Người ta cứ bảo dân quê lên thành phố hồn nhiên lắm, nghĩ gì làm nấy; nhưng người phố về quê cũng hồn nhiên chẳng kém.<br />
<br />
- Anh, có cách nào mà Tết này không phải về nội không?<br />
<br />
- Em nói vậy là sao? Thống nhất với nhau rồi, mỗi Tết về mỗi bên. Năm ngoái bên ngoại rồi thì năm nay phải về nội.<br />
<br />
- Nhưng về đó oải lắm, không có máy giặt, không có tủ lạnh, không có máy nước nóng, không có…<br />
<br />
- Nếu em còn nói cái kiểu như vậy nữa thì không có cả anh luôn, chia tay đi.<br />
<br />
Khang nổi nóng vì Hoa (vợ anh) cứ lần lữa về quê chồng suốt cả năm rồi, giờ đến Tết còn đòi trốn. Càng nghĩ Khang càng bực hơn. Nhớ lại cách đây hai năm, anh đưa vợ con về quê và phải đón một cái Tết bẽ mặt với gia đình, vì cái “bệnh” tiểu thư thành phố của vợ…<br />
<br />
Hồn nhiên như… người thành phố!<br />
<br />
Người ta cứ bảo dân quê lên thành phố hồn nhiên lắm, nghĩ gì làm nấy; nhưng người phố về quê cũng hồn nhiên chẳng kém, chẳng quan tâm đến việc phải biết ý tứ. Quê Khang thuộc một vùng nghèo ở Bình Thuận. Tết 2009, anh đưa vợ con về, cũng phải “đấu tranh tư tưởng” với vợ một thời gian mới ép được nàng chịu đi. Ô tô trờ đến ngõ, mẹ chồng phấn khởi ra đón con cháu, bỗng khựng lại: con dâu bà mặc chiếc váy ngắn cũn cỡn, khoe cặp đùi trắng nõn. Hàng xóm chạy đến đón khách phương xa, càng làm cho bà cụ khó chịu hơn. Mẹ Khang tỏ vẻ nhắc khéo: “Nhanh nhanh vào nhà rửa mặt rồi thay đồ đi con”, nhưng Hoa vẫn không hiểu ngụ ý của mẹ chồng: “Con mặc thế này cho mát, không cần thay đâu mẹ”.<br />
<br />
Mẹ chồng như muốn nổi điên, ghé tai con trai: “Bảo nó thay đồ đi, ăn với chả mặc!”. Không ngờ, Khang vẫn mang cái “nếp” chiều vợ ở thành phố về tận quê: “Vợ con thích gì mặc nấy, cho nó tự nhiên thoải mái mẹ ạ”. Anh không hiểu, vợ anh càng tự nhiên thoải mái bao nhiêu, thì mẹ anh gượng gạo, bực bội bấy nhiêu.<br />
Hoa vui vẻ sắp quà ra: “Con mua sâm cho mẹ tẩm bổ đây, củ sâm bé thế này thôi mà đắt lắm đấy mẹ ạ, những gần một ngàn đô. À, mà một ngàn đô là tương đương với cả hai chục triệu…”. Khang chen ngang, chữa lỗi vô duyên cho vợ: “Thôi thôi, rỗi đâu mà tính, em chỉ cách mẹ hầm sâm thế nào đi”. Nhưng… bà cụ đã dỗi: “Mẹ quê mùa, không hợp với mấy cái thứ xa xỉ ấy đâu, mẹ không dám nhận”.<br />
<br />
Sáng bảnh mắt, Khang phải vào buồng gọi vợ: “Em dậy ăn sáng, mẹ đã nấu cơm, dọn sẵn rồi”. Cô vợ trẻ đỏng đảnh: “Trời, nghĩ sao mà sáng ra ăn cơm? Không có cái gì nước nước à?”. “Em một vừa hai phải thôi. Ai đời con dâu nằm ngủ, để mẹ già lọ mọ nấu ăn, lại còn đòi hỏi này nọ”. “Mệt quá, vậy khỏi ăn”. Nhà quê vách mỏng, cuộc đối thoại dấm dẳng lọt vào tai bà cụ. Bà buồn rười rượi, bảo riêng con trai: “Con xem dạy vợ thế nào, chứ cứ như thế làm sao mà sống”. Khang bênh vợ: “Vợ con vậy thôi chứ tốt tính lắm mẹ ạ, với lại, dân thành phố nhiều khi chả biết ý tứ như dân mình”. Mẹ anh không chịu: “Dân thành phố giỏi giang, học cao, lại càng phải tế nhị, khéo léo chứ con…”. Cứ vậy mà cái Tết đáng vui lại hóa buồn.<br />
