Đặng Hiển <br />
Vì sao lại thế em ơi? <br />
Hình như thày đã một thời dạy em? <br />
Vì sao ánh mắt em nhìn <br />
Như người xa lạ gặp trên xe, tàu? <br />
Thày trò xưa đã nghiêng đầu <br />
Trên trang sách mới ánh màu phượng bay <br />
Nhớ xưa em vẫn chào thày <br />
Nụ cười tươi nở thắm đầy niềm tin <br />
Nhớ xưa ánh mắt em nhìn <br />
Từng như tia nắng dịu êm tim thầy <br />
Thời gian… màu tóc thày thay <br />
Còn em, đâu nét thơ ngây thưở nào? <br />
Hình như em có niềm đau <br />
Ước mơ ngày ấy tan vào thời gian? <br />
Hay là đời lắm lo toan <br />
Làm bao kỉ niệm héo tàn trong em <br />
Hay là em mải bước lên <br />
Trường xưa, lớp cũ lỡ quên lối về? <br />
Thì em ơi, cứ đi đi! <br />
Cầu cho thuyền ấy ngày kia đến bờ <br />
Giữa ngày em thỏa ước mơ <br />
Bên chùm hoa tặng, có thơ của thầy… <br />
<br />
(Văn học và tuổi trẻ - số tháng 6/2008) <br />
<br />
Tôi đọc bài thơ này rất nhiều lần. Ngay từ lần đọc đầu tiên tôi đã bị ám ảnh bởi những tâm sự của người thầy trong bài thơ. Cuộc đời dạy học của tôi chưa dài nhưng cũng không phải là ngắn. Bao nhiêu năm tháng đã qua đi, bao lớp học trò lớn lên, bao buồn vui, trăn trở,… Nhưng điều còn lại sau cùng vẫn là niềm hạnh phúc được là một người thầy. Tôi được biết đến nhà giáo Đặng Hiển qua bạn bè cùng học sư phạm, những học sinh của thầy, được gặp thầy ở trường chuyên Lạng Sơn một lần nhưng tôi luôn có ấn tượng tốt về người thầy này. Đọc bài thơ của thầy sao thấy chua xót, ngậm ngùi. Cả bài thơ là hàng loạt câu hỏi, có lẽ thầy tự đặt ra để bào chữa cho một học sinh cũ đã không chào mình trong một lần gặp lại. Bài thơ xoay quanh sự tương phản: ngày xưa và hôm nay trong mối quan hệ thày – trò. <br />
Mở đầu bài thơ là câu hỏi, nhẹ nhàng mà chứa đựng bao nỗi băn khoăn: <br />
Vì sao lại thế em ơi <br />
Hình như thầy đã một thời dạy em? <br />
Chữ “vì sao” cất lên từ tận thẳm sâu trái tim của người thầy, nó đâu chỉ là câu hỏi, nó là nỗi băn khoăn của thầy, “hình như” mà đâu phải, thầy nhớ là đã dạy em. Thầy vẫn nhớ em, nhưng sao em lại dửng dưng đến thế? Thầy đau trước cái nhìn dửng dưng của trò, ngày xưa thầy dạy em những gì: con người Việt Nam ta tình nghĩa, thủy chung, tôn sư trọng đạo…Bài học ấy em đã quên sao? Bây giờ trước thầy, em đấy, nhưng sao xa lạ thế? <br />
Thày trò xưa đã nghiêng đầu <br />
Trên trang sách mới ánh màu phượng bay <br />
Nhớ xưa em vẫn chào thày <br />
Nụ cười tươi nở thắm đầy niềm tin <br />
Nhớ xưa ánh mắt em nhìn <br />
Từng như tia nắng dịu êm tim thầy <br />
Xưa với nay em như trở thành hai con người khác biệt, ngày xưa, nụ cười hồn nhiên của em, ánh mắt của em đầy niềm tin và khát vọng của em làm dịu êm trái tim của thày, làm vơi đi những lo lắng nhọc nhằn của thầy. Thời gian qua đi, tóc thầy giờ đã bạc, còn em nét thơ ngây không còn nữa. Người thầy trong bài thơ đưa ra bao nhiêu lý lẽ để bào chữa cho sự lãng quên của trò, tấm lòng của thầy bao dung biết bao: <br />
Hình như em có niềm đau <br />
Ước mơ ngày ấy tan vào thời gian? <br />
Hay là đời lắm lo toan <br />
Làm bao kỉ niệm héo tàn trong em <br />
Hay là em mải bước lên <br />
Trường xưa, lớp cũ lỡ quên lối về? <br />
Hình như em không gặp may mắn trong cuộc đời, nỗi đau làm em lãng quên quá khứ êm đềm hay những bon chen của cuộc sống đời thường làm phai những kỉ niệm trong em? Hay là em mải miết con đường công danh mà quên trường xưa lớp cũ – nơi đã chắp cánh cho những ước mơ của em? Hàng loạt câu hỏi hiện ra, ta như cảm nhận được cả nỗi niềm lo lắng của thầy đối với người học trò của mình. Thầy chỉ lo lắng thôi chứ có trách em đâu. Bởi hơn ai hết thầy hiểu những nhọc nhằn trong bước đường mưu sinh, bước đường danh vọng của con người thời hội nhập. Thầy vẫn dõi theo những bước đi của học trò mình, vẫn buồn vui cùng với trò. Âm thầm, lặng lẽ. Bốn câu cuối của bài thơ làm tôi xúc động khôn nguôi: <br />
Thì em ơi, cứ đi đi! <br />
Cầu cho thuyền ấy ngày kia đến bờ <br />
Giữa ngày em thỏa ước mơ <br />
Bên chùm hoa tặng, có thơ của thầy… <br />
Thầy không trách gì em đâu, em hãy đi cho hết con đường mà em đã chọn, cầu mong cho em thỏa ước mơ, thầy vẫn dõi theo bước em đi, vẫn mong con thuyền em cập bến, và bài thơ này sẽ như một lời chúc mừng lặng lẽ, âm thầm bên những chùm hoa rực rỡ. Tôi tin đây là những nguyện ước rất thật của thầy. Cao cả thay tấm lòng người thầy. Bài thơ cho tôi nhiều suy ngẫm. Người thầy đâu phải chỉ truyền cho các em tri thức mà còn dạy cho các em cách sống làm người, không phải chỉ bằng những lý thuyết giáo điều mà bằng chính cách hành xử của mình. Quan trọng hơn cả người thầy phải có tấm lòng nhân ái, bao dung.
Posted on Sun, 11 Sep 2011 08:45:32 +0000 at
http://forum.petalia.org/index.php?/topic/69689-th%e1%ba%a7y-tro-xa-l%e1%ba%a1/