Khách lạ<br />
Mãi trưa Hoàn mới ở đơn vị về. Vừa thấy con gái dong xe vào cửa, thay câu hỏi thường ngày: "Sao về muộn thế con?", bà mẹ nói ngay: <br />
- Có hai anh chị người đâu, lạ lắm. Chẳng biết có phải vợ chồng không. Đến hỏi con, lại mang cả túi quà, chẳng biết có những gì ở trong bao. Mẹ nhất định không nhận. Nhưng chị ta cứ bê vào, để góc nhà kia kìa. Giữ mãi không ở. Ngồi chưa nóng chỗ, uống xong chén nước là vội đi ngay. <br />
Hoàn vội nói:<br />
- Chết, mẹ nhận những thứ ấy làm gì. Biết người ta thế nào mà mẹ cứ...<br />
Nói đến đấy, Hoàn chợt dừng. Vì biết tính mẹ, dù ra ở phố hàng chục năm, vẫn không bỏ được tính thật thà, cả nể của người nhà quê. Có lần suýt nữa thì làm Hoàn sa vào "nỗi oan Thị Kính". Chẳng là lần ấy, Hoàn đi công tác ngoài Quảng Ninh. Lúc về, thấy bà cụ bảo, có hai anh đi xe máy đến nhà. Một anh người to cao, bên mắt trái hơi xếch, nói trước học phổ thông trường huyện với con, rồi đi nước ngoài, gần mười năm chưa gặp con đâu. <br />
"Bạn học ở huyện với con làm gì có anh nào bên mắt trái hơi xếch, lại đi nước ngoài, chẳng lẽ là thằng...". "Thì cứ để mẹ nói nốt nào. Anh ta bảo tháng trước mới về nước. Tìm hỏi mãi mới biết, giờ con làm công an ở ngoài này. Nhưng cũng mãi hôm nay mới tìm được số nhà để đến thăm". Đây, không gặp Hoàn, anh ta viết sẵn lá thư nhờ bà chuyển hộ. <br />
Bà mẹ vừa kể, vừa ký cách mở hòm lấy phong bì thư đưa cho con gái. Vừa cầm chiếc phong bì to dài, tịnh không một dòng chữ, Hoàn đã giật thột. Phong bì thư gì lại dày thế này. Cầm phong bì thư đến bên bàn, Hoàn ngồi xuống, bật đèn, chậm rãi bóc ra. Quả như Hoàn đoán, bên trong là tệp tiền, toàn tờ mệnh giá một trăm đôla Mỹ. Tất cả là hai mươi tờ. Bà mẹ thấy con gái nhận thư bạn học ngày xưa, chẳng biết thế nào cứ ngồi lặng bên bàn mãi thế, định quay vào hỏi. Nhưng lại thấy con gái gọi điện thoại đi đâu, bà đành đi ra bàn nước, lấy miếng trầu vỏ, quệt thêm tý vôi bỏ vào miệng nhai. Vừa dập miếng trầu đã nghe tiếng xe máy chạy vào ngõ. Bà nhận ra người ngồi đằng sau là anh Khang, cùng đơn vị với Hoàn, thỉnh thoảng vẫn lại nhà chơi, còn người ngồi trước chưa nhận ra ai. <br />
"Con, Hùng đây mà, mẹ không nhận ra con thì gay quá nhỉ!". Khang nhìn Hùng đang chống xe, cười bảo: "Anh đã bảo rồi, năng mưa thì giếng năng đầy... Chú mày cứ bỏ ngoài tai. Giờ thì thấy chưa? Trưởng lão không nhận ra là đi đứt!". <br />
Thấy hai người cứ tếu táo ngoài cửa, Hoàn vội quay ra bảo: "Thôi, hai ông ơi, vào đây, nhanh lên. Việc này phải giải quyết cấp kỳ, không thể để chậm. Để chậm không khéo mắc bẫy tụi nó đấy!". Ngược lại với sự cảnh giác có phần thái quá của Hoàn, hai người đồng nghiệp của chị nói trong tiếng cười đùa: "Vớ to rồi. Lần này phải khao đấy em nhá!". Hoàn thận trọng nói như gắt: "Khao khao nỗi gì. Be bé cái mồm lại tý nào!". <br />
