Truyện ngắn của Trịnh Minh Hiếu<br />
<br />
<br />
Cha tôi đã trở về. Kém năm ngày tròn mười tám năm. Mẹ tôi cứ lấy ngày giỗ ông nội, tuổi của em gái tôi để tính thời gian đi của cha. Có một điều gì đó rất mơ hồ của mấy mẹ con tôi những ngày áp giỗ. Đêm, tôi thường nghe tiếng thở dài trằn trọc của mẹ. Có lúc mẹ giận vô cớ. Có lúc ra ra vào vào định làm việc gì đó lại quên khuấy đi mất, đứng thần một lúc mới nhớ ra. Cái chăn con công đỏ Trung Quốc cứ phơi đi phơi lại đến chục lần.<br />
<br />
Nhiều đêm thao thức. Những câu hỏi về cha cứ như những chùm bong bóng được thả lên lơ lửng giữa bầu trời. Tôi ước những quả bóng cứ bị vỡ dần, nổ thật to, nghe thật sướng tai và những mảnh vụn sự thật về cha tung tóe như người ta đốt pháo bông. Tôi muốn biết nhiều hơn những gì đã biết về cha.<br />
<br />
Tôi đã quen với việc cha bỏ nhà đi từ khi tôi bắt đầu hiểu được tôi là một nửa của mẹ, một nửa của cha. Nhiều lúc khát khao thấy trộm cha một lần rồi ngoảnh mặt đi luôn. Tôi không cần một người cha như thế.<br />
<br />
Tuổi thơ tôi đã chịu khá nhiều cay đắng. Tôi đã dạn đòn về những lời giễu cợt việc cha tôi. Tôi đã tỏ ra ngang tàng du côn để trấn áp bọn trẻ không được nói xấu cha, mặc dù cha tôi thế là xấu. Mười lăm tuổi tôi đã phải cố gắng là người đàn ông thực thụ trong gia đình. Tôi xốc vác, làm tất cả những công việc nặng nhọc như gánh nước, chẻ củi, sửa chữa đồ lặt vặt trong nhà và cả việc đi chạ đám ma.<br />
<br />
Lúc nhỏ, tôi rất sợ mẹ đi lấy chồng. Ở làng cũng có mấy người bỏ con đi sang Trung Quốc rồi bặt vô âm tín. Tôi nhớ chiều mưa ấy, ba mẹ con trải chiếu quây quần trước nhà. Mẹ vạch tóc bắt chấy cho em. Tôi nhổ tóc sâu cho mẹ. Chợt em hỏi mưa bong bóng là mưa như thế nào hả mẹ. Lòng tôi chợt òa lên những trận mưa bong bóng ngập sân trắng xóa và cái cảnh mẹ tôi xách túi đội nón ra đi. Tôi nức nở ôm chặt mẹ: "Mẹ ơi! Mẹ đừng bỏ chúng con mẹ nhé". Thế là cả ba mẹ con đều khóc. Mẹ lấy tay ôm chặt tôi bên lòng, mơn man xoa cái đầu chơm chởm của tôi. Mẹ ngoắc tay hứa. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in cái ngoắc tay hơi ram ráp của mẹ quắp chặt ngón trỏ của tôi.<br />
<br />
Dạo này em gái tôi buồn lắc buồn lơ. Nó hay đứng góc sân giếng khóc thầm một mình. Nó và cậu người yêu có chuyện. Nhà kia còn thủng thẳng đánh tiếng gia đình tôi không môn đăng hộ đối. Những lúc ấy tôi lại nghĩ đến cha.<br />
<br />
Tôi chẳng biết lỗi tại ai. Trời hờn đất giận, can cớ gì cha bỏ mẹ con tôi đi như vậy. Thỉnh thoảng bác trưởng nhà tôi lại nhắc:<br />
<br />
- Thím cứ yên tâm, chú ấy sẽ về. Cáo chết ba năm quay đầu về núi.<br />
<br />
Mấy mẹ con tôi cứ hờ hững chờ cha. Cha không trở về cũng chẳng sao. Gia đình tôi đã quen cảnh "gà mái nuôi con". Bà tôi thường an ủi: "Mồ côi cha ăn cơm với cá; Mồ côi mẹ liếm lá ngoài đường".<br />
<br />
Một hôm, đang bươn bả vội về cất lại nóc đống rơm vì trời sắp có dông bão thì tôi thấy trong ngõ người đi lại tấp nập. Mấy bà già vừa nhìn theo, vừa lấy tay quệt miệng nhai trầu, vừa hể hả: "Bố nhà anh! Giờ mới về. Bố anh ở Nam về từ sáng. Nhanh về nhà con!".<br />
