Lời nói dối ngọt ngào<br />
Tin nhắn: "Cuối năm 1973 nhà ga có nhận được một bé gái chừng bốn tháng tuổi tại phòng chờ nhà ga. Ai biết tin tức gì về nguồn gốc bé gái, mong vui lòng liên hệ với Đỗ Thị Tuyết Mai, số điện thoại 0915340... Xin chân thành cảm tạ những tấm lòng nhân ái giúp đỡ".<br />
1.Mười lăm năm trước, tin nhắn ấy được viết trên tấm bảng sắt nhỏ sơn trắng, chữ đỏ, treo tại phòng chờ cũ kỹ của cái ga xép quen thuộc này. Tôi nhớ như in khi đọc những dòng chữ đó, mắt tôi đã nhòa đi vì choáng váng.<br />
Đỗ Thị Tuyết Mai. Đúng, cô bé tên là thế. Tôi thường vài năm mới về thăm mộ các cụ tổ quê ngoại. Xuống cái ga xép rồi còn phải đi ba chục cây số xe khách, thêm hai cây số đường quê mới về đến làng. Lạy các cụ, đến đời sau khéo con cháu chỉ bái vọng những dịp giỗ chạp, chắc đâu chúng lặn lội được tới tận bản quán như tôi. <br />
Lần đầu tiên cuối năm bảy sáu, tôi nhớ rất rõ, khi đất nước mới hòa bình, tôi từ chiến trường B ra, lòng rưng rưng sung sướng, tôi quyết tâm lên tàu đi tạ mộ các cụ tổ ở quê ngoại. Hình như cuộc đời phóng viên chiến trường bom đạn liên miên, tôi luôn được một bà tổ cô linh thiêng che chở. Đấy là điều một ông bạn sử học kiêm tâm linh học có lần bảo cho tôi biết. Thế tất phải thắp hương trước mộ bà tổ cô tạ ơn. <br />
Trời rét cắt ruột. Chưa xuống tới ga, tôi bỗng trúng gió, ngây ngất. Người ta dìu tôi vào ngồi nghỉ tại cái phòng chờ này. Không thể gượng ra bến xe ôtô cạnh đó được, tôi bất lực ngả lưng trên tấm ghế dài nhà ga. Ai đó xoa dầu cho tôi. Rồi một phụ nữ nhỏ nhắn mặc đồng phục, đưa tôi về ngôi nhà tập thể của nhân viên nhà ga, nơi chị ở. <br />
- Bây giờ trưa rồi. Tôi nấu bát cháo tía tô giải cảm cho chị, đỡ chút hãy về quê, chẳng việc gì phải vội.<br />
Tôi cảm động nhận lời. Chị tên Thanh, làm tại ga này đã lâu. Hỏi ra chúng tôi cùng tuổi, cùng chưa chồng con. Bởi vậy tôi không dám hỏi kỹ về cháu bé gái khoảng ba tuổi chị đang bế ẵm hôn hít trên tay. Thiếu gì hoàn cảnh không chồng, nhỡ nhàng.<br />
Bát cháo giải cảm với mấy viên thuốc trong balô khiến tôi tỉnh ra. Ngồi uống nước với Thanh, tôi vui miệng động viên chị:<br />
- Con gái tuổi Dần chúng mình muộn đường tình duyên có khi lại may đấy. Nhưng chị còn hơn tôi, có con bé này làm vui. Nghề viết báo lang thang của tôi muốn có con cũng phải tính toán lên kế hoạch.<br />
Chị đỏ ửng hai má. Cứ ngỡ động chạm điều gì thiếu tế nhị làm Thanh ngượng. Nhưng không phải.<br />
- Nó là hạnh phúc tình cờ rơi vào tay tôi ba năm trước, chứ có phải tôi đẻ được đâu. Cũng những ngày giá rét như bữa nay, nó bị bỏ rơi tại phòng chờ nhà ga. Mãi khi nó đói sữa khóc ngằn ngặt mọi người mới biết. Thế là tôi xin nuôi cháu. Ôi chao, cục vàng của tôi đấy.<br />
Tôi sửng sốt.<br />
- Tôi lại ngỡ...<br />