Vậy mà chỉ chưa đầy một ngày, đã có tin bên Hồng Gai đưa sang, những thông tin của Thiếu tá Hoàn là không thể tin cậy vì cô ấy đã nhận quà biếu hai nghìn đôla của một đường dây buôn bán ma túy ở Phòng mang đến tận nhà. <br />
Hay như mới đây thôi, dạo tháng mười mới rồi. Một sáng chủ nhật Hoàn vừa dọn nhà cửa xong, ra quán của bà Nga đầu ngõ làm bát bánh đa, về đến nhà đã thấy chiếc xe ga đỏ chói dựng ở cửa. Trong nhà, một người đàn bà ra dáng mệnh phụ phu nhân, với chiếc áo véc sáng màu để phơi ra cái cổ lóng lánh bộ dây chuyền vàng, có chiếc mặt đá hình trái tim to bằng cái chén, đang ngồi đối diện với mẹ ở bàn nước. Vừa thấy Hoàn về, bà ta đon đả đứng lên chào, rồi chờ cho mẹ Hoàn đứng dậy xuống nhà dưới làm gì đó, như cách lâu nay bà vẫn cư xử thế mỗi khi con gái có khách, bà ta mới cất giọng thân mật:<br />
- Từ hôm cháu vào chỗ em (bà ta né tránh cách gọi của nhiều người là trại tạm giam của Công an tỉnh), chị cũng mấy lần muốn gặp em, nhưng nhiều việc quá, hôm nay mới đến được. Thực tình vợ chồng chị bận quá nên không trông nom, kèm cặp cháu đến nơi đến chốn, mới để xảy ra nông nỗi này. Thôi thì tình nghĩa chị em mình còn về lâu về dài, em thương cháu cũng là thương vợ chồng chị, em làm ơn làm phúc cho cháu ra hộ chị với em nhá. Hôm nay chị gửi em chút quà nhỏ làm kỷ niệm buổi gặp đầu tiên của hai chị em mình. Còn khi nào cháu được về, số điện thoại di động của chị đây, em cứ gọi cho chị đến đón cháu, chị sẽ có quà cho em tử tế.<br />
Vừa nói, bà ta vừa đưa cho Hoàn cái các-vi-dít, rồi làm như thuận thay, tháo nhanh chiếc nhẫn mặt ngọc đến ba chỉ vàng định dúi vào tay Hoàn. <br />
- Bây giờ thì mấy ai không bận hả chị - Hoàn nghiêm mặt - Nhưng chỉ bận làm lụng kiếm tiền mà không quan tâm dạy bảo con cái, thì cũng chẳng khác nào vào lỗ hà ra lỗ hổng. <br />
Bà nọ nghe Hoàn nói hiểu ngay mình đang ngồi trước một người thế nào, nên muốn êm đi chỉ còn cách nuốt nhịn. <br />
- Ừ, thì các cụ đã bảo "con hư tại mẹ" mà em. Thôi thì chị xin em lần này - Rồi bà ta cầm chiếc nhẫn dúi nhanh vào tay Hoàn, nài nỉ - Chiếc nhẫn này vừa tay em lắm. Em cầm lấy cho chị vui.<br />
Nhưng Hoàn đã giữ tay bà ta lại:<br />
- Chị cất ngay đi. Rồi vui lòng nghe đây nhá!<br />
