- Xung quanh chén trà, có không ít chuyện đáng nói, nhất là chuyện “lễ” của trà. Lễ hội văn hóa trà cứ hai năm một lần diễn ra ở xứ sở trà Lâm Đồng này (nay là lần thứ ba, được tổ chức chính tại thành phố trẻ Bảo Lộc trong các ngày từ 25 - 27.12.2010), một trong những mục tiêu nhắm đến cũng là cái chuyện “lễ” này đấy.<br />
<br />
Ấy là nói một cách khiêm tốn; chứ nếu không, phải gọi đó là “đạo”. Vì, như nhiều người đang thống nhất với nhau là, bởi xứ Việt mình chưa có “trà đạo” nên bảo rằng nói chuyện “lễ” của trà cũng là một cách nói khiêm tốn vậy mà!<br />
<br />
Uống trà... quái chiêu<br />
<br />
Ngày còn ở bộ đội, tôi có một anh bạn trung đội trưởng khá nổi tiếng bởi những chuyện... tinh quái. Sửu – tên anh ấy. Chuyện uống trà của Sửu thì nổi tiếng cả trung đoàn pháo binh của chúng tôi ngày ấy. Có lẽ, trung đội trưởng Sửu của tôi là người duy nhất trong trung đoàn uống trà bằng... “bình miệng”! Có nghĩa là không cần ấm chén, bình tách gì cả, cứ thế cho trà thẳng vào mồm rồi... pha nước sôi vào. Nếu không có nước sôi, chỉ cần ngụm nước nguội hoặc nước lã cho vào rồi ngậm. Nếu bí quá, không có cả nước lã thì cứ thế lấy... nước bọt làm nước pha trà!<br />
<br />
“Trời, thật khủng khiếp!” – mấy o nuôi quân có lần thốt lên như vậy khi chứng kiến cách uống trà của Sửu. Nhưng một lần, đơn vị chúng tôi nhận lệnh hành quân qua quãng đường khá dài. Những bi đông nước rồi cũng cạn đến giọt cuối cùng. Trời nắng chang chang. Không một khe suối nhỏ. Mọi người mệt lả vì thiếu nước. Mấy chị nuôi “sốt” lên bởi sẽ bị kiểm điểm khi về đến điểm tập kết. Chúng tôi càng đi, đồi núi đá càng trơ khốc. Thử đào, khoét vài kẽ đá tìm nước, nhưng không thể. Cổ họng rát cháy. Mấy chùm rêu lơ thơ bám trên vách núi cũng khô kiệt. Đúng lúc mọi người sắp kiệt sức thì trung đội trưởng Sửu của tôi từ từ mở ba lô và lấy ra một dúm trà. Anh thả vào tay mỗi người vài đọt trà khô và bảo: “Cho vào miệng, rồi ngậm chặt!”. Vị trà đắng chát, đặc quánh trong miệng. Nhưng sau đó, thật kỳ diệu, càng ngấm nước bọt, nó thanh dần, thanh dần, rồi chuyển sang vị ngọt. Tôi nuốt từng ngụm nhỏ, thật nhỏ. Thứ nước trà “quái chiêu” này vào trong cuống họng đến đâu thì cơn khát bị đánh bạt đi đến đó. Trung đội trưởng Sửu của tôi cười: “Sửu này “quái.. quỷ” nhiều thứ, nhưng riêng kiểu uống trà này thì... không hề đâu nhá!”. Sau “tuần trà” bất đắc dĩ ấy, dĩ nhiên không có mấy người học theo kiểu uống này, nhưng chắc chắn rằng không có nhiều người không thừa nhận những tác dụng “cực kỳ” của nó! Đặc biệt là mấy chị nuôi, sau đận uống trà “kỳ dị” đó, đã được... thoát nạn (nghĩa là không có kiểm điểm). Hỏi: “Anh học kiểu uống trà này ở đâu vậy?”. Sửu lại cười: “Không nhớ! Nhưng, nghe nói là của mấy vị tu hành!”.<br />
<br />
Độc ẩm<br />
<br />
Tôi quen với một vị thầy tu tên là Vân, hiện sống tại thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng). Vân (chúng tôi vẫn quen gọi vị thầy tu này bằng tục danh) sống một mình trên một quả đồi cao tại xã Đại Lào, ven đô Blao (tên gọi khác của Bảo Lộc). Vân vừa tu hành nhưng cũng vừa làm thơ và viết nhạc. Điều đáng nói, lúc nhỏ, Vân không được học hành nhiều. Thế rồi, khi lớn lên, lúc vào chùa, Vân đã được các sư chỉ dạy cho nhiều thứ, nhưng dĩ nhiên là không đạt được đến một trình độ “cao” nhất định.<br />
<br />
