Tác giả : Lê Ngọc Khả Nhi<br />
<br />
<br />
<br />
Thân gửi Hiền<br />
<br />
Có thể em chưa bao giờ quen biết chị Nhi, và sẽ rất bất ngờ khi nhận được thư của chị gửi cho em. Còn chị, chỉ biết Hiền qua những bài báo viết về em, chị chưa hiểu nhiều về em, và mong được gặp Hiền 1 lần, trò chuyện với em để hiểu em nhiều hơn. Chị xin lỗi Hiền vì lẽ ra nên viết thư riêng cho em, nhưng sau khi suy nghĩ kĩ thì chị thấy những gì muốn nói trong thư này cũng là chia sẻ cho bạn đọc trên diễn đàn cùng suy nghĩ với chị em mình.<br />
<br />
Hiền là một cô bé rất thông minh, đáng nể phục ! đó là lời khen chân thành của chị. Khi bằng tuổi em, chị Nhi cũng mặc áo trắng, thắt khăn đỏ như những tấm ảnh của Hiền, nhưng Khả Nhi chỉ là 1 học sinh tầm thường, học dốt môn toán, lý, lại nhút nhát, kết quả cuối học kì thường kèm theo những trận đòn roi và nhiều nước mắt. Điểm trung bình 9,7 là một điều cả đời chị không bao giờ mơ tới. <br />
<br />
Vì vậy chị Nhi thấy thương em nhiều quá. <br />
<br />
Chị Nhi thương em. Không phải vì em viết lá thư hay cho đạo diễn Trương Nghệ Mưu, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế làm vinh dự cho quê hương em, cũng không phải vì em có đam mê làm phim, mà chị Nhi cũng là người cả đời nghiện phim.<br />
<br />
Chị Nhi thương em, vì Hiền là một đứa bé ngoan, khiêm tốn và có nhiều hoài bão đẹp, có thể nói em là một hi vọng hiếm hoi cho tương lai Việt Nam, trong hàng ngàn đứa trẻ nhí nhố của thế hệ này, trong một xã hội ít nhiều chao đảo về giá trị đạo đức. <br />
<br />
Chính vì thương em, nên chị không thể nỡ lòng nào ngồi yên nhìn những điều mà người ta đang vô tình làm hại em. Chị phải nói một cái gì đó cho em, và mọi người hiểu rằng chúng ta đang vô tình đi ngược với qui luật tự nhiên, mà con đường đi chỉ có một chiều, không thể quay ngược, cũng như tuổi thơ của Hiền chỉ có một thời mà thôi. Chỉ 5 năm sau, Hiền đã là một người lớn và những sai lầm của chúng ta sợ rằng không còn kịp sửa chữa nữa.<br />
<br />
Lẽ ra chúng ta phải để mọi thứ phát triển như bản chất của nó, thay vì gán cho nó ý nghĩ chủ quan của mình. Chị Nhi đọc tất cả những bài báo nói về Hiền, và những bài báo đó làm chị lo. Vì người ta vô tình nâng Hiền lên tận mây xanh, biến em thành một ngôi sao sáng chói, và sử dụng tên tuổi, thành tích của em như một cái gì đó mang tính phong trào. <br />
<br />
Cái sai thứ nhất: Trọng danh hiệu, bằng cấp, nhưng không hiểu được giá trị tâm hồn<br />
<br />
Khi đọc bức thư của em, chị không quan tâm tới việc nó được giải hay không, chị chỉ thấy thương những suy nghĩ rất chính chắn, rất cảm thông của em dành cho những người bệnh, và đoán ra được phần nào thần tượng điện ảnh của em, cũng như khao khát được giao tiếp với ông ta, chưa kể nét chữ rất khéo mà em dành nhiều tâm huyết để nắn nót. Chị không quan tâm tới tất cả những thứ còn lại, những danh hiệu, những mỹ từ mà người ta dành cho em. <br />
<br />