Đoạn, Hoàn đưa tay vào chiếc túi giả da nhỏ xúi vẫn để trên bàn từ lúc bà ta vào. Tức thì, trong túi phát ra tiếng nói nhỏ nhẻ, giống hệt giọng bà ta: "...Thôi thì tình nghĩa chị em mình còn về lâu về dài... Em làm ơn làm phúc cho cháu ra hộ chị... Hôm nay chị gửi em chút quà nhỏ...". Rồi lại tiếng nói nhỏ, nhưng lần này là giọng một người phụ nữ có vẻ trẻ hơn người vừa nói: "Chị biết ngày nào cháu còn trong trại thì vợ chồng không còn mặt mũi nào đi đâu nữa, sao thường ngày lại chiều chuộng con quá thể...". Mới nghe đến đấy, bỗng mặt bà ta nhăn lại đến cắt không còn giọt máu, giọng nói như méo xệch: "Thôi, em xóa cái băng đi cho chị nhờ. Chị chào em!". Vừa nói, bà ta vừa bước vội ra sân, mở máy xe vù đi, như thể nán lại lúc nào là bị còng tay ngay lúc ấy.<br />
Cũng không biết lần ấy là thứ mấy, Hoàn phải tiếp những người khách chưa một lần gặp mặt. Chỉ biết từ ngày ra trường, về công tác ở trại tạm giam của Công an tỉnh đã chục năm nay, Hoàn chưa hề cầm của ai vật gì đáng giá một đồng, chứ đừng nói đến tiền trăm, bạc triệu hay vàng bạc, đôla. Vậy mà vợ chồng đứa nào lại tìm đến nhà giữa cái ngày năm cùng tháng tận này. Thật là khinh nhau quá thể! Chẳng lẽ vợ chồng họ lại nghĩ Hoàn cũng giống ai đó, cứ thăm viếng, quà cáp, đút lót hậu hĩnh là biến mình thành vật che chắn cho kẻ tội phạm lúc nào không hay. Hoàn càng nghĩ càng thấy giận vợ chồng người khách lạ ấy quá chừng. Chợt Hoàn nghe tiếng bà mẹ nói như reo lên:<br />
- Hoàn ơi, anh chị ta trở lại rồi kìa!<br />
Hoàn đưa mắt nhìn ra, thấy hai người đã vào đến cửa. Trong khi người đàn ông, dáng là chồng, còn đang tìm chỗ dựng xe, thì người đàn bà, chắc là vợ, đã tự nhiên như người quen lâu ngày, đi thẳng vào nhà. Cô ta xởi lởi, chỉ còn thiếu nước ôm chầm lấy Hoàn mà reo:<br />
- Chị Hoàn! Chị không nhận ra em à. Em là Nụ đây mà!<br />
Hoàn vội đưa tay ôm vai Nụ. Cùng lúc dòng ký ức cũng hiện về như mới hôm qua, hôm kia... <br />
Nhưng có dễ cũng đến mấy năm còn gì... ấy là một đêm giữa tháng, nhưng ánh trăng lại mờ mờ như màn sương bạc phếch. Đêm ấy trại liên hoan "cây nhà lá vườn" với những tiết mục do anh chị em trại viên biểu diễn, âu cũng là cách để những người mắc lầm lạc tìm thấy niềm vui giữa cuộc đời. Thêm nữa, giám thị trại lại rất thích thơ và hay làm thơ. Dẫu liên hoan một đêm, chứ ba đêm cũng không hết tiết mục thơ ca của ông. Hôm ấy lại đến phiên Hoàn trực, nên chẳng mấy lúc chị được ngồi lâu trong hội trường. Chị cứ đứng lên ngồi xuống, đi ra đi vào luôn. <br />
Lúc Hoàn từ phía đầu nhà hội trường đi xuống dãy nhà bếp, định tắt sang khu nhà nữ, mới đến đám cây đầu hồi nhà bỗng giật thột. Giữa tiếng sáo, nhị véo von và giọng nữ cao vút của cái Ánh, vẫn được chị em trong trại gọi đùa là "Ngọc Ánh", đang ngân nga khúc hát chèo từ một bài thơ của giám thị trại: "Miếng trầu thắm bởi vì vôi; tình ta thắm bởi... vì tôi... yêu nàng, chứ i.i...ì...ì...í í ới i.i.i.!", thì Hoàn nghe đâu đây như có tiếng cười không ra cười, rên không ra rên. <br />
