Lạc đường
tranthanhan1962 > 01-08-15, 01:33 AM
Chiều nay có 3 người bạn đến tìm và rủ đi nhậu. Những người quen cũ nơi tôi dạy hồi thập niên 80 mà tôi đã từng kể cho các bạn. Thực ra cũng chẳng phải tìm vì họ đã điện hẹn trước. Cú điện thoại báo rằng khoảng 3 giờ sau họ sẽ ra thành phố và đến nhà tôi (chỗ tôi ở giờ đã là thành phố, hồi đó khi tôi mới đi dạy nó chỉ là một thị trấn nhỏ bé). Vậy mà chưa đầy 2 giờ họ đã xuất hiện. Chả bù ngày xưa từ nơi tôi ở đến đó phải đi tàu đò, tắc ráng 2 ngày mới tới.
Cũng phải hơn 20 năm tôi mới thực sự gặp lại họ, nếu không tính những lần gặp gở bất ngờ trên đường và chỉ chào hỏi qua loa.
Ba người đó là Anh H. Trạm trưởng trạm y tế hồi ấy đã về hưu với chức vụ sau cùng là Giám đốc bệnh viện huyện. Anh S. Xã đội trưởng sau khi cưới cô vợ thứ hai (vợ anh S mà tôi biết bệnh mất sau khi tôi chuyển về dạy gần nhà 2 năm) phải nghỉ việc vì lý lịch cô này có cha là sĩ quan trước năm 75, anh ra quân về làm ruộng nhưng giờ là chủ 2 cây xăng thuộc loại lớn trong vùng và hơn chục mẫu ruộng cho thuê. Cậu M. về trường sau tôi 4 năm. Giờ cũng là hiệu trưởng trường cũ nơi tôi đã dạy. Ngôi trường tuy nằm trên khoảng đất cũ nhưng không còn là dãy chòi lá mà đã trở thành một ngôi trường khang trang 2 tầng với trên 50 phòng học.
Ngồi nhậu trong một nhà hàng ở thế kỷ 21, mà chúng tôi cứ nhắc đi nhắc lại những kỹ niệm hồi thời thập niên 80 của thế kỷ 20. Hồi đó…Hồi đó. Cậu M. tâm đắc với chuyện cậu phát hiện đi lạc đường trong một lần chúng tôi đi nhậu.
Lần đó sau tiết học cuối buổi chiều. anh S. đã hẹn sẽ dẫn chúng tôi đi qua nhà ba má vợ (vợ cũ) của anh nhậu chơi, lúc này anh cũng ở đây để đi làm cho gần, nhà anh cha mẹ ở cuối xã, xa hơn chục cây số. Buổi chiều, trời chuyển mây đen, chúng tôi chần chừ không muốn đi, nhưng anh S. quyết tâm bảo là đã hứa với ông già vợ: Giờ này bên đó chuẩn bị sẳn rồi, không đi ông già chưởi chết. Mà đường đi đâu dễ dàng gì, hơn 2 cây số đường mòn và gần hai chục cây cầu khỉ. Nhưng rồi chúng tôi cũng đi.
Đến nơi vì trong nhà thiếu chỗ ngồi (chúng tôi đi khoảng 7 người – 6 giáo viên và anh H., không kể anh S. vì anh là phe chủ nhà) cùng với người trong nhà nên hơn chục người. Vợ anh S phải lấy cái đệm phơi lúa trải ra sân.
Hồi đó, ba vợ cũ của anh S. (giờ ông ấy cũng đã mất rồi) là một ông già để râu dài. Sau lần phụ việc của anh S ông rất quí tôi (Ông là anh ruột của ông nội cái cô sinh ngược đó) nên buộc tôi ngồi bên cạnh ông. Ông mời rượu tôi liên tục. Lâu lâu anh S. thò chân qua đá chân tôi một cái, rồi nháy mắt. Hiểu ý anh S tôi gật đầu. Tôi uống rượu cũng không tệ, nhưng ít khi nào để bị say nên khi cảm thấy vừa là từ chối ngay, thẳng thắng, không e ngại. Điều này làm mấy bác mới quen phật lòng không ít. Nhưng lần này thấy anh S. ra hiệu nên tôi phá lệ, cố gắng tiếp chiêu với bác già. Mãi đến tối, tiệc rượu mới xong, đúng ra anh S. sẽ ở lại nhưng vì trời mưa lâm râm, đêm tối như mực, sợ chúng tôi lạc đường nên anh cùng chúng tôi đi về. Tối anh ngủ lại xã đội.
Ra khỏi nhà một đoạn anh hỏi tôi: mày xỉn chưa (hồi đầu mới quen anh kêu tôi là thầy, như khi thân anh mày tao luôn). Tôi nói cũng mệt nhưng mà chưa sao! Anh cười: Ông già nhậu thầy chạy. Ba thằng như tao còn uống không lại. Sợ phải khiêng mày về, đá giò mày cho mày từ chối, mà mày cứ tỉnh bơ con với bác – bác với con. Á vậy là tôi hiểu lầm. Tôi nói suy nghĩ của mình làm cả bọn cười ầm.
Đi một đoạn mấy bó tàu dừa tắt queo hết vì bị ướt. Anh S. bảo người sau cứ nhìn theo dạt áo người trước mà đi. Anh đi đầu dẫn đường: Đừng lo, tui là thổ địa ở đây, dù có bị bịt mắt cũng không lạc, yên tâm đi theo tui.
Đi một lúc cậu M. (lúc này M. mới về trường, trẻ nhất trong nhóm) la lên: Chú S. ơi! Lạc đường rồi. Anh S. trả lời: Lạc đâu mà lạc. – Lạc thiệt mà. Hồi mình đi mấy cái cầu tay vịn nhỏ không hà, đâu có cái cầu nào tay vịn bự như vầy. Chúng tôi kiểm tra lại. Đúng là tay vịn lớn thiệt. Bổng anh H. cười ha hả. “Bự đâu mà bự, hồi chiều đi trên cầu, vịn tay vịn, bây giờ đi dưới mương, vịn cây cầu hổng bự sao được”.
Thì ra chúng tôi đang đi dưới cái mương lạn chứ đâu có đi trên cầu, vậy mà ai cũng sợ té bám chặt thân cầu mà tưởng là tay vịn.
Đang cười vui anh H. tự nhiên buồn bả: Ngày đó nghèo mà vui. Giờ nhìn lại mỗi lần gặp nhau chỉ có vài người. Có người không bao giờ gặp lại được. Rồi anh kể một hơi hơn chục tên người quen đã mất. Anh S. bổng vịn vai tôi: tụi tao ở dưới có khi lên đây gặp mày chứ biết bao giờ mày trở lại đó nhậu với tụi tao. Giờ tao cất biệt thự rồi ngồi nhậu thoải mái chứ không phải như ngày xưa có khi đông quá phải ra sân trải đệm. Trời mưa một cái là chạy vô nhà, nhậu kiểu đứa đứng đứa ngồi.
Anh H. đế thêm: mà giờ đâu có nhiều người mà sợ chật. Dưới đó giờ gom bạn nhậu thời đó chỉ có tao, ông S., thằng M., may mắn thì có thêm G. và K. Mà cũng đâu khi nào đủ mặt.
Tôi vỗ nhè nhẹ vào vai anh S. hẹn anh sẽ sắp xếp trở về dưới đó một ngày gần đây. Một lời hứa mà chính tôi cũng không chắc là sẽ thực hiện được!