<br />
Chiếc xe loạng choạng đâm cả vào tường. Kỳ thực trong lòng tôi vừa hận cha đã bỏ mặc mẹ con tôi trong bao nhiêu năm, vừa mong cha về để gọi cha một tiếng cho bõ bao tháng, bao ngày tưởng không thể. Giờ chẳng biết đối xử thế nào cho hợp lẽ. Cánh cổng đã mở toang, khói bếp rơm nhẹ tênh, lãng đãng tràn ra cả ngoài cổng, ngoài ngõ. Trong nhà, tiếng nói cười rất xôm, tiếng hút thuốc lào sòng sọc nghe quen thuộc. Tôi bị cuốn vào không khí của ngày có việc vui. Chưa bao giờ mấy mẹ con có được không khí này trong nhà. Tết nhất cũng như ngày thường, lầm lũi một mẹ, hai con, có nếp, có tẻ nhưng cuộc sống vẫn đơn điệu tẻ nhạt.<br />
<br />
Tôi lấy vẻ đường hoàng quẳng xe vào chân đống rơm rồi ra giếng. Bác trưởng nhìn thấy tôi, giọng oang oang:<br />
<br />
- Cường, mau vào chào bố mày đi!<br />
<br />
Có tiếng đế vào: <br />
<br />
- Đấy, con trai anh đấy, rõ giỏ nhà ai, quai nhà ấy.<br />
<br />
- Thằng bé ngoan lắm anh ạ.<br />
<br />
Tiếng "bố" rơi lọt thỏm vào trong tâm hồn trống rỗng của tôi, như viên sỏi ném xuống hố nước sâu trong vắt, chỉ đủ làm gợn lên một nỗi đau dịu nhẹ. Từ "bố" nghe có gì lạ lẫm xa cách. Tôi chưa nghĩ đến một ngày bố tôi lại về đột ngột như thế này. Tôi cứ trằn cái khăn mặt, vắt rồi lại vò, vò rồi lại vắt đến ba bốn lượt. Không thể chậm hơn được nữa, tôi đành phải lững thững đi vào nhà. Tôi cố tình đi nấp cái cửa nhà để cha tôi không thể nhìn thấy. Một sự trả thù vặt vãnh. Bỗng tôi nghe thấy tiếng ho gằn như người bị lên cơn ho mạn tính. Tôi đã thuộc từ cả tiếng ho, tiếng hắng giọng của mọi người trong gia đình, nhưng không phải. Đúng là tiếng ho của cha. Tự nhiên, tim tôi đập nhanh hơn, cảm giác những đường máu đang chạy rần rật làm người tôi nóng bừng lên. Cha tôi đây, bằng xương bằng thịt chứ không phải trong trí tưởng tượng của tôi là sự chắp vá ghép lại từ những bức ảnh đã chết trên bàn thờ của ông bà và cả những bức ảnh sống của bác trưởng, của cô tôi. Những tiếng ho gằn tôi như đã nghe thấy từ bao giờ nhưng giờ mới thật sự xóc vào óc tôi. Tôi muốn gọi tiếng cha thật to, nhưng sao không thể gọi được. Tôi cảm giác những âm thanh ấy nó đi từ đáy ruột đến cuống họng rồi bị chặn lại. Nó lại lộn ngược lại để tiếp tục ra như thế mấy lần mà vẫn không thoát ra nổi cái cửa ải chết tiệt ấy. Tôi bước nhanh vào nhà. Rõ ràng tôi có chào cha nhưng chính tai tôi cũng chẳng nghe thấy đâu cả.<br />
<br />
Mắt tôi nhìn thẳng vào người đàn ông ngồi chính giữa chiếu. Tôi sựng lại. Cha tôi! Tôi nhẩm nhanh: Cha hơn mẹ mười tuổi. Mẹ bốn mốt, cha năm mốt, vậy mà cha già hơn cả bác trưởng, tóc đã trắng hơn nửa đầu nhưng khuôn mặt rắn rỏi, cương nghị, đôi mắt tinh nhanh, có nét từng trải của một ông già Nam Bộ. Cha không giống những gì tôi mường tượng. Chợt tôi thấy cha rưng rưng khóc, nếp nhăn rúm lại thành chùm nơi khoé mắt. Đuôi tóc buộc rung rung.<br />
<br />
