân sống mình trong ngôi nhà nhỏ trên đồi. Căn nhà cũng bài trí đơn sơ, giản dị như nhà cô cháu gái. Trên tường treo một số cây đàn...<br />
Nữ nghệ nhân không giấu được nhan sắc đằm thắm của tuổi thanh xuân dẫu đã phôi pha. Sự tinh tế và tài hoa thể hiện trong từng cử chỉ càng khiến nhan sắc ấy thêm cuốn hút. Không hỏi tôi là ai, từ đâu đến, nữ nghệ nhân dạo cho tôi nghe một bản nhạc Nga, bản Đôi Bờ. Có điều là bà luôn nhìn tôi, ánh mắt đôi lúc khiến tôi phải tìm cách lảng tránh.<br />
<br />
Tôi lặng ngắm những cây đàn treo trên tường. Khi được chọn để treo trên tường, hẳn chúng phải có một thân phận hết sức đặc biệt. Tôi không đủ trình độ về âm nhạc để đoán định chất lượng âm thanh của những cây đàn ghi-ta. Thế nhưng trông hình thức, chúng rất khác biệt, không thể trộn lẫn với ngàn vạn cây đàn khác ngoài đời kia.<br />
<br />
Khi tôi khẽ chạm tay vào một cây đàn treo ở một vị trí trang trọng bên trái bức tường, trong khoảnh khắc nhỏ đó, tôi nhận thấy trái tim mình bị đè nghiến bởi một sức nặng vô hình. Trên mặt đàn láng bóng, hai trái tim được khắc lồng vào nhau, nằm gọn trong những cánh hoa hồng mềm mại, bên dưới có dòng chữ khắc chìm. Đó là tên nữ nghệ nhân và một ai đó có tên giống ba tôi.<br />
<br />
Đó là cây đàn do dì em chế tặng người yêu. Thế mà ông ta đã nhẫn tâm mang nó đến hiệu cầm đồ để có món tiền khá lớn. May mà ông chủ hiệu cầm đồ quen dì nên..."<br />
<br />
Cây đàn đó chắc rất đặc biệt, ý chị là chất lượng?<br />
<br />
Vâng. Đó là kiệt tác của dì em. Nó có độ chuẩn tuyệt vời về âm thanh. Em từng được ôm nó một lần. Không bao giờ dì em cho đụng thêm một lần nào nữa".<br />
<br />
Tôi định sẽ thức suốt một đêm dài với ly cà-phê không đường đậm đặc. Bên kia vách ngăn, có lẽ cô gái cũng không ngủ. Ánh đèn vàng dịu vẫn hắt ra từ căn phòng. Chúng tôi cùng thao thức để theo đuổi những buồn vui, đắng chát của riêng mình. Bên ngoài ô cửa, gió sông thổi nhẹ, thì thầm một câu chuyện cũ.<br />
<br />
Chuyện rằng... ngày xửa ngày xưa, có một đôi bạn thân. Họ xem nhau như máu thịt, thủy chung như nhất. Một người vì người kia trong cơn hoạn lộ, đã cầm cố cả kỉ vật thiêng thiêng nhất của tình yêu...<br />
<br />
Mẹ tôi đã kể cho tôi nghe câu chuyện đó khi ba chìm vào nỗi buồn sau cuộc gặp với ngài ấy trong nhà "thần y". Mẹ tôi cũng bảo, mẹ không phải tình yêu của ba. Bao nhiêu tình yêu của cả đời người, ba đã dồn hết để yêu cô gái chơi đàn cả rồi.<br />
<br />
Sao mẹ vẫn lấy ba?<br />
<br />
Thời mơ mộng của tuổi trẻ, mẹ đã yêu ba con vì ông ấy là một nghệ sỹ ghi-ta tài hoa, dẫu chưa một lần ông ấy dạo cho mẹ nghe một nốt nhạc nào...<br />
<br />
Chị không ngủ được à? Em chơi đàn nhé!<br />
<br />
Cô gái ôm cây đàn, nhìn tôi chờ đợi. Tôi gật đầu.<br />
<br />
Ngày mai em sẽ đổi tên quán. - Cô gái nói, rồi đan tay trên những dây đàn. Bản nhạc buồn có tên rất đẹp: Đôi Bờ.<br />
<br />
<br />
Theo TT&GD
Posted on Mon, 20 Dec 2010 04:11:42 +0000 at
/forum/showthread.php?tid=8126