<div class='bbc_center'><span style='font-size: 15px;'><strong class='bbc'><img src='http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/images/com-gia-dinh.jpg' alt='Posted Image' class='bbc_img' /><br />
</strong></span></div><span style='font-size: 15px;'><br />
<strong class='bbc'>“Về ăn cơm” - tiếng gọi dài như sông Hồng mang phù sa mặn nồng đắp bồi vào tháng năm đời người, thanh lọc những bụi bặm đua chen để tâm hồn không khô héo sạn chai.</strong><br />
<br />
Bạn cùng tuổi với mình, cầm tinh một con vật mà mình vẫn nghĩ một đời long đong lận đận: con trâu. Có lẽ bởi biết được những long đong lận đận ấy trên bước đường mình đi, nên bạn và mình đều miệt mài cố gắng, rời nhà ra phố.<br />
<br />
Dẫu hai đứa mình - người bám lấy Hà Thành, kẻ làm cánh chim tránh rét phiêu bạt phương Nam - dù ở hai miền không gian khác nhau nhưng đều có chung những nỗi niềm, lăn lộn với áo cơm chốn thị thành để tồn tại và khẳng định mình với nhiều khoảng lặng hụt hẫng.<br />
<br />
Mỗi khi cô đơn mà thèm đến run người một cảm giác gần gũi ấm áp từ những người thân yêu - nhất là những khoảng lặng cuối ngày, đối diện với bữa cơm chiều chông chênh...<br />
<br />
Thoát khỏi dòng người đông đúc, ngột ngạt tiếng động cơ và khói bụi, mình về đến căn phòng trọ khi đèn đường hắt hiu tiễn chiều vào tối.<br />
<br />
Mệt mỏi quăng người xuống giường, nhắm mắt lại và lặng đi trong giây lát nghỉ ngơi - tựa những người lính sau một chặng đường dài hành quân thèm gục mình xuống một bóng cây râm mát mà ngủ thiếp đi. Nhưng ngủ sao được khi âm thanh từ trong dạ dày bắt đầu sôi réo? Uể oải trở dậy, lẳng lặng ra đầu ngõ mua thức ăn, lui cui tự nấu cơm một mình, hôm nào muộn quá hoặc lười nấu thì lại tạt vào một quán cơm bụi bên kia đường... Và dù tự nấu hay ăn ngoài quán, thì cũng thui thủi một mình.<br />
<br />
Nuốt từng miếng cơm - chưa kịp cảm nhận được mùi vị thức ăn thì đã nghe đắng đót trong lòng bởi tiếng đũa thìa lách cách đâu đó gõ vào nhau của những nhà xung quanh vọng lại.<br />
<br />
Thèm một không gian bên mâm cơm chiều sum họp, có nụ cười của mẹ, ánh mắt của cha và cả những câu chuyện kể ngây ngô về trường về lớp của đàn em thơ, ríu rít hồn nhiên như bầy sẻ nhỏ...<br />
<br />
Mới hay tại sao thi thoảng mẹ vẫn gọi điện mong mỏi, hỏi cuối tuần này có về thăm nhà không, rồi lần nào về cũng hì hụi nấu những món thật ngon, tới tấp gắp thức ăn vào bát của mình. Chẳng phải vì cuộc sống chốn thị thành kia phải kham khổ gì, chỉ đơn giản bởi mẹ vẫn luôn muốn được chăm chút cho con cái như những ngày xưa - nhất là với những đứa con đi xa, thèm cảm giác yêu thương nơi bữa cơm chiều.<br />
<br />
Mới hay những bữa cơm chiều đâu phải đơn giản chỉ là chuyện ăn để no như một quy luật tất yếu thông thường. Ở đó là sự kết tinh của những cử chỉ chăm chút, là nơi thăng hoa của cảm giác sum vầy ấm áp yêu thương sau một ngày tất bật với nhiều nỗi lo toan.<br />
<br />
Chiều nay, bất chợt đọc được những dòng tâm tư bạn chia sẻ trên trang blog khiến mình rưng rưng: "Con trai Bắc như mình và bạn bè mình đang lăn lộn ở Sài Gòn - sợ vô cùng mà cũng thèm vô cùng những bát cơm gạo trắng. Trong những quãng giờ mà chúng mình gọi là "Giờ chết", lúc thành phố sắp lên đèn. Cứ giờ ấy là chúng mình đi nhậu với nhau. Đôi khi không phải vì thích nhậu, mà để tránh tiếng gọi từ trong tiềm thức... Cái khoảng nhá nhem của khói lam chiều, cái khoảng nhớ đến nao lòng khói bếp và tiếng nắng buồn thảm cuối ngày của những miền quê ngày bé. Giờ ấy là đường làng vắng lặng, giờ ấy là không ai đến nhà ai, giờ ấy là lũ trẻ con lăng xăng một mình ở góc sân bên những cành dâm bụt đỏ, chờ tiếng gọi cơm của mẹ..."Về ăn cơm..."<br />
<br />
Hóa ra ít nhiều mình vẫn còn được hạnh phúc hơn khi mỗi tháng có thể phóng xe vượt quãng đường dài hàng trăm kilomet để về sum họp bên bữa cơm chiều cùng những người thân yêu, sáng hôm sau lại vội vã ra đi, trở về với guồng quay ồn ã chốn thị thành. Còn bạn - "Người của gió trời lang bạt" mãi chốn Sài Thành kia, mỗi năm chỉ có một lần tìm về chờ nghe tiếng mẹ gọi ăn cơm...<br />
<br />
Vẫn biết những con chim khi đã đủ lông đủ cánh, cần phải thoát khỏi không gian chật hẹp của chiếc tổ mà sải cánh bay ra vòm trời cao rộng, hứng mưa gió nắng dưới ánh mặt trời để vững vàng hơn khi những cơn cuồng phong vô tình ập đến. Nhưng bay mãi mỏi cánh chồn chân, cũng cần phải tìm một bến đỗ bình yên cho tâm hồn nương náu.<br />
<br />
Mà nơi bình yên lâu dài và đích thực lại chính là nơi mình đã ra đi...<br />
<br />
Chỉ e đến khi quay về, chiếc tổ ấm cũ đã chẳng còn nguyen vẹn như xưa khi những nắng mưa mang đầy phôi pha vùi lấp, làm tan dần đi những hơi ấm gần gụi thiêng liêng...<br />
<br />
Cuộc sống là một hành trình với nhiều lựa chọn cho mỗi bước chân - và lựa chọn nào thì cũng hàm chứa trong nó những điều Được - Mất song hành. Những cánh chim thiên di như chúng mình, cần phải bay cao, bay xa cho thỏa chí tang bồng. Nhưng bầu trời thăm thẳm mênh mông, cánh chim nhỏ bé phải bay đến bao lâu để chạm được mặt trời?<br />
<br />
Chi bằng cần xác định giới hạn cho đôi cánh tự do của mình để ngoái nhìn lại chặng đường phía sau để nhận ra điều gì là cần thiết và quan trọng với bản thân mà sống cho nó - bởi có những điều chỉ có duy nhất một sự tồn tại, mất đi vĩnh viễn không bao giờ có lại trong đời...<br />
<em class='bbc'><br />
</em></span><div class='bbc_right'><span style='font-size: 15px;'><em class='bbc'>- Lương Đình Khoa -</em><br />
</span></div>
Posted on Sun, 21 Nov 2010 08:06:32 +0000 at
http://forum.petalia.org/index.php?/topi...e1%bb%81u/