Sau ngày giỗ ông, cha đi chơi khắp làng. Có người thân tình hỏi han, có người cứ lờ đi, nhìn với ánh mắt nghi ngại. Làng tôi đã quá nghèo, thoát được cái nghèo ở quê là một điều đáng nể. Giờ cha tôi lại về sau bao nhiêu năm. Lúc nào cha cũng mặc một bộ quần áo bà ba rộng thùng thình. Chưa nhìn thấy gì là phong lưu giàu có. Trong cách nói chuyện, cha cũng chưa bao giờ bộc lộ rõ bản thân mình. Nhiều ánh mắt lãnh đạm hơn là ve vuốt săn đón. Chỉ có gặp những người bạn xưa, cha mới thực sự được vui. Được nghe những người bạn cũ hàn huyên chuyện xưa, tôi mới hiểu thêm và tự hào về cha.<br />
<br />
Nhiều chuyện xầm xì về cha. Tôi biết nhưng không nghe. Thiên hạ mười người xấu, được một người tốt với mình đã quý lắm rồi. Nhưng tôi buồn vì anh em trong nhà nỡ lòng nói "Người ta trở về thì vinh quy bái tổ, họ hàng thơm lây. Đằng này chú ấy vác cái xác về không với mấy bộ quần áo rách. Đã đi thì đi hẳn, quay về chỉ tổ thêm nợ đời cho vợ cho con". Đấy là bác dâu trưởng tôi. Có lẽ chỉ vì bốn gian nhà ngói và hơn một sào đất vườn ông bà tôi để lại. Cha về. Của hương hỏa như cái bánh không thể không chia. Được biết hồi ấy, cha vay tiền tín dụng xã thầu ao cá. Thời tiết bất thường, nhiều trận mưa tràn bờ. Cá lớn cá bé như những đám rêu rác vọt ra ngòi ầm ầm.<br />
<br />
Cuối năm, một cái ao năm sào mà chỉ thu được hơn một tạ cá. Thua trắng tay, cha mẹ phải bán cả cặp bò và mấy con lợn trong chuồng đang độ lớn. Xoay sang nghề khác, tính mua cái thuyền chở khách qua sông, cha đến vay tiền bác trưởng. Bác đang là đội trưởng sản xuất, kinh tế cũng dư dả. Bác ngần ngừ để hỏi ý kiến bác gái. Lạ gì con người bác gái, chỉ biết đến tiền. Cha tự ái không vay. Cũng năm ấy, mẹ sinh em Cúc. Vì thiếu tháng nên em bị ốm liên tục và bị bệnh đường ruột. Ba tháng đã ra ra vào vào bệnh viện liên tục. Gia đình càng khó khăn hơn. Cha mẹ cắn răng bán rẻ mấy trăm gạch định tính xây công trình phụ. Nợ hết, cuối năm cha đi.<br />
<br />
Cha về, mẹ như trẻ ra. Mẹ bận rộn hơn với công việc nấu cơm, đun nước tiếp khách. Trong nhà người ra người vào liên tục. Bữa cơm nào cũng nghi ngút khói. Mâm cơm bày ra bao giờ cũng có thêm mấy quả ớt đỏ bỏ hạt, chẻ tư, ngâm nước nở ra như những bông hoa, vài nhánh tỏi bóc trắng nõn đặt trong đĩa góc cha ngồi. Bữa nào cha cũng nhấp một hai chén rượu. Hơi men thơm nồng cay cay tỏa ra khắp nhà. Tiếng khà khà chẹp miệng, tiếng đặt đũa xuống bát lách cách. Giờ tôi mới hiểu một cách sâu sắc hạnh phúc vừa giản dị vừa lớn lao khi có cha.<br />
<br />
Một buổi tối, cha gọi tôi pha ấm trà cha con ngồi nói chuyện. Từ hôm về, bận rộn khách khứa, cha chỉ hỏi qua loa công việc và quan sát cuộc sống sinh hoạt của tôi. Hôm nay, tôi cũng thấy hơi lo.<br />
<br />
- Con đi làm nghề thợ xây này từ bao giờ?<br />
<br />
- Dạ... con theo mấy bác trong xóm mới được hơn một năm<br />
<br />
- Công việc thế nào, nhọc lắm không?<br />
<br />
- Không, à con... vâng, con thấy cũng ổn ổn.<br />
<br />
- Chà! Tao thấy mày kỳ cục quá trời!<br />
<br />
- Con…<br />
<br />
- Thôi được.<br />
<br />
Thong thả rót chén nước uống một ngụm, ông nói tiếp:<br />
<br />
