Năm 1964, chàng trai Dịnh rời quê Quảng Xương lên làm công tác đoàn tại Lâm trường Như Xuân, sau chuyển xuống Tỉnh đoàn. Một lần đến xã Hải Vân, huyện Như Xuân, anh đã bị hút hồn bởi tiếng hát và sắc đẹp của người con gái tên Phạm Thị Mai, giáo tiểu học. Mặc cho đường sá của huyện Như Thanh rất xấu, cứ mỗi tuần một lần, anh Dịnh đạp xe đến với người mình yêu. Sự kiên trì và tình yêu của anh đã làm rung động trái tim cô giáo Mai. Năm 1970, họ tổ chức lễ cưới.<br />
<br />
<br />
<br />
Khi đứa con thứ hai tròn 2 tuổi (năm 1976), chị Mai mắc bệnh viêm đa khớp. Bây giờ, ngồi nhớ lại giây phút đó, ông Dịnh kể: "Sau mấy ngày bị sốt, bà ấy xọp hẳn xuống rồi chuyển dần teo cơ, các khớp cứng hết. Tôi gửi con sang hàng xóm và đạp xe một mạch 50 km xuống thị xã bắt tàu ra Hà Nội. 1 giờ đêm đến nơi, tôi lang thang đợi trời sáng mới dám vào nhà bà chị họ làm ở Viện 108 xin thuốc vì không có tiền mua. Hồi đó nhà nghèo lắm, làm công tác đoàn như người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, lấy đâu ra tiền. Xin được thuốc, không kịp uống nước, tôi bắt xe quay về ngay, sợ bà ấy nằm nhà không an tâm. Nhưng thuốc cũng không lại được, càng ngày vợ tôi càng tọp xuống rồi nằm liệt hẳn một chỗ. Gần 24 năm rồi, bà ấy vẫn nằm một chỗ và vẫn tư thế ấy".<br />
<br />
<br />
<br />
Vợ mắc bệnh, 2 con nhỏ, ông Dịnh đã nghĩ đủ cách kiếm thêm đồng ra đồng vào. Cuối cùng ông quyết định biến mảnh vườn 2.000 m2 khô cằn của mình thành vườn cây ăn quả với đủ loại ổi, na, táo, hồng xiêm... Ngày ngày, ông dậy từ sáng sớm đưa hoa quả ra chợ cho các hàng quán. Vườn cây đem lại cho gia đình ông cuộc sống đầy đủ hơn, hai con ăn học đến nơi đến chốn. Bà Mai bớt đi nỗi lo thuốc thang mỗi khi trái gió trở trời.<br />
<br />
<br />
<br />
Bà Mai kể: "Nhiều hôm, tôi đã khóc khi nhìn thấy chồng cặm cụi nhặt từng mớ rau, quả ổi đem ra chợ bán lúc trời còn chạng vạng. Hôm nào ông cũng vào xem chắc chắn tôi đang ngủ ngon mới an tâm đạp xe đi. Có lần phát hiện vợ đang khóc, ông đã bỏ buổi chợ ngồi nhìn tôi, khóc theo. Nhưng hai vợ chồng không dám khóc to sợ các con nghe thấy thì buồn. Ông thường khuyên tôi phải chiến đấu em ạ, em chiến đấu với bệnh tật, còn anh chiến đấu với đời thường. Tất cả công việc từ đánh răng, rửa mặt đến tắm giặt và vệ sinh của tôi ngày trước đều một tay anh làm cả. Từ khi các cháu lớn, chúng phụ giúp cho nên anh cũng đỡ hơn". Bà rơm rớm nước mắt nói tiếp: "May mắn lớn nhất đời tôi là gặp được người chồng yêu mình. Hai con đã xây dựng gia đình và về đây ở cùng, thế là cả đời tôi luôn có chồng con bên cạnh. Nay lại có thêm cháu nội nữa, tôi mừng lắm".<br />
<br />
<br />
<br />
Có nhiều người tò mò hỏi ông chuyện tế nhị của đời sống vợ chồng, ông Dịnh chân thật kể: "Tôi kiêng 25 năm nay rồi, từ khi vợ có bệnh. Có nhiều lần nằm tâm sự, bà ấy bảo tôi hãy đi tìm một người khác làm lại cuộc đời. Nhưng tôi bảo tôi có làm sai đâu mà phải làm lại. Mỗi lần như thế bà ấy lại khóc, tôi biết đó là nước mắt hạnh phúc. Hạnh phúc của tôi là được chăm sóc bà ấy và các con, chăm sóc những người mình yêu".
Posted on Sat, 01 Jan 2011 03:34:36 +0000 at
/forum/showthread.php?tid=8794