Tú !Tú ! Phải Tú không? Có tiếng gọi giật giọng từ quầy bán đồ trang sức chợ Bến Thành, tôi ngỡ ngàng quay lai : <br />
- Ơ kìa, Vân ! Làm gì ở đây thế này? Đi với ai đấy ?<br />
<br />
- Đi một mình thôi, ra ngoài kia nói chuyện.<br />
<br />
Mời Vân ra quán cà phê gần đó, muốn ngồi xuống cạnh Vân nhưng không hiểu sao tôi lại kéo ghế ngồi đối diện. Vẫn chưa hết bàng hoàng. Cuộc gặp bất ngờ sau hơn 30 năm trời cách biệt làm tôi gần như choáng váng. Có phải Vân bằng xương, bằng thịt đây không? Có phải là người con gái mà hình ảnh còn đeo đẳng trong tim tôi mấy chục năm ròng và tôi ước ao gặp lại trong đời dù chỉ một lần đây không ?<br />
<br />
Trong khi tôi còn đang luống cuống khoắng mãi ly cà phê thì đột nhiên Vân lên tiếng trước:<br />
<br />
- Thế nào, dạo này còn hay làm thơ không<br />
<br />
- Xin chờ cho một phút<br />
<br />
Tôi trả lời rồi rút bao thuốc, lấy ra một điều. Để Vân ngồi lại một mình, tôi rít từng hơi thuốc dài và đi bách bộ quanh góc quán .<br />
<br />
- Xong rồi, Vân nghe thử nhé:<br />
<br />
“ Mấy chục năm trời lạc bước nhau<br />
<br />
Tóc xanh nay đã bạc còn đâu<br />
<br />
Gặp nhau trên bước đường lưu lạc<br />
<br />
Vẫn xốn xang như thủa ban đầu….”<br />
<br />
Nghe tôi đọc xong , Vân ngoảnh mặt quay đi, cố giấu cặp mắt đã ngân ngấn nước.<br />
<br />
Và rồi cả một quá khứ ngày xưa cứ hiện về trong tôi như một cuốn phim quay chậm…..<br />
… Quê tôi là vùng đất thuốc lào Vĩnh Bảo, Hải phòng. Nhà tôi nghèo, vậy mà tôi lại học rất giỏi, giỏi cả văn lẫn toán nên được rất nhiều bạn gái cảm tình. Tôi dửng dưng với những tình cảm ấy vì tôi đã thầm yêu một cô bạn cùng lớp tên Vân, con một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Người Vân nhỏ nhắn, hay mặc chiếc quần lụa với chiếc áo màu xanh lơ, cổ tròn kiểu lá sen.<br />
<br />
Vân học giỏi văn nhưng toán thì học kém nên thường nhờ tôi giảng bài cho. Ôi, nhớ sao những buổi học nhóm cùng Vân dưới ánh đèn dầu. Chúng tôi thẩm yêu nhau. Tôi không tỏ tình với Vân nhưng bàn tay nhỏ nhắn mà Vân để nguyên trong tay tôi trong một lần ngồi cạnh nhau đã nói lên tất cả. Tình yêu học trò như tờ giấy trắng. Không một nụ hôn, không một vòng tay ôm thắm thiết. Không gọi nhau bằng anh, em mà chỉ xưng tên hay nói trống không. Tất cả chỉ là những ánh mắt trao nhau giữa giờ ra chơi và những cái nắm tay rất vội….<br />
<br />
Thế rôi xảy ra một chuyện hiểu lầm. Tôi ghen dữ dội với một anh bạn cùng trường nhưng hơn tôi một lớp. Tôi lánh mặt Vân cả tuần. Và sau một lần thấy Vân nâng niu cuốn sách mà anh ta cho mượn thì tôi không chịu đựng thêm được nữa. Không cho Vân có cơ hội thanh minh, tôi viết cho Vân một lá thư với những lời lẽ rất nặng nề rồi bỏ vào ngăn bàn Vân trong lúc ra chơi.<br />
<br />
Hôm sau tới lớp, Vân giúi vào tay tôi một phong thư rồi quay bước bỏ đi không nói một lời. Cái gì thế này? Đó chính là bức thư của tôi, nhưng bây giờ có hai gạch chéo từ đầu tới cuối trang. Bên dưới lá thư Vân chỉ ghi hai chữ: ĐỒ ĐIÊN<br />
<br />
Tôi đau đến lặng người đi. Thật không ngờ một cô gái dễ thương mảnh mai và yếu đuối nhường kia lại có thể làm tôi tan nát cả cõi lòng. Đúng là “em đã xé lòng non cùng giấy mới, Mây trời hôm ấy phủ sơn khê” ( Thơ Xuân Diệu ).<br />