- Ngỡ tôi trót dại với ông nào ư? Người không quen biết ai cũng nghĩ thế đấy. Nào phải vậy... Tội nghiệp, nó được quấn ngoài một tấm áo nữ màu bộ đội chị ạ. Trên miếng túi áo có thêu hai chữ T lồng nhau. Tôi giữ cái áo ấy rất cẩn thận để sau này may ra mẹ cháu có điều kiện tìm nhận được cháu. Vả lại con bé còn một cái bớt đỏ bên cạnh rốn là dấu vết riêng, không lẫn vào đâu được.<br />
Chuyện qua đường rồi tôi cũng quên. Hơn chục năm sau lại về quê, tôi chợt nhớ hỏi thăm Thanh mới hay tin chị ốm nặng. Chị vẫn không lấy chồng.<br />
Rẽ vào ngôi nhà có sửa sang chút ít, tôi gần như không nhận ra người đàn bà gầy hốc hác nằm trên giường bệnh. <br />
- Bệnh gì ra nông nỗi thế này Thanh ơi ? Chị nhớ Toàn đây không?<br />
Thanh rất mệt nhưng giọng vẫn tỉnh táo lạ thường.<br />
- Sao lại không nhớ. Mình đang có ý định tìm địa chỉ của Toàn viết thư nhờ cậy một chuyện. Hóa ra thiêng thật...<br />
Bằng giọng đứt quãng, chị thổ lộ với tôi cái nguyện vọng sâu kín bấy lâu nung nấu trong lòng. Chị mong mỏi con chị tìm được mẹ nó. Ngày ngày đi làm ngoài ga, chị thường đặt bé Mai ngồi chơi trên cái ghế dài, đúng nơi xưa kia người ta nhặt được nó. Chị hy vọng người mẹ nào rồi cũng có ngày phải ngơ ngẩn thương nhớ tìm tới chốn ấy. <br />
Nhưng canh chừng mãi không thấy ai, đành thôi. Con bé cứ thế lớn lên trong sự ấp ủ của chị. Giờ nó mới học xong Trung cấp cơ khí. Vừa lúc chị bệnh nặng. Chị bị ung thư phổi giai đoạn cuối, bệnh viện trả về.<br />
- Toàn ơi, chị là nhà báo, chị có cách gì san sẻ nỗi khắc khoải trong lòng con bé không? Hay chị cứ bịa ra một chuyện gì đó an ủi nó đôi chút. Tội lắm chị ạ. Nó mặc cảm bị mẹ bỏ rơi đến mức không dám trò chuyện quen biết một thanh niên nào cả. Khéo rồi cũng đến cảnh cô quạnh như mình thôi. <br />
Lần ấy tôi không gặp Mai. Cô bé đi kiếm cây hoàng cung trinh nữ về sắc cho mẹ uống. Tôi chỉ thấy tấm ảnh nhỏ treo trên tường, cô bé ra dáng một thiếu nữ hiền dịu.<br />
2. Và đây là chuyện kể của Tuyết Mai:<br />
Mẹ nuôi tôi chết ít năm thì bác Toàn tìm tới nhà. Bác bảo cũng do mấy dòng tin nhắn mà bác liên lạc được. Bác làm phóng viên, từng lăn lộn ngoài chiến trường. Bác kể rằng bác biết mẹ tôi. Mẹ tên Thanh Thúy, nữ thanh niên xung phong nơi bác đã đến cung đường gặp gỡ lấy tài liệu. Bố là bộ đội lái xe tải qua lại trên cung đường mẹ tôi nhiều lần. Họ yêu nhau tha thiết và mẹ có mang tôi. Toàn tiểu đội nữ cung đường ấy rất thương, che giấu cho mẹ như che giấu một lỗi lầm của chính mình. Nhưng chiến sự ác liệt đến nỗi họ phải gửi mẹ về hậu phương sinh nở, để sau này mẹ tròn con vuông xong xuôi sẽ trở lại. <br />
Giữ con nhỏ mẹ sẽ phải đào ngũ. Không thể như thế được. Bác Toàn kể rằng chính bác khuyên mẹ nên về cái ga xép này gửi tôi lại. Mẹ đành nước mắt như mưa nghe theo bác Toàn. Đây là quê ngoại bác, sau này có dịp bác hứa sẽ giúp mẹ con tìm nhau.<br />
