Ngày cưới tôi, mưa không nhiều, nhỏ và mịn.<br />
Đấy là điều may; sách số nói thế và giáo sư Trần, bạn bố tôi cũng nói thế. Tôi lấy chồng, không ngỡ ngàng, không yêu cũng không ghét. Chồng tôi hiền lành nói được chút chút tiếng Việt. Mọi người thường cười những câu bập bẹ của chồng tôi, nhưng là cười yêu. Hôm chồng tôi nói với giáo sư Trần muốn được là "tử sĩ", để luyện thêm tiếng Việt, giáo sư cười rung mớ tóc bạc: "Anh Isêkura này, người Việt khi gọi những kẻ có học luyện thi là sĩ tử. Còn như anh nói, anh sẽ thành "I-sê-thây-ma". Suốt một năm trước ngày cưới, chồng tôi là sếp nhất của tôi. Chờ một ngày văn phòng nhiều người nghỉ phép, vị đại diện trưởng quỳ xuống vừa tỏ tình vừa cầu hôn khi tôi đang ngồi soạn thảo văn bản trước màn hình computer: "Anh đã muốn yêu em. Sẽ cưới anh nhiều nhé". Tôi không phải là tiểu thư Natasa nên không thấy hồi hộp trước phiên bản có lối tư thế của công tước André. Để cho giống tiểu thuyết, tôi ngước nhìn trần hai phút nhè nhẹ gật đầu. Khi biết tin, bố mẹ tôi đều tăng huyết áp. Hạnh phúc là doping. Tôi bước ra khỏi khách sạn trên tấm thảm nhung xanh chạy suốt bậc tam cấp đến cánh cửa chiếc Toyota trắng sữa viền hoa hồng đỏ. Mưa dịu đẫm một bên voan. Những người thân của tôi ngây ngất mùi Henessy và Champagne đứng một hàng dài trong mái hiên rộng. Lúc này ông cậu tôi phó tổng giám đốc Ngân hàng công thương, đến gần hỏi nhỏ về tiền lương của chồng tôi. Hạnh phúc đơn giản là giàu sang. Chồng tôi gập người chào quan khách, vòng bụng làm tư thế đôi phần khiếm nhã. Tôi bâng quơ nhìn qua đường và chợt rùng mình, không phải vì lạnh, tôi đã thấy anh rồi. Có ai đấy mở hộ cửa xe hoa, tôi vội vã chui vào, kệ cậu thợ ảnh đang gào lên đòi chụp một kiểu ảnh đã dặn trước "ngập ngừng lần cuối". Chồng tôi âu yếm ngồi cạnh tôi, vẻ mặt vẫn chưa hết thích thú trước những tập tục của một truyền thống văn hóa lạ. Tôi đăm đăm nhìn qua cửa kính mờ đục anh vẫn đứng rũ rượi bên gốc sấu già và mớ tóc lõa xõa bết nước mưa. Tôi và anh yêu nhau đã dài, có thể nói dài nhất trong các cuộc tình của tôi. "Về đi anh". Lần cuối gặp nhau tôi cũng nói vậy.<br />
<br />
"Em không yêu anh nữa sao".<br />
<br />
"Không hẳn thế"<br />
<br />
Anh bỏ cái bút vẽ, run run châm điếu thuốc. Anh cũng run run khi nói chuyện với bố mẹ tôi, nghề nghiệp của anh, bố mẹ tôi nặng đầy ác cảm.<br />
<br />
"Con yêu cái thằng ấy thật à".<br />
<br />
Mẹ tôi vừa kẻ mắt vừa hỏi. Tôi không trả lời, hơi thấy khó chịu. Ở tuổi ngoài bốn mươi, người ta không nên đánh phấn son quá dày. Mẹ tôi đang theo học một "cua" nhảy đầm, bố tôi bật đèn xanh. Vị trí công tác của bố tôi hay phải dự những bữa tiệc chiêu đãi các quý phu nhân đành tuân thủ nguyên tắc "phi khiêu vũ bất thành lady". Bố tôi sùng đồ ngoại nhưng lại dạy tôi thâm thuý bằng câu ca dao nội: "Lấy chồng cho đáng tấm chồng. Bõ công trang điểm má hồng răng đen". Lấy chồng là một đề tài