<br />
Chuyện của vợ chồng Khang không phải là cá biệt. Vợ chồng Dương - Trang cũng lâm vào nỗi khổ chồng quê - vợ phố tương tự. Trang là người Sài Gòn, từng du học Singapore một thời gian, về lại VN làm việc thì gặp Dương. Mới Tết năm rồi, Trang về quê chồng (Quỳnh Lưu-Nghệ An). Trước đó, khi biết cô con dâu Sài Gòn sắp về, mẹ Dương đã gọi cho con trai, tỏ vẻ lo lắng: “Nó quen sống thành phố, về đây khổ, có chịu được không con?”. Dương nói cứng với mẹ: “Có gì đâu mà mẹ phải lo, dù là người thành phố hay là công chúa đi nữa, thì đó vẫn là con dâu mẹ, nhà có sao để vậy”.<br />
<br />
Đây là lần đầu tiên Trang về nhà chồng, bởi đám cưới cũng chỉ tổ chức chung ở Sài Gòn. Đúng là Trang... choáng, vì trước đó không thể tưởng tượng hết được cảnh sống ở quê khổ như thế nào. Vừa từ sân bay về, cô ra toa-lét và vội chạy ngược vào trong nhà, phát biểu cảm tưởng hết sức tự nhiên: “Ôi, ghê quá, em không đi được đâu”. Mẹ chồng lo lắng, hỏi con trai: “Không đi được thì phải làm sao hở con?”. Chỉ vì chuyện đi vệ sinh của cô con dâu mà cả nhà loạn lên.<br />
Bữa trưa được dọn. Thấy con dâu ăn uống lơ là, mẹ chồng lo lắng: “Con đi đường xa, chắc mệt, nuốt không vô à?”. Dương nổi cáu: “Con dâu mẹ là người lớn rồi, mẹ không cần chăm sóc như trẻ con thế”. Đến chiều, Trang mới ỏn ẻn nhờ chồng chở ra thị xã xem có gì để ăn không. Biết chuyện, mẹ chồng rất buồn, dù không thể hiện ra mặt. Bà khuyên con trai: “Con xem thế nào sắp xếp cho vợ về thành phố sớm, chứ để thế này, nhỡ nó đổ bệnh thì mẹ ân hận”. Năm đó, chỉ vì đón cô dâu phố về “dự” Tết mà nhà mẹ anh Dương mất vui.<br />
<br />
Người quê thường “nể” người phố với tâm lý “họ cao sang hơn mình”. Thế nên, con trai mình mà lấy “được” con gái họ, âu cũng là may mắn, nhún nhường một chút cho êm thắm cũng là điều nên làm. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền mà.<br />
<br />
Chẳng thế mà trong một gia đình ở quê có nhiều con dâu, cô con dâu thành phố thường được mẹ chồng cưng chiều nhất. Có trường hợp, mẹ chồng còn sợ ngược lại con dâu. Từ đó, tạo cho con dâu thói ỷ lại, thích gì làm nấy; ít để ý đến phong tục, tập quán, lối sống của người quê. Tất nhiên, khi cô con dâu người thành thị đó được làm “dâu VIP” trong nhà rồi, thì cô ấy ứng xử thế nào, đối đãi thế nào với nhà chồng cũng được. Nhưng, đó chỉ là cái “được” bề ngoài, chứ trong lòng, người mẹ chồng nào chả buồn bực khi gặp phải cô con dâu đỏng đảnh, đưa cái nếp sống ở phố thị về quê một cách rất “chỏi”.<br />