- Cường này, con đã trưởng thành, con phải nghĩ đến cuộc sống vợ con sau này. Ở đời không chỉ quanh quẩn cái ăn cái mặc. Đàn ông phải tạo dựng cho mình một sự nghiệp, bất kể nghề gì cũng được nhưng phải có một nghề và mưu sinh từ nghề. Các cụ đã dạy "Nhất nghệ tinh nhất thân vinh", sinh vì nghệ tử vì nghệ. Cha thấy anh cứ quanh quẩn thế này mãi sao được. Cha có tội là đã bỏ mấy mẹ con. Song trong thâm tâm luôn nghĩ mình phải làm được gì đó mới quay trở về. Và cha đã làm được. Phải vất vả. Phải đồ mồ hôi sôi nước mắt con ạ.<br />
<br />
Tôi e dè, ngượng ngùng. Từ trước đến nay, chưa bao giờ đi xa hơn đường đất năm cái xã, mười mấy cái làng xung quanh đây. Tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ những cái to tát hơn. Tôi đã an phận. Giờ tôi thấy mình thật kém cỏi.<br />
<br />
Cha bắt đầu kể về một quãng quá khứ cho tôi nghe từ khi vào vùng kinh tế mới Lâm Đồng. Lúc đầu quá chật vật tưởng không trụ nổi. Dần rồi cũng có mảnh đất cắm dùi, có tí tiền để mua đất rừng làm rẫy. Nếu biết tí tin tức ở nhà thì cũng yên tâm làm ăn, nhưng ngặt nỗi mấy lần thư về đều bặt vô âm tín. Nóng lòng nóng ruột gói gém tiền nong về quê. Đi bộ hai ngày mới ra được ga Bảo Lộc thì đêm ấy chưa kịp mua vé đã bị mấy thằng đầu gấu tìm cách gây sự lột sạch sành sanh. Cùng đường quay lại. Cũng đêm ấy người đàn bà đã theo cha. Tha hương, đất khách quê người, nhắm mắt đưa chân. Không ngờ người đàn bà ấy hư hỏng. Một hôm, đi làm về, thấy cảnh trai trên gái dưới, không giữ được mình, cha đã vác cái quắm ra lao. Thằng đó chạy không kịp, đổ gục xuống luôn. Thế cùng, cha đành trốn tội đi nơi khác làm lại từ đầu. Giờ gia sản đã có một vườn cà phê rộng hơn 3 hécta và cha giao lại toàn bộ cho tôi. Vào trong đó tôi phải tìm đến địa chỉ của bà ấy để giúp đỡ và nhận đứa em còn nhỏ cùng dòng máu với tôi...<br />
<br />
Mỗi câu nói của cha như đang phá bức tường mà tôi đang xây. Từng hàng gạch rơi ầm ầm trong lòng tôi. Cha chuẩn bị đem về cho mẹ tôi chứng kiến một người đàn bà lẳng lơ, chao chát và một đứa con như giọt máu lạ. Và một ngày không xa, cha sẽ phải đứng trước tòa...<br />
<br />
Bức tường bị một nhát xà beng thúc mạnh đổ sập. Tôi đứng dậy vùng vằng chân tay, gầm mặt vào bóng tối:<br />
<br />
- Không! không bao giờ. Ông... <br />
<br />
Sáng hôm sau, lúc cái Cúc dọn cơm rồi mà vẫn không thấy mẹ dậy, tôi ăn vội lưng cơm rồi ra đồng trước. Trưa về, thấy mẹ thẫn thờ ngồi bệt góc giường. Khuôn mặt cha hốc hác. Những nếp khắc khổ như đang chảy ra, tóc xòa kín mặt. Tôi quên phắt ý nghĩ hận cha mà thấy thương ông nhiều hơn. Tôi không thể tưởng tượng cha lại có cả một quãng đời dài cay đắng uất hận như thế. Nỗi đau thấu tim gan, xương tủy của một kẻ phiêu bạt chui lủi pháp luật, một người đàn ông muốn vùng dậy thỏa chí để có cơ hội trở về quê hương nhưng lại bị cái ách đè xuống. Vậy mà thằng con trai như tôi lại vô tâm, thờ ơ. Thật khốn nạn, một thằng con chưa bao giờ có ý định đi tìm người cha đẻ của mình. Bất hiếu! Có ai đang trằn muối vào từng khúc ruột của tôi.<br />
<br />