triền miên quấy rầy phụ nữ. Nó cũng giống như đàn ông bị ám ảnh bởi công danh sự nghiệp. Thế nhưng, muốn đạt được danh hay lợi, người ta có thể đê tiện, không hiểu lấy chồng có làm thế được không. Xe hoa bắt đầu chạy chầm chậm. Giây phút rưng rưng của một đời con gái. Tôi vô cảm. Chồng tôi hôn lên tóc tôi âu yếm, đưa tay xoa nhẹ bụng tôi. Sau lần đi Đà Lạt nửa công tác nửa đi chơi. Tôi có bầu. Tôi thông báo ngắn gọn bằng tiếng Anh cho người cùng đi, vẻ mặt vị trưởng đại diện văn phòng thương mại đẫm đầy hạnh phúc. Tôi không thở dài vì tôi đã biết nhiều. Chồng tôi bốn mươi tư tuổi lẻ ba tháng, sáu năm luôn khao khát baby. Đã hai lần li dị, một lần được lời chín mươi tám ngàn "đô" và một lần bị lầm bị thiệt cỡ ngần ấy. Đầu tư rất nghiêm túc vào hôn nhân mà vẫn không sao tạo dựng được thế hệ sau. Chồng tôi đam mê trẻ con một cách bệnh tật. Cả khoảng dài của thiếu thời chồng tôi ở Cô nhi viện: Nói theo Phân tâm học, đấy có thể là một ẩn ức ngầm. Giáo sư Trần lý giải, những người Á Đông đa phần chịu ảnh hưởng của Nho giáo từ sâu thẳm vô thức. Mạnh Tử dạy "tam đại bất hiếu vô hậu vi đại nghĩa" là không con tội to lắm. Tôi khó chịu nhiều cái cách ăn nói của nhà Nho, hóa ra phụ nữ chỉ là máy đẻ. Giáo sư Trần cười, giải thích sự dị biệt của các quan điểm nhận thức xã hội xuyên dọc thời gian. Đàn bà từ Đông sang Tây chưa cần kể đến trinh nữ tiết phụ mà ngay cả dâm phụ lăng loàn đều coi chuyện chồng con là quan trọng. Giáo sư Trần thôi không nghịch tóc tôi, nói nghiêm túc "Em sẽ là một bà mẹ tốt". Tôi không biết, tôi không thấy mình thay đổi gì nhiều từ lúc có bầu. Có lẽ tôi chưa kịp yêu con tôi vì tôi chưa kịp chuẩn bị làm mẹ.<br />
<br />
Tôi giật mình ra khỏi vẩn vơ. Ngã tư chiều mưa đèn đỏ không người. Tôi nói với bố mẹ không cho ai đi theo đưa dâu, mọi thủ tục làm trọn vẹn ở khách sạn. Qua gương chiếu hậu tôi thấy cái xe "cuốc", với dáng lêu nghêu quen thuộc. Anh vẫn chưa chịu về, chẳng nhẽ anh mệt mỏi đến vậy sao. Anh nói yêu tôi chắc vì tôi đẹp. Còn tôi, tôi có yêu anh không. Có một hồi anh thích vẽ tranh khoả thân, cô bé người mẫu nhiều nét tròn mê anh lắm. Tôi không ghen. Tôi hồn nhiên lần cuối cùng vào chừng giữa năm lớp mười trung học. Tôi và mẹ bắt gặpbố tôi ở chung phòng với một người đàn bà lạ. Mẹ tôi chưa kịp lu loa, bố tôi đã vứt ra một xấp ảnh có mẹ tôi đang ôm một người đàn ông khác. Cho đến giờ tôi chẳng còn tin vào bất cứ cái gì. Tình yêu, tình mẫu tử, tình bằng hữu. Những khái niệm sang trọng và chỉ thuần túy sang trọng. Mọi chuyện cũng chẳng thiêng liêng, cũng chẳng nhảm nhí. Tôi có yêu anh không. Vẻ hoang dã nghệ sĩ của anh an ủi tôi vào đúng thời điểm buồn chán nhất. Anh vẽ nhiều nhưng thiếu một điều căn bản, tài năng. Anh trót học mỹ thuật và phải hành nghề nghệ thuật. Xã hội ngây thơ thường thích gọi sinh viên tốt nghiệp trường Yết Kiêu là họa sĩ. Tranh của anh vặn vẹo, một thứ uốn éo làm dáng. Đấy