<span style='font-size: 15px;'>Anh!<br />
<br />
Em muốn được cầm trên tay bông tuyết trắng, để cảm nhận giây phút bông hoa thanh khiết ấy tan chảy qua từng kẽ tay. Anh cười, bảo em mở tủ lạnh ra, sẽ có tuyết. Em ghét anh ghê! Sao lại đùa người ta? Từ ngày anh sang bên đất nước lạnh giá xa xôi ấy, chỉ còn mình em với những ước mong. Giá mà, anh về, mang cho em một bông hoa tuyết.<br />
<br />
Ở xứ mình, không có tuyết. Chỉ có những ngày đông gió bấc mưa phùn rét như cắt da, cắt thịt. Em đã từng ao ước những hạt mưa đó đọng lại thành bông tuyết, đã từng soi mình trước giọt sương giỏ đầu cành khô mới chớm một mầm non. Anh còn nhớ chứ? Hay tuyết trắng của trời Tây đã phủ lên kí ức anh? Không! Làm sao quên được đúng không anh? Nhưng liệu mỗi ngày anh có nhớ về em như nhớ về dáng hình quê hương yêu dấu?<br />
<br />
</span><div class='bbc_center'><span style='font-size: 15px;'><span style='font-size: 15px;'><img src='http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/images/camnangdulich.com1.jpg' alt='Posted Image' class='bbc_img' /></span><br />
<br />
</span> </div><span style='font-size: 15px;'> Anh biết không, 30 Tết năm ngoái lại đúng vào ngày Valentin, cái ngày mà hạnh phúc được hòa trộn bởi vị ngọt ngào và cay đắng. Một mình em lên Đền Và như để tìm lại những dấu yêu đã qua. Đêm 30, Đền Và bao phủ trong ánh đèn lung linh, huyền ảo. Chen chân giữa rừng người mà sao em thấy mình lạnh lẽo và cô độc quá! Dòng người chen lấn đẩy em đi. Mưa bụi rắc đầy trên vai em. Em chợt thấy mình như cô gái trong bài thơ "Mưa xuân" của Nguyễn Bính. Lặng lẽ đến tội nghiệp. Xuân náo nức tưng bừng mà lòng mình như tàn canh: <br />
<br />
"Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay<br />
<br />
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy<br />
<br />
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ<br />
<br />
Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày".<br />
<br />
</span><span style='font-size: 15px;'>Xung quanh em, những đôi tình nhân sải bước bên nhau. Những hạt mưa không đủ làm ướt áo, mà chỉ như rắc thêm những vương vấn mộng mơ cho những mối tình. Chao ôi, anh ơi, đúng như kiểu: "Từng đôi uyên ương bên nhau. Tròn xoe chiếc ô trên đầu". Tủi thân lắm chứ, nhưng em đã cố kìm nén để lòng mình không bật khóc! Ngày này, năm trước, em và anh cũng như những đôi uyên ương kia. Trời lạnh thế mà vẫn thấy thật ngọt ngào. Em nhớ mình đã ăn chung một cây kem bông. Hai đứa tranh nhau đến nỗi kem bông dính đầy mặt. Một đứa bé đi bên cạnh quay sang trêu "lêu lêu, tham ăn!" làm mình phá lên cười thích thú. Anh nắm tay em đi vào đền, hòa chung vào dòng người đầy hương hoa cùng với niềm thành kính và ngưỡng vọng...<br />
<br />
Qua cổng tam quan, vào sân đền, mùi hương thơm ngào ngạt. Lư hương đặt ở sân đền, khói bay nghi ngút. Không gian như ngưng đọng lại trong ánh đèn, nến sáp và mùi trầm hương nồng nàn. Tâm hồn em chợt như được nâng lên bởi đôi cánh thần tiên dịu ngọt. Mơ hồ trong em là những bông tuyết trắng xa xôi, những bông tuyết vương trên vai anh, còn đọng lại nơi khóe môi anh. Nụ cười anh tinh khôi rồi tan dần trong màu trắng huyền ảo. Giật mình, một hạt mưa bụi bay vào mắt em...<br />
<br />