Sau đó ít lâu bác biết tin mẹ tôi cùng những cô gái trên cung đường Trường Sơn ấy đã hy sinh cả. Bố tôi chắc hẳn hy sinh trước mẹ. Bác quyết định để tôi sống yên vui bên mẹ Thanh, nếu như không có mấy dòng tin nhắn. <br />
Tôi không thể nghi ngờ gì. Bác biết hai chữ T trên túi áo mẹ bọc tôi, biết cả cái nốt đỏ ở bụng, là những điều mẹ Thanh với tôi giấu kín. Tôi nhớ khi bác nói ra những điều đó, tôi khóc muốn ngất, khóc thỏa thuê, vừa đớn đau vừa hạnh phúc.<br />
Tôi lấy chồng, bác Toàn đứng ra thay mặt mẹ tôi. Bác kể cho gia đình chồng tôi biết rõ hoàn cảnh của mẹ Thúy, người nữ thanh niên xung phong đã hy sinh cho đất nước. Tôi tự hào và rất ơn bác. Tôi rưng rưng khi thấy bác tần ngần đứng trước ban thờ, nơi tôi đặt ảnh mẹ Thanh một bên, bên kia đặt khung kính lồng mảnh túi áo màu cỏ úa có hai chữ T thêu lồng, thay cho ảnh thờ mẹ Thúy.<br />
Chuyện đã tưởng lặng sóng. Nhưng đột ngột chú em trai đích thực của tôi xuất hiện vào một ngày không ngờ. Vừa gặp nhau chú đã ôm chầm lấy tôi, chết lặng không nói nên lời. Có lẽ nào như thế cho được? Tôi hoang mang phải mất hàng tháng trời mới bình tĩnh được. Bác Toàn đã nói dối tôi sao?<br />
Đương nhiên mẹ đẻ tôi, mẹ Hân cũng là một nữ thanh niên xung phong, bị bom vùi chấn thương não đến mức tâm thần phải giải ngũ về hậu phương. Mẹ lúc tỉnh lúc mê, được gia đình người bác họ cưu mang. Nhưng mẹ còn đẹp lắm. Năm bảy hai, giữa lúc Mỹ đánh ác liệt mẹ làm đám cưới với một thương binh. Vừa sinh tôi ít tháng, bệnh tâm thần tái phát, đang đêm mẹ bế tôi đi, lang thang bỏ lại ở nhà ga này, không hề nhớ tí gì nữa. Sau mẹ đi tìm khốn khổ mà không thấy. Đến năm sau sinh đứa con trai được một tuổi thì cả bố lẫn mẹ tôi lần lượt theo nhau qua đời.<br />
Bao năm nay chú em tôi chọn nghề chạy xe đường dài, có ý nghe ngóng tin tức về tôi. Trời dun dủi chị em tôi tìm ra nhau cũng nhờ có bảng tin nhắn do một người khách vui miệng kể lại. <br />
Dù chúng tôi giống nhau như hai giọt nước, nhưng để chắc dạ, tôi đã ngấm ngầm tìm cách đi thử máu của hai chị em. Chả có gì khó, với kỹ thuật hiện đại, mấy sợi tóc em tôi chải đầu khắc xong. Hoàn toàn trùng khớp.<br />
Tôi không hề lộ chuyện với bác Toàn. Có thể ở đâu đó vẫn có một cô bé con mẹ Thúy. Nhưng tôi muốn giữ cho lòng bác Toàn được thanh thản khi nhớ lại quãng đời bom đạn chiến trường. Dạo này bác yếu lắm rồi. Hãy để bác vui khi nghĩ đã trả được mẹ Thúy cho tôi. Còn tôi, tôi thầm hứa sẽ cố tìm ra người con của mẹ Thúy đích thực, chừng nào chưa nhắm mắt. Hơn ai hết tôi hiểu nỗi khát khao cháy bỏng tìm về cội nguồn của những đứa trẻ bất hạnh. <br />
Lại đến những ngày cuối năm. Tôi gọi điện cho bác Toàn: "Bà ngoại ơi, cái Mai con mẹ Thúy đây ạ. Cháu bé cứ nhắc bà ngoại luôn miệng. Tết này con sẽ cố thu xếp đưa cháu lên Hà Nội thăm bà ngoại mới được...."
Posted on Tue, 22 Feb 2011 01:27:18 +0000 at
/forum/showthread.php?tid=11027