<br />
Cũng phải thừa nhận một thực tế khác. Ngoài những bà mẹ chồng hiền lành, nhún nhường, cũng có không ít bà mẹ chồng không dễ để con dâu lấn lướt. Tết là dịp mà nhiều cô dâu phố về quê nhất. Thế nên, trong những ngày giáp Tết này, các nàng nên chuẩn bị tâm lý nhập… quê tùy tục.<br />
<br />
Tuy nhiên, những người con dâu thực sự hòa nhập được với gia đình chồng cũng không hiếm<br />
<br />
Chị Thanh Mai (ngụ P.4, Q.3) là người gốc Sài Gòn, nhưng là cô con dâu được nhà chồng ở Thanh Hóa rất quý mến. Chị chia sẻ: “Về mặt hình thức, người phố thị đừng tưởng mình ăn mặc mốt, xức nước hoa thơm lừng, trang điểm sành điệu là thể hiện được đẳng cấp? Điều đó chỉ tạo thêm khoảng cách mà thôi. Đặc biệt, những người ăn mặc quá mô-đen, lại dễ tạo hình ảnh “dị” đối với người quê. Ngoài ra, cũng không thể lấy điều kiện vật chất của thành phố để áp dụng vào nông thôn được. Ở quê thiếu thốn đủ thứ, nhưng đó là cuộc sống của gia đình chồng mình, và cũng là một phần cuộc sống của chồng thời trẻ. Chỉ cần tỏ ý chê bai một cái gì đó của “gia đình nhà quê”, người chồng sẽ phản ứng ngay.<br />
Về tâm lý, dù người chồng hàng ngày có sợ vợ đến mức nào, nhưng khi cả hai về nhà bố mẹ chồng ở quê, người vợ phải biết tỏ ra nhún nhường chồng mới hợp “lẽ tự nhiên” ở quê và đó cũng là một cách tôn trọng nhà chồng. Chuyện ăn uống cũng thế. Có thể không hợp khẩu vị, có thể không ngon, nhưng cô con dâu nên biết mình đang ăn món mẹ chồng nấu. Đã không phải vào bếp nấu, thì tại sao không nuốt được một miếng - món mà mẹ chồng dồn hết tình cảm vào đó? Theo tôi, cô con dâu thành thị thường thông minh, lanh lẹ (nhịp sống công nghiệp đã tạo nên họ như vậy), chỉ cần tôn trọng “người nhà quê” một cách đúng mực, để ý để tứ một chút nữa là sẽ biết cách “đắc nhân tâm” nhà chồng”.<br />
<br />
Bà Lâm Thị Tư (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “Tôi cũng có một cô con dâu người Sài Gòn. Ban đầu thấy khó hòa hợp, đặc biệt là những lần đầu con dâu về thăm nhà, tôi cũng lúng túng. Nhưng rồi tôi mạnh dạn gần gũi, hỏi han để tạo sự tự nhiên cho con dâu. Tôi chủ động chỉ dạy cho con dâu về nếp ăn, nếp ở trong nhà, giới thiệu bà con họ hàng cho con biết. Khi mẹ chồng ở quê không khách sáo, thì cũng dễ hướng cho con dâu xử sự đúng cách với nhà chồng ở quê hơn. Ở góc độ là một người mẹ chồng, tôi cũng mong muốn con dâu người thành phố hiểu khi về nhà chồng ở quê là về nơi cách biệt về văn hóa, điều kiện vật chất, nếp sống, vì thế không nên chứng tỏ sự khác biệt về “đẳng cấp” của mình, mà cần hy sinh một chút, chịu khó một chút để hòa vào nhịp sống chung của gia đình”.<br />
Việt Báo (Theo PNO)
Posted on Wed, 26 Jan 2011 05:41:02 +0000 at
/forum/showthread.php?tid=9666