Chúng mình ở cùng xã nhưng lại khác làng. Đền Và tọa lạc trên quả gò rộng thuộc địa phận làng em - Vân Gia, thế nên em tự hào lắm. Em thường bảo anh: " Vân Gia là nhà ở trên mây". Đền thờ thần Tản Viên - vị thần đứng đầu trong bốn vị thần bất tử của thần điện người Việt chúng ta. Những câu chuyện về TảnViên Sơn Thánh từ thuở hồng hoang luôn sống dậy trong em.<br />
<br />
Tục truyền, một lần Tản Viên đi du ngoạn, đến khu gò Và thấy cảnh hữu tình. Xung quanh dưới chân gò là các cánh đồng, các làng mạc gần kề đông vui, có sông Tích uốn khúc quanh bên sườn. Gò có hình con rùa nhìn về phía mặt mọc; cùng lúc ấy lại có đám mây ngũ sắc từ núi Ba Vì kéo đến che phủ chỗ thần đang đứng, thần cho là một điềm lành.<br />
<br />
Nhận thấy gò Và đẹp, lại gặp điềm lành, thần cho lập hành cung ngay tại gò và cho dân làng sở tại có quả gò Và được mang tên đám mây che trên đầu khi thần đang đứng ngắm cảnh. Tên làng em có từ ngày đó. Thật màu nhiệm phải không anh? Tên làng anh cũng vậy! Cái tên thân thương ấy bắt nguồn từ một câu chuyện nói về lòng nhân nghĩa của dân làng. Em cũng đã kể cho anh nghe rồi đó.<br />
<br />
Một lần, thần dạo chơi trên khúc sông Tích, từ Cầu Vang đến Mả Mang, thần gặp một ông lão nghèo đang kéo vó. Được biết đã gần hết ngày mà ông lão vẫn chẳng kiếm được con cá nào, thần liền bảo ông để cho thần kéo đỡ một mẻ. Khi vó lên khỏi mặt nước, có một con cá nhảy ra khỏi vó rơi xuống sông, số còn lại đếm được 99 con, toàn cá trắng. Thần bảo ông lão đem tất cả số cá về nhà. Ông lão nghèo cảm kích và xin biếu lại vài con. Thần vào làng, giả mượn nồi nấu cá để thử dân tình. Vì thấy một ông già ăn mặc tiều tụy, lem luốc nên mấy nhà không cho mượn. Thần chê là người không có nhân. Thần đến một xóm nhỏ khác, người dân tốt bụng, ai cũng nhận cho mượn nồi và giúp đỡ. Thần khen dân làng có nhân có nghĩa, dạy cho họ cách đánh cá, làm gỏi cá, nướng cá và nấu cá rồi đặt tên làng là Nghĩa Phủ.<br />
<br />
</span><span style='font-size: 15px;'>Câu chuyện ấy luôn khắc sâu trong tâm trí người dân quê mình về cái nhân, cái nghĩa ở đời. Cũng từ đấy mà cứ đến rằm tháng 9 hằng năm, dân mình lại mở lễ tiệc cá để nhớ ơn Đức Thánh. Anh còn nhớ những năm anh thả vó kéo cá để làm lễ không? Dân các làng đua nhau kéo ra sông Tích, từ Cầu Vang đến Mả Mang, để thi đánh bắt cá. Ai cũng muốn được dâng lên Thánh Tản con cá chép to nhất của mình. Tiệc cá gồm 99 con cá chép được làm thành bốn món gồm nướng, luộc, gỏi và nước chấm (gọi là nham, được làm từ lòng cá trộn với mật và gừng).Ở bên đó, liệu anh có còn được ăn những món ăn dân tộc như vậy không anh?<br />
<br />
Em đi vào khu thờ và tế lễ của đến, dạo qua ba lớp nhà đền: Đền Thượng, Đền Trung và Đền Hạ. Trong đền Thượng có khám thờ lớn, thờ Đức Quốc Mẫu và Tam vị Đức Thánh Tản là : Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh. Đêm 30 ở Đền Và cũng chẳng khác gì ngày hội. Từng dòng người nối nhau vào cúng lễ, cầu xin một năm mới bình yên. Em cũng thắp một nén hương thơm, cầu mong những sợi khói vương vít kia sẽ mang theo ước nguyện của em đến với các vị thần. Trong em là một khoảng lặng vô cùng...<br />
<br />
Rời khỏi khu thờ, em nhìn thấy Gác chuông, Gác trống vẫn đứng trầm mặc tự nghìn năm. Từ nơi đây, những thanh âm linh thiêng đã vang lên như mang sức nặng vĩnh hằng của hồn vía ông cha, rồi đọng lại trong tiềm thức của những người con xứ Đoài. Ở dinh Ngũ Hổ, Đền Cô, Đền Cậu, đèn hoa sáng rực và lấp lánh. Những cây vàng, cây bạc đặt trên những ngai thờ phát ra ánh hào quang lung linh. Bao trùm lên toàn bộ không gian cổ kính rêu phong của ngôi đền cổ là một vẻ đẹp siêu thoát, không gợn chút bụi trần.<br />