Bởi vậy, khi ra “ở riêng” trên đồi Phương Bối, Vân phải tự học thêm là chính. Làm thơ, làm nhạc, Vân một mình thường đi Đà Lạt hoặc xuống Sài Gòn để làm đĩa, in thơ, hoặc đi lo một công việc công quả gì đó. Với riêng tôi, Vân dành cho sự ưu ái đặc biệt: Cấp hẳn chiếc chìa khóa để bất kỳ lúc nào cũng có thể mở được cửa chốn tu tịnh trên Phương Bối Am.<br />
<br />
Lần ấy chưa xa, đi công tác xuống Bảo Lộc, tôi quyết định vào Phương Bối Am để “tịnh”. Đường lên Phương Bối Am phải qua một con dốc đứng khá dài. Tôi dựng xe máy từ xa, rồi men theo lối mòn nhỏ dẫn vào thất của thầy Vân. Phương Bối Am nằm giữa một ngọn đồi cao, xung quanh là sim, mua và thông. Đã lâu lắm rồi tôi mới trở lại nơi này. Sương bảng lảng dưới thung sâu. Sương quấn vào bước chân không vội vã. Thoảng mùi hương sim, hương mua lẫn trong mùi ngai ngái của đất. Chưa mở cửa vội, tôi ra phía chái bên múc nước rửa ráy thật kỹ.<br />
<br />
Ở Phương Bối Am không có giếng, cũng không có nước máy, nên thầy Vân ăn nước trời là chính. Dòng nước trời mát lạnh giúp tôi rũ bỏ mọi thứ trên thân thể, kể cả những gì đang vướng víu bên trong cái đầu. Mở cửa, bước vào căn phòng phía dưới, một bình trà con cùng với mấy chiếc chén con để sẵn. Bên cạnh bình pha trà là hộp đựng trà được đậy kín. Trên vách, mấy câu thơ viết theo lối thư pháp được treo trang trọng nhưng giản dị. Chủ nhà - “trụ trì” đi vắng, tôi tự tay lấy nước trời, bắc ấm lên bếp và chờ nước sôi. Chỉ một mình, nhưng khi nâng chén trà ngang mặt, tôi bỗng dưng cảm thấy cần phải đưa tiếp bàn tay còn lại vào phía dưới chiếc ly con.<br />
<br />
Tôi hớp khẽ từng ngụm, từng giọt, để hương vị chát ngọt, dịu thơm... lan tỏa vào không chỉ trong thân thể mà còn lan tỏa vào trong cả đất trời này. Bởi cảm giác cô đơn, buồn vời vợi xâm chiếm, nên chắc cũng như tôi trong lúc này, bạn sẽ thấy mình không khác nào một hạt sương nhỏ nhoi rơi rơi trong chiều đông. Nhưng, nếu ngẫm cho kỹ cùng chén trà “tịnh” trong lúc đó, bạn sẽ thấy mình là hạt sương khiêm tốn, không hoàn hảo, thậm chí rất đơn sơ, nhưng không thể thiếu bởi sự hiện diện của nó chính là để làm đẹp cho bước chân con người ta trên hành trình của cuộc sống này.<br />
<br />
Nhà tu hành tên là Vân này từng lý luận với tôi rằng: “Văn hóa trà của người Việt không cần phải được nâng tầm lên thành một thứ tôn giáo, tức là một “trà đạo” như người Nhật. Nhưng, trong sự phát triển đa chiều, đa phương của mình, cái “lễ” của văn hóa trà người Việt là giá trị mà không phải ở bất kỳ dân tộc nào có sử dụng trà cũng được tìm thấy!”.<br />
Uống trà chân đất<br />
<br />
Cũng tại xứ trà Blao (Bảo Lộc), tôi còn may mắn được quen với một “thực trà” nhà văn tên là Nguyễn Thành Trung. Trung có dáng người nhỏ như... không thể nhỏ hơn được nữa. Ai đã đọc qua tiểu thuyết “Đất đình Gừng” của anh (tác phẩm được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam), hẳn không quá khó để nhận ra một “khách làng trà” Nguyễn Thành Trung trong những trang kể về ẩm thực trà của các cụ già xưa. Để viết được những dòng ấy, hẳn cái nền về văn hóa trà Việt của Nguyễn Thành Trung vững lắm.<br />
<br />