<br />
Chúng tôi giận nhau thực sự. Ngày tôi lên đường nhập ngũ Vân cũng không ra gặp riêng tôi mà chỉ đứng lẫn vào đám bạn bè cùng lớp. Trong bộ áo lính hơi rộng, tôi trông chững chạc hẳn lên nhưng không ai hiểu được nỗi lòng tôi lúc đó. Tôi muốn gào to tên Vân để mà xin lỗi, để lại được nắm bàn tay nhỏ bé của Vân nhưng đã quá muộn rồi. Đoàn xe chở tân binh dần lăn bánh, tôi cố ngoái lại tìm kiếm một ánh mắt hay một cánh tay vẫy của Vân mà không thấy.<br />
<br />
Rồi chiến tranh cũng qua đi. Tháng 8/1977 khi tôi xuất ngũ trở lại quê hương thì bạn bè tôi đã thoát ly gần hết. Người thì vào Đại học, người đi trung cấp, có đứa đi làm công nhân gang thép trên tận Thái Nguyên. Cuộc sống thời bao cấp khó khăn lắm, tất cả mọi người đều tất tả với cuộc mưu sinh nên khó mà tìm được một người để chia sẻ tâm trạng với mình.<br />
<br />
Vân đã theo gia đình vào Nam từ hơn năm trước, cũng không ai biết Vân ở phương nào. Một bữa lang thang vào trường cũ thì gặp được Lanh, bạn cũ của Vân và Lanh cho biết là tôi đã ghen nhầm. Anh bạn cùng trường ngày xưa là người bạn của chị Vân chứ Vân với anh ta không có chuyện gì. Nghe xong tôi đau lắm, vừa giận mình và giận cả Vân nữa. Sao chúng tôi không nghe nhau nói một lời? Ôi cái kiêu hãnh ngây thơ của tuổi học trò. Nó có thể làm ta đứng dậy từ một nỗi đau nhưng cũng có thể vì nó mà đời ta lại rẽ sang hướng khác. Vân bây giờ ở nơi đâu , ước sao gặp lại Vân dù chỉ một lần để nói lời xin lỗi, dẫu cho có muộn màng…<br />
<br />
Tôi thi vào đai học, có vợ con và cùng gia đình chuyển vào Vũng tàu sinh sống. Tôi vẫn mơ có một ngày được gặp lại Vân nhưng rồi vẫn bóng chim tăm cá… Và những chiều se lạnh dịp Noel nơi xa xứ tôi lại ngậm ngùi nhớ về mùa đông của mấy chục năm xưa khi tôi cùng Vân chụm đầu học chung dưới ánh đèn dầu với những cái nắm tay rất vội…<br />
- Nghĩ gì mà bần thần cả người ra thế?<br />
<br />
Giọng Vân vang lên kéo tôi về thực tại.<br />
<br />
Chúng tôi ngồi với nhau suốt cả buổi chiều. Những lời giải thích, những lời xin lỗi, cả những câu trách móc, giận hờn…<br />
<br />
Vân giờ đây đã yên bề gia thất với một ông chồng và hai cô con gái lớn, nhưng sao tôi vẫn thấy Vân nhỏ bé như những ngày nào. Vẫn là Vân với chiếc quần lụa đen, cái áo màu xanh lơ cổ kiểu lá sen với cặp mắt lá dăm lúng liếng. Vân bây giờ thật gần nhưng cũng thật xa vì Vân đã thuộc về người. Mượn ý thơ của nhà thơ TẾ HANH “Em gần gũi, em xa xôi, sao em như thể chân tời trước anh..” , trong tôi chợt nảy ra ý thơ để tả tâm trạng của mình:<br />
<br />
“ Dịu dàng như một làn mây tím<br />
<br />
Em thật gần mà thật xa xôi''<br />
<br />
Vân đã không thuộc về tôi nhưng tôi vẫn thấy ấm lòng khi nghe những lời tâm sự của Vân, khi biết rằng Vân cũng ân hận vì những khờ dại năm xưa và cũng đau đáu một ngày gặp lại. Vậy là chúng tôi vẫn có chỗ trong trái tim nhau và Vân sẽ mãi mãi như một đám mây tím bay ngay qua Bãi Trước (Vũng tàu những chiều tôi ngồi ngắm biển, thật xa xôi nhưng cũng thật gần.<br />
(Theo TTOL)
Posted on Wed, 09 Feb 2011 05:36:11 +0000 at
/forum/showthread.php?tid=10195