Hôm qua mẹ gửi mail, có một đọan kể chuyện con chuột (giống chuột lang, nuôi làm cảnh) của cậu em trai ở nhà bị chết. Không hiểu vì sao nó chết, có lẽ do bị bệnh. Cậu em thì đi cắm trại từ hôm qua vẫn chưa về. Mẹ nói nó về mà biết thì chắc lại khóc bù lu bù loa lên vì nó chăm mấy con chuột kỹ lắm. Ừ, tính nó từ nhỏ vốn đã hay khóc mà.<br />
<br />
..<br />
<br />
Mình hồi nhỏ cũng hay khóc. Lý do thì nhiều, chẳng hạn bị đòn do ham chơi điểm thấp, chẳng hạn bị mắng do ham chơi về muộn, chẳng hạn bị hỏi tội do ham chơi không làm việc nhà.. Nhìn lại tự nhiên thấy hồi đó mình khóc nhiều hình như toàn là do ham chơi thôi ! ^^ Giờ vẫn ham, nhưng khóc thì bớt rồi.<br />
<br />
Hì, đuà đấy, ai lại thế. Mình thực ra khóc cũng vì nhiều lý do, nhưng suy cho cùng cũng là vì.. dễ bị cảm động (hẳn nhiên không phải do ham chơi đâu, chả ai lại khóc mãi chỉ vì ham chơi cả !). “Dễ cảm động” là gì nhỉ ? Nói là dễ bị dụ cũng được, mà nói là dễ mủi lòng cũng không sai. Tự nhận mình hay khóc nhè cũng khá là khó khăn, nhưng dù gì cũng qua rồi, ai chẳng có quá khứ, cũng chẳng nên đào bới làm gì nhỉ . Nên đoạn này chủ yếu mang tính hồi tưởng cá nhân thôi. ^^<br />
<br />
Dẹp chuyện hồi nhỏ, nói chuyện hồi lớn đi. Cũng lâu rồi mình không khóc nữa. Người lớn thường dạy trẻ con là phải dũng cảm lên, không được khóc nhè, và hình như trẻ con nào lớn lên cũng “quán triệt sâu sắc” câu nói ấy. Có thể không bớt khóc đi, nhưng khi khóc thường không muốn cho người khác nhìn thâý. Nhỏ mà khóc đã bị gọi là “mít ướt” rồi, huống hồ lớn lên còn khóc thì chả còn từ nào để gọi. Nên các bạn gái tuổi teen và các chị lớn tuổi “ngay sau teen” là những ví dụ hoàn hảo. Nói các chị em không có nghĩa là không nói các anh em. Con trai thì ít khóc hơn bởi người ta mặc nhiên quy định đàn ông là phải mạnh mẽ, vì phải làm chỗ dựa cho gia đình. Điều này gần như không có ngoại lệ cho những người muốn làm “đàn ông chân chính”. Nhưng không có “ngoại lệ” thì cũng sẽ có “nội lệ” – tức là nước mắt ở bên trong. Đàn ông biết cách che giấu nước mắt cuả mình, ta có thể thấy họ buồn nhưng hiếm khi nào thấy được họ khóc.<br />
<br />
..<br />
<br />
Mình quan sát và rút ra thế này. Hay khóc nhất là tụi con nít đang còn thời được bồng bế, các “em ấy” khóc rất vô lối, nhiều khi là vì nhu cầu cá nhân, nhiều khi đơn thuần khóc để giải trí. Cứ hứng lên là khóc thôi, hồn nhiên đến vậy là cùng !<br />
<br />
Xếp sau các bé hay khóc này là các em tiểu học, cả bạn trai lẫn bạn gái. Chỉ cần tình cờ ngồi ở sân một trường nào đấy giờ ra về chẳng hạn, vài lần, sẽ được chứng kíến cảnh cãi nhau khóc lóc cuả các “bạn nhỏ”. Kiểu “cậu lấy kẹo cuả tớ, tí tớ mách mẹ bây giờ, trả đây, trả đâyyyyyyyyy !!”. Thế là khóc thôi. Ban đầu người quan sát sẽ có phần hơi khó hiểu, nhưng quan sát lâu chắc chắn sẽ chẳng lấy gì làm lạ nữa. Có vài bậc cha mẹ thấy con mình khóc thì đến hỏi han vỗ về mấy câu, xong trở về bàn nhậu “dzô, dzô..” tiếp. Họ là cha mẹ và họ đã quen, bao giờ bạn làm cha mẹ, rồi bạn hẳn cũng sẽ quen thôi, không nên lấy làm lạ..<br />
<br />
Các bé vào cấp 2 và cấp 3 thì ít khóc hơn hẳn, do cái quan niệm không nên khóc và khóc thì không nên để người khác thấy đã nói ở trên. Nhưng ai qua thời đó thì cũng hiểu được rồi, không cần phân tích nhiều. Nói chung là vẫn rất hay khóc. Tuổi hồn nhiên mơ mộng mong manh dễ vỡ mà..<br />
