Thời tiết Sài Gòn những ngày cuối năm thật là kỳ lạ với cái lạnh se se. Không khí Tết hiển hiện ở mọi nơi từ cơ quan, công sở, trường học đến siêu thị, shop hàng, chợ búa..<br />
<br />
Sáng nay đến cơ quan, lại được chị bán bún ở căng tin bưng vào cho một bát miến gà, khuyến mại thêm vài miếng huyết luộc xắt quân cờ xinh xắn, nằm điểm xuyết trên màu bún trắng, măng vàng, lá hành ngò xanh xanh. Trông đến là ngon mắt.<br />
<br />
Mỗi lần ăn món gì có liên quan đến gà lại nhớ Tết quê, nhớ bà nội, nhớ mẹ vô cùng. Một Tết năm kia, mình với bé Nhím - con gái nhỏ từ Sài Gòn về nhà bà nội (là cụ của con gái nhỏ) ở Nam Định ăn Tết. Lần nào cũng thế, ra Bắc lượn lờ Hà Nội vài vòng là nhăm nhăm, háo hức, rủ rê ông bà ngoại Nhím lên đường về Nam Định.<br />
Nhà ông bà nội nằm ngay trên quê hương của triều Trần, cách thành phố Nam Định vài km. Nhà bà nội giờ hiện đại lắm rồi, đầy đủ các tiện nghi văn minh, nhưng khung cảnh xung quanh thì ông bà vẫn giữ nguyên như cả trăm năm qua nó vẫn thế.<br />
<br />
Về quê, đã nhất là được ra vườn.Vườn rau. Vườn trái cây. Mùa nào thức ấy. Và hoa nữa. Các loại hoa rực rỡ khoe sắc và đua nhau tỏa hương - thơm ngát cả khoảng sân khoảng vườn trước cửa nhà.<br />
<br />
Mình vẫn nhớ cảm giác ngày bé ngủ ở nhà bà. Mỗi sáng thức giấc, mở cửa bước ra là cả một thế giới cổ tích hoa và hương thơm trong lung linh nắng hè hay mưa xuân lất phất. Chim non ríu rít trên những ngọn xoan, vi vu tre hát ngoài ngõ, ong la đà say hút nhụy trên những khóm hồng, từng con bướm sặc sỡ to như những bằng bàn tay, rập rờn vờn bụi tầm xuân.... Tất cả như chào đón mình. Chào đón em bé ở phố về quê chơi với ông bà.<br />
<br />
Thực sự, nhà ông bà nội là một nơi về không thể thân thương hơn. Lũy tre ấy, hàng cau ấy, bụi mây ấy, bờ ao ấy, rặng găng ấy.... bao năm vẫn thế. Giàn trầu không xanh mướt của bà, bụi chanh cốm thơm ngát ông trồng, rặng dây lá mơ tim tím do chính tay mình ươm trong góc vườn hồi nhỏ, giàn thiên lý ngăn ngắt ngoài sân... vẫn bền bỉ cống hiến cho người, bất chấp thời gian.<br />
<br />
Những cây nhãn, cây mít, cây na, hồng xiêm, bưởi, đu đủ, roi, nhót, chuối... vẫn chờ mình về hái trái... Rau đay, rau muống, rau dền, cải bẹ, xu hào, cải ngồng, mướp hương... Húng, răm, mùi tàu, hành hoa, diếp cá, rau diếp, xà lách, gừng, ớt chỉ thiên... sẵn sàng cho những bát canh ngon ngọt.<br />
<br />
Rồi các loại hoa: hoa giấy, hồng bạch hồng nhung hồng tía, mẫu đơn, sứ, bóng nước, tầm xuân, dâm bụt, móng rồng, quỳnh, mắt ngọc... tíu tít khoe hương khoe sắc. Nhớ hồi bé, nhiều lần thao thức chờ xem hoa Quỳnh vườn bà nở trong những đêm đẫm ánh trăng và ngát hương cau. (Cái này phải chua thêm là rõ ràng mình có máu lãng mạn hâm hấp từ bé tí.)<br />
<br />