Hồi còn đi học, chị dở toán và khá môn văn, nhưng bản thân chị lúc đó cảm thấy ghét môn văn,vì tại lớp cô giáo khen chị viết hay, nhưng mỗi lần thi những kì thi quan trọng nhất, như học sinh giỏi văn, tuyển sinh ban C, môn văn đều phản lại chị, chị bị điểm rất kém, và sau đó cô giáo chị nói rằng đó là vì chị viết những gì không có trong sách văn mẫu và đáp án. Từ đó chị ghét môn Văn, và ghét luôn cuộc thi UPU mà chị cho là giả tạo, cho tới ngày chị đọc được lá thư của Hiền chị thấy rất hối hận...<br />
<br />
Nếu chị có can đảm để viết những suy nghĩ thật của mình thì cuộc đời chị đã khác. Không ai nhìn ra được ý nghĩa nội tâm của bức thư Hiền đã viết, họ chỉ tung hô khen tặng em vì cái danh hiệu, như thể danh hiệu đó từ trên trời rơi xuống tay em. Hiền có thấy buồn không ? Cũng như người ta khen giáo sư Châu rất nhiều, hầu hết khen theo phong trào, ăn theo, nhưng bao nhiêu người yêu toán và hiểu ý nghĩa của môn toán trong cuộc đời này ?<br />
<br />
Cái sai thứ hai: Nhổ hoa đẹp để chưng nhưng không nghĩ cách chăm sóc hoa<br />
<br />
Hiền yêu thích làm phim và trong phim Hiền đảm nhận vai trò đạo diễn, và Hiền có tài làm phim hay, chị Nhi và tất cả anh chị khác đều yêu thích bộ phim Buổi học của Thúy. Nhưng thay vì người ta tập trung tìm hiểu nguồn cội của niềm say mê điện ảnh ở Hiền, cũng như hỗ trợ cho tài năng trẻ phát triển, như chăm sóc một bông hoa, thì người ta đã cắt bông hoa đó và mang đi trưng bày khắp nơi như một vật trang trí đẹp đẽ. Chị tìm mãi trong các bài báo, cũng không thấy một thông tin nào về sở thích phim ảnh của em, cách em xem phim và dung hòa nó với chuyện học, những đạo diễn nào Hiền yêu thích... không có một thông tin nào ngoài những lời khen, số tiền thưởng, danh hiệu. Lại một lần nữa, người ta xem hình thức quan trọng hơn nội dung, giống như bắt môt con bướm đang bay, tiêm formol rồi đem phơi khô.<br />
<br />
Chị Nhi suy nghĩ rất nhiều, và không hiểu Hiền có bao giờ nghĩ tới không ? tại sao bộ phim đó có sự góp sức của Hiền và 2 người bạn khác, bạn Kiều Thảo Vi, Võ Thị Hoàng Mỹ; nhưng tại sao chỉ có một mình tên của Hiền được đăng trên các tựa đề báo, chỉ có Hiền được khen tặng và tung hô ? Liệu những bạn ấy có buồn không ? (Trong đó có diễn viên chính). Chị Nhi tin chắc một đứa bé gái 13 tuổi không thể có tất cả mọi kĩ năng về dựng phim, ráp phim và lồng nhạc, phải có một bàn tay nâng đỡ, chỉ bảo, bàn tay đó đã không xuất hện trong những bài báo kia, chỉ còn lại một cái tên của Hiền. Hiền là một cô bé khiêm tốn và chính chắn, chắc hẳn có một lúc nào đó Hiền cũng cảm thấy khó xử và ngại ngùng khi nhìn thấy những bài viết ngày càng đi quá mức, cái Tên mình trở thành một khẩu hiệu và tất cả đẩy Hiền đến một vị trí không bình thường so với điểm khởi phát của Hiền. <br />
<br />
Hơn nữa, chị Nhi nghĩ có điều gì đó không bình thường, khi mà cuộc thi làm phim cho trẻ em ban đầu nên một sân chơi, và đối với trẻ em Nhật nó có lẽ thực sự là một sân chơi, nhưng ở Việt Nam những đứa trẻ không chơi tự nhiên, mà luôn có sự quan sát của người lớn, để khi nó chơi hay, thắng giải, như một thần đồng thì người ta sẽ bu lại, và thần đồng luôn được xúm xít bao vây khen ngợi, để rồi nó không còn là đứa trẻ nữa. <br />
<br />
Bài học của cầu thủ Văn Quyến còn đó, cũng như Trần Đăng Khoa, và những "thần đồng toán học" khác.<br />
<br />