Nhưng, chuyện trước tiên mà tôi muốn chép ra đây là chuyện về một Nguyễn Thành Trung ngày còn rất nghèo khó. “Sống ở xứ trà, phải bám vào trà để mà... sống chứ!”. Mỗi lần nghe kiểu “biện minh” này của anh, tôi bỗng cảm thấy thật thú vị khi so sánh hai hình ảnh: Một Nguyễn Thành Trung ngồi bó gối mặc quần soọc cho cả hai chân lên ghế để viết tiểu thuyết, và một Nguyễn Thành Trung tất tả cong người khuất trong mấy bao tải trà cao ngất ngưởng trên chiếc xe hai bánh cà tàng chở trà cho mấy đại lý thu mua ở thị xã Bảo Lộc (ngày ấy, Bảo Lộc còn là thị xã).<br />
<br />
Buổi sáng, cứ sau mấy “cuốc” xe như thế, anh lại về nhà ngồi bó gối viết, viết và viết. Và, bên bàn viết của anh, không bao giờ thiếu một bình trà “chân đất” đúng điệu! “Mình uống trà “chân đất” thôi ông ạ! Không quý phái, không cao sang, nhưng phải đúng cách!” – mỗi lần ghé thăm anh, tôi đều được ông “nhà văn chân đất” này... lưu ý như thế. Cái “chân đất” mà Trung nói ở đây chính là: Trà nhà tự trồng (trồng ở bên góc rào) và tự pha theo gu của riêng mình. Rồi nữa, cái đẹp, cái văn hóa, cái hồn... trong uống trà không chỉ là uống trà, mà còn tận hưởng sự bảng lảng của khói sương kết tinh trong chén trà, sự mặn mòi của hương đất tích tụ trong chén trà, sự thật tâm của người pha trà gửi gắm trong chén trà... Chén trà của Trung đơn sơ là vậy nhưng có cả hương đất, hương trời và tình người, nên mỗi khi nhớ lại là tôi muốn bay ngay về xứ trà Blao để ngồi với bạn.<br />
<br />
Chép những chuyện đã qua đến đây, tôi đọc lại mấy trang giấy nói về kế hoạch tổ chức Lễ hội văn hóa trà Lâm Đồng lần III 2010 được tổ chức trong các ngày từ 25 – 27.12. Lại nhớ thêm mấy con số: Lâm Đồng có cả thảy gần 25.000ha chè, trong đó có gần 25% là chè cao cấp. Rồi nữa, cứ hai năm một lần, Lâm Đồng tổ chức lễ hội văn hóa trà nhằm tôn vinh nghề trà, đặc biệt là những người trồng trà. Chưa hết, ở lần tổ chức lễ hội văn hóa trà thứ ba này, địa phương sẽ chính thức công bố nhãn hiệu chứng nhận “Trà Blao” để mọi người cùng hành động với cây chè trong thời gian sắp đến. Dĩ nhiên, những điều nhớ lại ấy hoàn toàn là những thông tin vui. Mong là những Sửu, Vân, Trung... của tôi cũng sẽ cùng quan tâm đến sự kiện này đặc biệt là quan tâm đến vấn đề trà lễ!<br />
<br />
Lễ hội văn hoá trà Lâm Đồng lần III (2010): Đêm khai mạc khá thất vọng<br />
<br />
Như Lao Động đã đưa tin, Lễ hội văn hóa trà Lâm Đồng lần III (2010) diễn ra trong 3 ngày từ 25-27.12 tại TP.Bảo Lộc – không gian chính của lễ hội; trong đó, đêm khai mạc 25.12 tại quảng trường 28.3 được xác định là một trong 5 hoạt động trọng yếu của chương trình chính của lễ hội. Tuy nhiên, trong đêm khai mạc này, ngoài điểm nhấn là lễ tôn vinh hơn 40 cá nhân và đơn vị có công lao lớn trong phát triển nghề trà Lâm Đồng, người dân xứ trà Blao (Bảo Lộc) quá thất vọng bởi một “live show” ca nhạc lắp ghép những bài hát có “hơi hướm” cao nguyên với sự “tung hứng” của những Hồ Quỳnh Hương, các nhóm Mai Trắng, Mặt Trời Đỏ...<br />
<br />
Theo một vị trong Ban tổ chức cho biết, đối tác thực hiện chương trình khai mạc lễ hội lúc ban đầu là Công ty cổ phần truyền thông và giải trí Kim Cương (TPHCM) đã được thay thế bằng Cty TNHH nhân sự chuyên nghiệp PG World (Hà Nội). Đêm nay – 27.12, Lễ hội trà Lâm Đồng lần 3 sẽ bế mạc với chương trình biểu diễn nghệ thuật nhiều hứa hẹn, do Trung tâm Văn hóa - Thể thao Lâm Đồng đảm trách. K.D<br />
<br />
Khắc Dũng
Posted on Mon, 27 Dec 2010 05:29:36 +0000 at
/forum/showthread.php?tid=8563