Nhớ cả những ngày Rằm, mùng Một lúc bé. Những ngày ấy sáng thường theo ông và các cô dậy sớm. Ra vườn hái các loại hoa, xếp gọn gàng trong những miếng lá chuối xanh thẫm đã xén gọn gàng, rồi gói vuông và cột lại bằng những cọng rơm vàng ươm, để bà mang ra chợ bán.<br />
<br />
Nhớ cả những lần theo các cô rang thính cất vó, hay chộn rộn chuẩn bị giỏ, quấn xà cạp (để tránh đỉa) đi bắt cua. Rồi mình và các cô ngồi tỷ mẩn dùng những cành găng nhỏ và những sợi rơm, kết cua lại thành từng xâu - gọi là xâu cua - mỗi xâu khoảng 15-20 con (hồi í cua chưa bán ký như bây giờ) - cho bà mang ra chợ bán.<br />
<br />
Cua cái béo gạch - cua đực thịt dày. Mỗi xâu cua phải đủ hai loại đực - cái, thế mới công bằng cho những người mua. Bao giờ bà cũng giữ lại một ít cua béo nhất, chắc nhất để nhà ăn. Canh cua ngó khoai, canh cua rau đay mùng tơi, canh cua hoa thiên lý, canh cua rau muống với ngổ (miền Nam gọi là ngò ôm), canh cua rau ngót, canh cua khoai sọ rau rút, riêu cua với mẻ - cà chua... Tất cả những món ăn liên quan đến cua được thưởng thức ở nhà bà hồi bé bây giờ cũng vẫn là thực đơn khoái khẩu của mình...<br />
<br />
Nhớ những đêm thức xem ông bà nấu rượu, hít hà mùi men thơm nồng và có khi say ngất ngây vì thích ăn bã rượu trộn đường. Nhớ không khí tấp nập náo nức lúc cả làng đụng lợn đón năm mới, trẻ con cả xóm xúm xít quanh nồi cháo lòng to bự, chờ người lớn múc cho ăn. Nhớ những đêm sát Tết chui vào ổ rơm canh nồi bánh chưng chờ ăn bánh cóc - những cái bánh nhỏ xinh mà ông đã chủ ý gói riêng cho trẻ nhỏ - với thật nhiều đỗ xanh và thịt.<br />
<br />
Nhớ những ngày nhà ông bà tát ao - đông vui tấp nập kẻ mua người bán và cả những đứa trẻ quê lớn hơn mình vài tuổi háo hức rủ nhau sang hôi cá. Cho đến giờ mình vẫn không quên được cảm giác tò mò của một đứa bé, khi nhìn nước ao cứ cạn dần đi theo công suất của máy bơm. Lúc ấy, ao chỉ còn để trơ lại một đáy bùn mênh mông lẫn những con cá nhỏ trắng lốp quẫy tach tách, với mùi bùn ao nồng nồng sộc lên tận óc.<br />
<br />
Chợ cách nhà ông bà chừng 2km. Suốt đời - từ lúc là cô gái mới lớn cho đến bây giờ, bà đi bộ khi tất tả, lúc thong dong - từ nhà ra chợ ấy và ngược lại. Chỉ với một cái thúng có đậy miếng vỉ mây - nhìn thì chông chênh nhưng thực ra rất cân bằng trên đầu - bà mang hồn nhà ra chợ, mang hồn chợ về nhà. Tan mỗi buổi chợ, thế nào dưới lớp vỉ mây trên thúng của bà cũng có những món quà - khi bánh đa, khi bánh rán, khi bánh đúc, khi lạc luộc....<br />
<br />
Riêng Nhím về nhà cụ, rất khoái chí được nhìn gà mẹ dẫn theo một đàn con xinh xinh như những cục bông vàng óng - lục tục - lững thững đi kiếm ăn trên nền sân gạch đỏ hay bới đất tìm giun nơi góc vườn. Rồi chó - mèo nhà bà - nhà hàng xóm chạy qua chạy lại - gầm gừ nhau - chí chóe.<br />
<br />