Ngày xưa ở lớp chị, có một anh bạn học giỏi toán xuất sắc, anh ta tham dự kì thi học sinh giỏi cấp toàn quốc cho cấp 3 trong khi chỉ mới học lớp 8, anh ta thực sự là siêu nhân trong mắt ban ngành đoàn thể, được đoàn thanh niên khen thưởng cấp thành phố... nhưng ngoài tất cả những lời tung hô và giải thưởng đó không có việc làm nào khác để giúp cho anh ta học nâng cao hơn, rồi 10 năm sau, anh ta cũng tôt nghiệp cử nhân công nghệ thông tin, và công việc của anh ta là lập trình trang web, thu nhập không cao hơn những bạn bè ngày trước cùng trang lứa, không phải là thần đồng nhưng hầu hết đều đi du học, thành đạt sự nghiệp.<br />
<br />
Chúng ta hãy để mọi thứ tự nhiên phát triển, theo lẽ tự nhiên. Sự tự nhiên đó không cần những can thiệp của con người, không cần những hình thức, phong trào, danh hiệu... nhưng đa phần là tốt đẹp.<br />
<br />
Ví dụ điều tự nhiên là giáo sư Châu nhập quốc tịch Pháp gần như lập tức sau khi làm giáo sư, và Pháp chia 1/2 danh dự của giải thưởng Field, cũng thật tự nhiên, chúng ta không quên là trường Paris XI được tăng hạng cao trên thế giới một phần do công trình của anh Châu, trong khi những trường đại học của VN vẫn còn ở đâu xa lắm trong hệ thống xếp hạng đó.<br />
<br />
Nhưng theo lẽ tự nhiên, giáo sư Châu vẫnlà người VN, với tấm lòng uống nước nhớ nguồn, hướng tấm lòng về quê hương và giúp đỡ sinh viên VN hết mình (dù cho có hay không có phần thưởng một căn hộ cho anh). <br />
<br />
Cũng theo lẽ tự nhiên, những người từng được xem là nhân tài của đất nước đã dứt tình bỏ ra đi, như đạo diễn Song Chi, như diễn viên Đơn Dương. Nhưng cùng lúc đó, tổ quốc Vn lại vui mừng đón chào những tài năng điện ảnh khác, như Johnny Trí Nguyễn, như Dustin Nguyễn, Victor Vũ, trần Anh Hùng... đóng góp cho nền điện ảnh việt nam phát triển từng ngày.<br />
<br />
Tất cả đều theo lẽ tự nhiên. Mà thuận theo tự nhiên thì mọi thứ sẽ tốt lành<br />
<br />
<br />
<br />
Khi bằng tuổi em, Evgeny Igorevitch Kissin cũng mặc áo trắng, đeo khăn quàng đỏ và trình diễn một cách xuất thần bản Concerto Piano của Chopin, 20 năm sau, ông ấy đã trở thành một danh cầm nổi tiếng toàn thế giới. Hôm qua chị Nhi xem buổi trình diễn của Kissin tại Balan và tự nhiên nhớ hình ảnh chiếc khăn đỏ đó, và nhớ tới Hiền. Chị Nhi mong sao một ngày nào đó Hiền sẽ trở thành một nhà ngoại giao có tầm cỡ như ước mơ của Hiền, hoặc đơn giản là Hiền tiếp tục đam mê làm phim. Chị Nhi chúc Hiền tất cả những thành công đó, và mong là Hiền sẽ biết cách đứng vững trước những lời khen tặng mà chị Nhi cho là vô nghĩa kia, để tiếp tục đi tới, với tất cả sự khiêm nhường và trong sáng hồn nhiên của tuổi thơ Hiền đang có. Số phận sẽ mỉm cười với em.<br />
<br />
Chào thân ái<br />
<br />
Nguồn : <br />
<br />
Mã:<br />
<a href="http://www.hdvietnam.com/diendan/107-binh-luan-tu-do/155287-thu-gui-em-ho-thi-hieu-hien.html#post1762386" target="_blank">http://www.hdvietnam.com/diendan/107-bin...ost1762386</a><br />
<br />
Posted on Sun, 26 Jun 2011 06:49:05 +0000 at <a href="http://thuthuataccess.co.cc" target="_blank">http://thiamlau.com/forum/thread-645-post-7636.html#pid7636</a>
Posted on Sun, 26 Jun 2011 14:34:07 +0000 at
/forum/showthread.php?tid=16357