<br />
Các “chị” học Đại Học và ra đi làm cũng vẫn khóc nhè thường, còn các anh thì gần như dứt hẳn. Mình cũng hiếm khi thấy dì hay mẹ khóc, trừ khi nhà có tang. Bà nội hay bà ngoại thì chưa thấy khóc bao giờ.. Vậy có lẽ nào càng lớn lên, người ta càng ít khóc ?<br />
<br />
Hay càng lớn lên, người ta càng khéo léo hơn trong việc giấu nước mắt của mình ?<br />
<br />
Nhưng mình vẫn thường tự hỏi, là tại sao phải vậy ? Khóc là được tự do thể hiện cảm xúc cuả mình, là làm vơi đi cốc nước đã đầy đến giới hạn của sự chịu đựng, tình thương hay lòng trắc ẩn. Người ta thường nghĩ rằng khi giấu nước mắt đi thì chiếc cốc ấy sẽ to ra và chưá được nhiều hơn. Vậy nếu ta ăn nhiều hơn bình thường thì bao tử có to ra không ? Hoặc nói nhiều hơn bình thường thì miệng có rộng ra không ? (nếu có chắc các fan cuả Julia Roberts và Angelina Jolie chắc sẽ nói suốt ngày !).<br />
<br />
Bàn tay ta sẽ to ra khi lớn lên, bao tử sẽ to ra, miệng sẽ to ra và tim ta cũng sẽ to ra. Nhưng đó là những kết quả rất đương nhiên cuả sự lớn lên, và nó không ảnh hưởng nhiều bởi việc ta lao động nhiều, ăn nhiều, nói nhiều hay yêu nhiều. Nó như thế bởi vốn dĩ nó như thế. Vậy có lẽ, cũng nên để việc khóc là tự nhiên mới phải. Bởi có nén nước mắt lại thì cũng sẽ đến lúc nó vỡ oà..<br />
<br />
Nói thế thôi chứ thực ra, việc tập cho khóc ít đi không phải không có lợi, khả năng kiềm chế và giữ bình tĩnh sẽ tốt hơn là chắc chắn. Bên cạnh đó phải nói đến tác động tâm lý. Khi giữ nước mắt không trào ra, nhiều khi khiến ta tin rằng mình mạnh mẽ hơn.. Để đối mặt với khó khăn, để chống chọi, để vượt qua.. Người càng gặp nhiều gian khổ thì càng ít khóc than, bởi họ biết rằng nó sẽ không giúp ích dược gì trong những hoàn cảnh đòi hỏi con người phải giữ được bản lĩnh và kìm nén. Nhưng khi họ nhìn thấy những việc chướng tai gai mắt, những việc nhẫn tâm hay cảm động, họ hẳn cũng sẽ khóc..<br />
<br />
Không nên ngăn trẻ con khóc, hãy giúp chúng trong lúc lớn lên tự học được cách khóc như thế nào. Nếu khóc chỉ để thấy mình đau khổ, thì có lẽ nên bớt đi. Còn nếu khóc để biết mình vẫn còn có thể yêu thương hay giận dữ, khóc để rồi sau đó lại lau nước mắt để mỉm cười, suy cho cùng cũng là điều nên làm, nhỉ..<br />
<br />
..<br />
<br />
Trở lại cái thư cuả mẹ, mình ngay lập tức đã viết trả lời. Mình nói với mẹ rằng mình nghĩ cậu em sẽ không khóc, nhưng chắc sẽ buồn mất mấy ngày. Bởi dù sao nó cũng lớn rồi, mà khi lớn thì người ta sẽ không khóc nhiều nữa, chỉ chuyển sang buồn nhiều mà thôi. Khi nói thế với mẹ là mình cũng tự nói với bản thân, để nhận ra rằng “cái sự hay buồn” cuả người lớn chưa chắc đã được như “cái sự hay khóc” cuả trẻ con. Có đưá trẻ nào khóc mãi đâu, rồi chúng cũng sẽ lớn lên và sẽ học được cách mỉm cười. Chỉ có người lớn là đôi khi không cho mình khóc, rồi cũng chẳng còn cười nữa. Vây, sao không cứ khóc đi, để nhận ra mình vẫn còn xúc cảm, vẫn còn biết yêu thương ?<br />
<br />
Khóc đi rồi lại mỉm cười, vậy không cuộc sống sẽ thanh thản và thoải mái lắm ru ? ^^<br />
(ST)
Posted on Mon, 06 Dec 2010 19:02:36 +0000 at
http://forum.petalia.org/index.php?/topi...9-khoc-di/