Cha về đã được hơn nửa tháng, khách khứa thưa dần. Không khí vui cũng lắng xuống. Nói là vui thì cũng vui mà nói là buồn cũng được vì nhiều chuyện cứ ở đâu mang tới. Hôm được gọi ra xã, cha không ngờ có lá đơn xin xác nhận quyền thừa kế nhà đất của ông bà tôi cho bác trưởng. Khi xem khế ước thừa tự, cha như không tin vào mắt mình, chân tay bủn rủn. Một tờ giấy đã vàng nhàu, mùi âm ẩm nhưng không phải chữ của ông. Khi viết chữ quốc ngữ, cụ cũng có thói quen thảo nhanh những nét hất như những đường "Phi bạch" rồng bay phượng múa rất tài hoa. Từ hôm đó cha như câm lặng.<br />
<br />
Thỉnh thoảng lại có Công an xã vào thăm hỏi cha, không biết vô tình hay cố ý dò xét. Mỗi ngày, tôi thấy rõ sự suy sụp của cha. Chuyện cha tôi mắc trọng tội cứ đè nặng. Sống ở làng, sang ở nước. Một tiếng nhục rửa ngàn năm không sạch. Sao cha tôi lại để xảy rắc rối thế này. Không muốn nghĩ nhưng đầu óc vẫn cứ quay cuồng. Giết người phải đền tội. Cảm giác sợ hãi làm người tôi nổi từng mảng da gà. Đêm ấy tôi mơ một giấc mơ đầy kinh sợ.<br />
<br />
Sáng tỉnh dậy, cha tôi đã đi từ bao giờ. Tới trưa, cái Cúc đi làm về nằm bệt giường khóc ri rỉ. Gọi dậy ăn cơm, nó vùng vằng: "Tôi không ăn". Nó đã nghe phong thanh chuyện nhà thằng kia duỗi ra và đã nhờ bà mối sang hỏi cái Hường con gái ông chủ tịch xã có cái nhà trần bốn gian buông hiên đẹp nhất xóm. Mẹ tôi hết dỗ dành khuyên nhủ đến mắng xơi xơi nó vẫn chỉ khóc. Cha giận, giọng đầy chua xót: "Để tôi đi xem thực hư thế nào. Thói đời... thật là phù thịnh không phù suy!". Đang nằm, nó vùng luôn dậy, mặt sừng sộ. Chưa bao giờ nó dữ dằn như vậy. Nó quát lên: "Đi làm gì! Tại ai?". Mẹ vùng ra: "Mày láo!". Bốp một cái. Tôi sững sờ. Tiếng cha nấc lên: "Họa rồi! Con ơi!". Hai cánh tay cha giơ qua đầu chới với rồi lảo đảo ôm đầu gục xuống. <br />
<br />
Một buổi sáng, thấy nôn nao ruột gan, tôi bỏ làm. Về đến nhà, thấy người ra vào nhốn nháo. Tiếng khóc gào lên thảm thiết rồi lả dần của mẹ tôi. Cha nằm trên giường. Một vết thủng to ở cổ phía trái, máu trào đầy đã se lại. Một mảng chiếu cha nằm ướt đẫm máu. Cái Cúc lăn lộn dưới đất gào thét. Tôi gục xuống. <br />
<br />
Những dòng thư của cha để lại đau đớn đến tột cùng: "Tôi là kẻ trọng tội: Bất nhân, bất hiếu, bất nghĩa. Tôi không đáng sống để làm người... Niềm mong ước của đời tôi là được vùi thịt xương trong nhúm đất quê cha. Nay thỏa nguyện. Xin bái biệt!".<br />
<br />
Bên linh cữu cha, tôi vẫn bàng hoàng. Mấy giờ trước vẫn còn cha mà giờ cha đã thành người thiên cổ. Những câu hỏi tại sao cứ đè nặng tâm can. Cha là người ý chí, nghĩa khí nhưng tại sao cha lại chọn cái chết thảm khốc như thế. Hay vì lẽ đó mà cha được thanh thản, gột rửa? Tại sao cha ơi?<br />
<br />
Sự kết thúc cuộc đời mỗi người khác gì ngày tận thế của một thế giới. Trong ánh chớp lửa, tôi như thấy khấp khểnh bóng cha đang xiêu dần về phía mộ ông bà. Tôi chới với gọi cha tôi lần cuối trong tiếng trống hiệu lệnh róng rả, thúc giục: "Cha ơi!"<br />
T.M.H.
Posted on Thu, 13 Jan 2011 05:55:32 +0000 at
/forum/showthread.php?tid=9170