không phải là nhận xét của tôi mà của nhiều đồng nghiệp cùng trường anh. Nhưng anh không nản, vẫn hăm hở vẽ. Anh tin chắc một điều xung quanh sự cô đơn của thiên tài bao giờ cũng đầy rẫy sự ghen tị bất tài. Con người kể cũng buồn cười. Đàn bà cố nghĩ mình là đẹp. Trí thức cố chứng tỏ là uyên bác. Nghệ sĩ sợ bị coi là bất tài. Tôi bảo anh, anh phải kiếm tiền, có tiền nguời ta sẽ nghĩ về anh khác. Anh khinh bạc "tiền là cái gì". Tôi hỏi lại giáo sư Trần, giáo sư nói đơn giản nhưng tôi nghĩ là đúng. Tiền là phương tiện tốt nhất để đưa đến hạnh phúc.<br />
<br />
Một thời gian dài, đối với tôi, giáo sư Trần là thần tượng. Mái tóc muối tiêu dài vừa đủ bồng bềnh quanh vầng trán rộng. Kiến thức tuyệt vời và năng khiếu ngoại ngữ tuyệt vời. Giáo sư làm đau lòng các cô gái mới lớn và làm hài lòng các nàng quả phụ có tiền. Giáo sư là bạn của bố tôi và sau đó là người tình của mẹ tôi. Tôi hết "sốc" rồi. "Hỡi ơi, tôi không bao giờ được trẻ. Khi tôi trẻ, tôi đã già một nghìn tuổi hơn tất cả những người già". Không hiểu Nietzche hay Kafka đã nói vậy. Tôi không còn thiếu nữ năm tôi học dở lớp mười hai và lúc tôi tốt nghiệp đại học, tôi tốt nghiệp về nhiều mặt. Các bạn gái cùng lớp của tôi nhiều người phải giấu, phải che. Biết sao được. Không ít những ông bố, bà mẹ về già mới chịu đứng đắn nổi cơn dị ứng khi thấy phong hóa suy đồi. Báo Tiền Phong trong hàng chục số liên tiếp mở diễn đàn cho thanh niên nam nữ tranh cãi về chữ trinh. Tham gia hăng hái nhất là những phụ nữ ế chồng. Tôi yêu đàn ông hơn đàn bà, tất nhiên là những đàn ông thông minh. Tôi vò mớ tóc bạc của giáo sư, nũng nịu hỏi:<br />
<br />
"Anh có thấy vấn đề gì về đạo đức không"<br />
<br />
"Em đáng sợ lắm"<br />
<br />
"Anh ngại mọi người biết à".<br />
<br />
"Nếu mọi người biết, anh sẽ nổi tiếng như ông già Goethe".<br />
<br />
Tôi là thư ký cho giáo sư. Quan hệ giữa chúng tôi thỏa thuận là bí mật. Những người có học hay ở chỗ luôn có đủ chữ nghĩa để biện minh cho các hành vi của mình. Hồi yêu tôi - cứ cho là như vậy, Giáo sư viết một loạt bài khảo cứu rất sâu sắc về tâm thức người Việt. Tình yêu không những là động lực của thi ca mà còn là động lực của khoa học. Trong ngành dọc của mình, giáo sư Trần nổi tiếng là người có nhiều ý kiến. Đương nhiên có vài trùng lặp kể cả ý người khác. Tôi thích trí thức hơn nghệ sĩ, đặc biệt là những nhà nghiên cứu khoa học xã hội, họ vay mượn nhưng sáng tạo. Giáo sư Trần nói:<br />
<br />
"Sự trung thực cực đoan không có chỗ đứng trong khoa học. Em đọc nhiều nhưng đừng nên tin sách".<br />
<br />
"Thế có nghĩa tất cả chỉ là giả dối".<br />
<br />
"Anh không biết"<br />
<br />
Tôi tò mò nhìn giáo sư. Câu trả lời phảng phất của một công án Thiền. Ngộ tính của tôi thấp, tôi chưa đạt đến cảnh giới của sự biết. Hồi ấy, có lẽ tôi yêu sự uyên bác bàng bạc khó hiểu ở giáo sư. Tuy nhiên, tôi tin giáo sư thật thà vì đa phần khi bàn về học thuật cả hai chúng tôi đều nằm trên giường không mặc quần áo gì cả.<br />