Con gái nhỏ của mình cũng khoái cái giếng "giống bình nóng lạnh" nữa, vì mùa đông nước ấm - mùa hè thì mát lạnh. Thực ra, nhà ông bà dùng nước máy, vòi hoa sen, bình nóng lạnh, bếp ga mười mấy năm nay rồi, nhưng cái giếng, cái bể nước mưa to đùng, cái bếp kiềng đun rơm - đun củi ông bà vẫn giữ. Như những kỷ niệm - là những không gian sinh hoạt chung, gắn bó mỗi khi gia đình tụ họp .<br />
<br />
Nhắc đến gà. Lại phải chép miệng chèm chẹp là về nhà bà rất khoái được ăn thịt gà bà nuôi. Gà ấy thì gà Hà Nội, gà Sài Gòn không thể nào sánh được. Mình cứ kịch liệt phản đối, bảo ông bà nuôi gà làm gì cho mệt - vì già rồi. Nhưng ông bà bảo: hai cụ già ngồi vui cảnh điền viên không thôi thì cũng buồn- nên nuôi mấy con gà vịt- chó mèo cho vui. Với lại một công đôi việc. Để giỗ chạp, rồi đến Tết có gà ngon, gà béo, gà sạch. Trước cúng tổ tiên - sau con cháu thụ lộc.<br />
<br />
Lan man mãi, giờ mới quay lại được câu chuyện chính - là lý do để viết entry này. Đó là mỗi lần ăn gì liên quan đến gà lại nhớ mẹ và bà nội. Năm đó, mình và con gái nhỏ về quê ăn Tết. Mình hay bị đói con mắt nên mẹ vừa luộc gà xong là nhón ngay miếng tiết nóng còn đang bốc khói nghi ngút.<br />
<br />
Vừa nhón lên thì bị mẹ đánh bốp cho một cái vào lưng. Rồi mắng "miếng này để phần bà. Mày không biết giờ cả con gà bà chỉ ăn được miếng tiết, miếng gan à".<br />
<br />
Thực sự mình chọn miếng tiết để nhón vì nghĩ so với cả con gà, thì nó chỉ là phần ăn phụ thôi. Nhưng nghe mẹ nói thế thì nghẹn lòng và trào nước mắt. Vì thương bà. Nhớ ra là răng bà đã rụng gần hết rồi. Những năm gần đây, mỗi khi có dịp về quê, khi cả nhà quây quần trò chuyện sau bữa cơm tối, mình thấy mẹ thường giã trầu trong cái cối nhỏ, hoặc nhai dập miếng trầu trước, rồi mới đưa bà. Đến bữa, mẹ cũng tự tay xé thịt tơi nhỏ, để bà dễ ăn.<br />
<br />
Cháu gái lấy chồng xa, một năm cũng chỉ đôi ba lần về quê, lúc nào cũng vội vã nháo nhào. Về đến nhà bà rồi, thì thấy mình vẫn bé tí. Nên đôi khi cháu gái quên mất là cháu gái cũng đã "toan về già" - nên đương nhiên là ông bà phải già lắm lắm rồi.<br />
<br />
Và nghe mẹ nói thì cảm động nữa. Con dâu - nấu cỗ xong rồi thì nhất định phải giữ cho mẹ chồng miếng gan - miếng tiết. Mẹ chồng ấy thì có con dâu ấy. Cái nết này - mình cũng cố học mẹ học bà - nhưng chắc còn lâu mới theo kịp.<br />
<br />
Tô miến gà sáng nay làm mình lan man quá mất rồi. Nhưng mà Tết này nhất định sẽ về quê. Để lại được lăn vào lòng bà như ngày bé. Cháu một bên và chắt một bên. Bên này mình sẽ tranh nằm cạnh bà nội - còn bên kia con gái nhỏ của mình tranh nằm cạnh cụ . Mẹ - tức bà ngoại Nhím thì nhường cho bé Bông nhà Hải tồ em trai mình.<br />
<br />
Như Tết năm nào. Chí chóe. Mà vui! Mà hạnh phúc. Going home! Going home! Going home...
Posted on Wed, 19 Jan 2011 05:30:15 +0000 at
/forum/showthread.php?tid=9368