Phòng làm việc của tôi rộng, buổi trưa, các chị đồng nghiệp thường rẽ vào nghỉ ngơi, tám chuyện. Chủ đề được các chị hưởng ứng rôm rả nhất là mẹ chồng, gia đình chồng. Nhắc đến đề tài này là các chị tỉnh ngủ, ai nấy đều có cái để bức xúc.“Không thể tưởng tượng được trên đời lại có người đàn bà hà tiện và khó tính đến thế. Con dâu ốm phải nghỉ làm, ra tiệm gội đầu, giặt quần áo bằng máy giặt, đã chẳng có lấy một lời hỏi thăm lại còn càm ràm trách móc hoang phí, không biết tiết kiệm…”;<br />
<br />
<br />
<br />
“Nhà đông người mà sáng nào bà cũng đòi nấu ăn sáng ở nhà. Con trai có vợ rồi mà vẫn can thiệp, quản lý như đứa trẻ lên ba; vào phòng riêng của con chẳng thèm gõ cửa”;… Hết chuyện này đến đề tài kia, các chị thi nhau kể tội mẹ chồng đang hủy hoại cuộc sống của họ.<br />
<br />
<br />
<br />
Lúc đầu tôi không để ý, nhưng những câu chuyện tương tự như thế vọng vào tai, biến tôi thành một người nghe chuyện bất đắc dĩ. Tôi thấy thương các chị, đều là những người biết cư xử, đáng yêu mà sao chẳng được về làm dâu trong một gia đình xứng đáng. Nhưng khi có hai chị nữa vừa mới lấy chồng chưa đầy tháng đã ấm ức trút bầu tâm sự; thì trong tôi dấy lên câu hỏi: Có thật phụ nữ cơ quan tôi đáng thương, toàn gặp phải những hoàn cảnh không như ý, hay họ là những người thích chê bai, kể lể?<br />
<br />
<br />
<br />
Thật ra, các chị ấy đều là những người hiểu biết, thông minh. Họ thừa hiểu mẹ và gia đình chồng cũng là một xã hội thu nhỏ như bất cứ gia đình nào với vô vàn mâu thuẫn lớn nhỏ. Họ cũng biết “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, chỉ những người trong cuộc mới biết rõ nội tình. Cho nên, có bất bình, chán nản, thất vọng thì khi về nhà, đối diện với những con người với những vấn đề ấy, họ vẫn đang cố gắng làm người dâu tốt. Thế thì sao các chị vẫn hứng thú với chuyện “mổ xẻ nhà chồng”?<br />
<br />
<br />
<br />
Phải chăng đó vẫn không phải là mẹ mình, là gia đình thực sự của mình nên họ cảm thấy thoải mái khi nhìn nhận, đánh giá với con mắt của một người ngoài cuộc? Tôi không dám nghĩ như vậy về những phụ nữ vốn rất dễ thương của cơ quan mình. Chỉ có thể lý giải: Đơn giản là các chị muốn chia sẻ và tìm sự đồng cảm về “phận làm dâu”. Nói chuyện nhà chồng là cách để các chị giải phóng stress, giải tỏa những ấm ức trong lòng.<br />
<br />
<br />
<br />
Nhưng, các chị quên mất một điều, khi “hồn nhiên” kể tội nhà chồng, các chị đã gieo vào đầu những người nghe, cả nam và nữ nỗi buồn và sự khó chịu của những định kiến về nhà chồng. Hình ảnh dễ thương của các chị ít nhiều giảm sút. Bỗng dưng tôi cũng trở nên e dè về người bạn gái hiện tại của mình. Bố mẹ cùng những mối quan hệ quyến thuộc của tôi sẽ ra sao trong mắt em vào một ngày không xa, khi em trở thành dâu con?<br />
<br />
<br />
<br />
Theo PNO
Posted on Mon, 27 Dec 2010 04:32:01 +0000 at
/forum/showthread.php?tid=8562