Chồng tôi bắt đầu hút thuốc, loại Dulhill đỏ. Mùi khói nặng làm tôi tỉnh táo. Mưa có vẻ dày hạt hớn.<br />
<br />
Chúng tôi sẽ về cái villa nhỏ chồng tôi mới thuê ở sát mép hồ Trúc Bạch. Tôi hồi hộp quay lại đằng sau. Một sự mơ hồ rất lạ nào đó kích động. Vẫn thấy anh cái xe "cuốc" láo đáo đi sau với một khoảng cách nhất định. Anh ấy yêu mình, anh ấy thực sự yêu mình. Tại sao tôi lại không tin vào điều ấy ở sâu trong tôi rung rinh xanh non như cái thuở đi học be bé vẫn thường tin trong mỗi quả thị đều có cô Tấm. Trước hôm đi Đà Lạt, tôi qua nhà anh. Căn phòng nhỏ trên gác hai bừa bộn những tranh dang dở "Em sẽ lấy chồng vào cuối thu". Anh lặng người cầm tay tôi. Bản "Hạ trắng" tha thiết với kèn saxphone từ cái cassette đặt chênh vênh trên nóc tủ. Anh nấc khe khẽ rồi òa khóc. Tôi rút gói Dulhill châm bâng quơ một điếu cố không nhả khói. Anh yếu đuối quá "Người ấy chắc là nhiều tiền". Giọng anh khàn khàn.<br />
<br />
"Chồng em là người nước ngoài".<br />
<br />
Anh đột ngột hôn tôi, vòng tay hầm hầm níu kéo. Cũng như nhiều người đàn ông người yêu tôi vẫn có kiểu ham muốn ấy. Tôi gỡ nhẹ tay anh, sự vớt vát làm tôi ghê. Khi yêu, người ta đều mong muốn trinh bạch. Tôi không còn và cái số của tôi mãi mãi không được gặp. Nhưng hôm nay tôi hi vọng là ngày hạnh phúc.<br />
<br />
Đến đầu đường Thanh Niên, xe hoa đi nhanh hơn. Tôi hạ cửa kính xe, mưa bay ngược đầm đậm tạt. Tôi ngoái hẳn người, không còn thấy anh nữa. Tôi rưng rưng buồn. Xe hoa dừng trước ngôi nhà hai tầng xinh xắn quét vôi màu be nhạt. Tôi cởi voan, chồng tôi mở cửa xe. Tôi đã có gia đình, hôn nhân không hẳn là hạnh phúc. Chợt nhiên tôi bảo: "Em phải quay về nhà". Chồng tôi ngạc nhiên. Tôi giải thích tập tục nghìn đời của người Việt, con gái sau khi đón dâu bắt buộc phải về một mình chào bố mẹ. Chồng tôi chiều và tin tôi. Tôi đưa chồng tôi bó hoa cưới và nói sẽ đi chừng ba chục phút. Chồng tôi vội vã chạy ra bảo cậu lái xe, cái Toyota trắng sữa chạy chầm chậm quay lại con đường chúng tôi vừa đi.<br />
<br />
Mặt Hồ Tây sóng sánh màu sáng mặc dù trời vẫn nặng mây. Tôi thấy nhớ anh, tha thiết nhớ. Hạnh phúc là tình yêu. Xe đi dọc Thụy Khuê đỗ trước cửa nhà anh. Tôi rút tờ năm mươi "đô" đưa cậu lái xe dặn ngồi chờ. Cái cầu thang lên căn phòng gác hai quen thuộc ẩm ướt rêu. Tôi không gõ cửa, luồn tay qua lỗ nhỏ hất then như bao lần tôi đã từng mở. Người yêu của tôi không ở một mình. Tôi cắn môi. Trong quả thị vẫn chỉ là hột thị. Chàng họa sĩ của tôi đang gục đầu vào lòng cô người mẫu có nhiều nét tròn. Anh ngẩng khuôn mặt bết nước mưa hay nước mắt ngơ ngác nhìn tôi. Tôi bước xuống cầu thang từng bước một. Trời vẩn gió sũng đầy hạt nước. Hình như ngày cưới của ai cũng có mưa.<br />
<br />
<br />
end
Posted on Thu, 17 Feb 2011 08:46:27 +0000 at
/forum/showthread.php?tid=10732