<br />
Bao quanh đền là bức tường đá ong ngả màu sương gió. Bức tường thấp, chúng mình hay trèo lên đó để ngồi hóng mát. Ngày hội, mình cũng trèo lên đó để xem hội được dễ hơn. Dường như nơi đây, thời gian vón cục lại rồi dắt đầy vào khoảng lỗ chỗ của những phiến đá ong. Nói đến Sơn Tây thì không thể không kể đến đá ong. Có lẽ, những phiến đá ấy đã quá quen thuộc trong đời sống của chúng ta anh nhỉ? Những bức tường đá ong, những ngôi nhà đá ong, rồi cả con đường cũng đỏ những sỏi đá ong nát vụn.<br />
<br />
</span><div class='bbc_center'><span style='font-size: 15px;'><img src='http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/images/Den-va.jpg' alt='Posted Image' class='bbc_img' /></span><br />
<br />
</div><span style='font-size: 15px;'> Em lững thững bước ra phía cánh rừng lim nguyên sinh. Chẳng biết tự bao giờ, những cây lim đã vươn lên ngạo nghễ. Trải qua bao biến động, thăng trầm của lịch sử, nó vẫn tỏa bóng mát xanh như một minh chứng cho sức sống bất diệt. Những rễ cây ngoằn ngoèo trồi lên mặt đất. Nó bám chặt vào đất mẹ với tất cả sức mạnh bản năng để hút lấy nguồn sống vĩnh hằng...<br />
<br />
Phóng tầm mắt ra xa, em nhìn thấy ánh đèn nến lung linh nơi hòn Cá Trê. Mỗi lần em kể về sự tích hòn Cá Trê là anh lại cảm động, biết ơn Thánh Tản giàu lòng nhân đức, cảm phục con cá trê nặng nghĩa nặng tình. Khi Thần Tản Viên du ngoạn, đã cứu sống được một con cá trê có mang. Về sau, nhớ ơn thần, cá trê mẹ dẫn đàn con ngược dòng nước về chầu trước cửa đền rồi hóa đá. Tự nhiên em chợt nghĩ, dân tộc mình, từ trước tới giờ sao kể về chuyện hóa đá nhiều đến vậy? Phải chăng, đằng sau cái lặng câm của đá, là sức sống dẻo dai, bền bỉ, vĩnh hằng của cả dân tộc?<br />
<br />
Từ thiên nhiên cho đến con người Việt Nam đều chứa đựng một nguồn sống mãnh liệt. Những hòn vọng phu chợt xâm lấn trong trí nghĩ của em. Chao ôi, những bà mẹ bồng con mà hóa đá đứng ngóng chồng mãi ở chốn xa xôi. Người ta sinh ra đâu phải để làm đá vọng phu? Em sợ, đến một ngày, mình hóa đá. Cũng hướng về phía trời Tây mà gửi gắm nỗi niềm, để mãi mãi lặng câm trong sự bào mòn của thời gian nghiệt ngã...<br />
<br />
Ngày anh xa sân bay, em đã không đưa tiễn. Chỉ bởi vì, em không muốn khóc trước mặt anh. Anh biết không, em đã lên Đền Và vào giây phút ấy. Em muốn tìm một điểm tựa tinh thần để mình không gục ngã, muốn có một sức mạnh diệu kì để giúp em vượt qua. Sân đền vắng! Những cánh ngọc lan nhẹ nhàng rớt xuống vai em, vương lại trên mái tóc em một mùi hương dịu ngọt. Một giọt nóng hổi tràn qua khóe mắt em. Em không khóc! Chắc là một hạt mưa bụi bay!<br />
<br />
Tết lại đến, đất trời cựa mình để thay áo mới. Nhà nhà có "thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh" . Những hạt mưa xuân gieo mình trên những con đường, phủ đầy cành lộc biếc, vương trên mái tóc em thơ và dường như đọng lại trong em thành một bông hoa tuyết... Bông hoa tuyết tinh khôi theo làn gió, bay về phương xa...<br />
<br />
</span><div class='bbc_right'><span style='font-size: 15px;'><em class='bbc'>- Khánh Thương -<br />
<br />
</em></span><br />
</div>
Posted on Sat, 15 Jan 2011 06:54:55 +0000 at
http://forum.petalia.org/index.php?/topic/60394-th%c6%b0-g%e1%bb%adi-ng%c6%b0%e1%bb%9di-xa-x%e1%bb%a9/