Hoàn nhón chân bước nhẹ về phía trước mấy bước nữa, đến cách mấy khóm cây um tùm sau nhà bếp bằng độ sào dài, bỗng sững người khi nhìn thấy trong màu sáng nhợt nhạt của ánh trăng, hai bóng người đang quấn chặt lấy nhau. Hoàn dừng bước, bỗng nghe tiếng "roạt" một cái như cành cây gãy. Chị quay phắt lại, nhận ra bóng một nam giới đang lom khom luồn vào bụi cây; chỉ còn lại một nữ giới đang vội vã luồn chiếc áo con từ đầu xuống ngực. Giọng Hoàn hỏi nhỏ, như không muốn làm cô ta giật mình bỏ chạy như cậu kia: "Ai đấy?". Cô gái đã mặc xong chiếc áo con, lại đang xỏ tay mặc nốt chiếc áo ngoài. Biết chắc cô ta không thể chạy như người nam giới kia, Hoàn kiên nhẫn đứng chờ cho cô đóng hết hàng cúc áo, mới gọi gọi: "Cô đi vào đây". <br />
Cô gái ngập ngừng, bẽn lẽn đi lại chỗ Hoàn đứng. Đợi cho cô ta đến tận nơi, mặt nhìn mặt, Hoàn nhận ra đúng là cô Nụ. Mới vào trại mấy hôm đã bắt được nhân tình nhân ngãi rồi. Hay lại "ngựa quen đường cũ", dám qua mặt cả cán bộ, làm tiền ngay trong trại hử? Hoàn vừa nhìn Nụ vừa chợt nghĩ, thì nghe tiếng cô ta như nhận lỗi: "Dạ, chúng em trót dại. Xin cán bộ rủ lòng thương". <br />
Chị nhìn Nụ mặc phong phanh cái quần hoa mỏng, cái áo cộc tay cũng may bằng thứ vải hoa rẻ tiền, hỏi: "Cái người ở ngoài đó với cô vừa chạy là ai thế?". Cô gái đáp rất thật: "Dạ, anh Thung bên khu D ạ". Vậy là rõ. Người vừa chạy ra ngoài vườn chuối kia là kẻ vận chuyển thuê hêrôin, mà đội phòng chống tội phạm ma túy của công an quận bắt được cách đây hơn năm. Hoàn nhỏ nhẹ: "Em gọi cậu ta về đi. Xong đến phòng tôi ngay!".<br />
Đúng lúc trên hội trường khép lại màn hoạt cảnh chèo để chuyển sang màn hài kịch, cũng do anh chị em trong trại tự biên tự diễn, thì hai kẻ tòng phạm trong vụ tình lén lút đã ngồi trước mặt Thiếu tá Hoàn trong phòng trực. Cũng không chờ Hoàn phải lên tiếng hỏi, vừa ngồi xuống ghế, Nụ đã cất giọng thống thiết:<br />
- Chị cũng là đàn bà, mong chị thông cảm cho em. Chỉ kém hai tháng nữa, đến tháng mười này là em hăm bảy rồi, chứ còn ít gì nữa đâu. Mà chị biết đấy, đến bây giờ em vẫn... hu hu...<br />
Nụ mới nói đến đấy đã úp mặt lên cánh tay khóc rưng rức. Hoàn nhìn cô gái đang úp mặt khóc, lại nhìn người con trai ngồi bên cô ta. Hai người cũng chạc tuổi nhau, hăm bảy hăm tám, lại cũng có cái gì hao hao giống nhau ở dáng người nhỏ, nước da mai mái, nét mặt phảng phất buồn và mang nặng ưu tư. Hoàn từ phía bàn bên này đứng dậy đi sang phía bàn bên kia, đặt một tay lên vai cô gái:<br />
- Đừng khóc nữa, nghe tôi hỏi này: Cô cậu đây quen nhau từ bao giờ?<br />
Nụ ngẩng lên, nhìn Hoàn, bộc bạch:<br />
- Dạ, chúng em cùng làng ạ. Lại cùng học với nhau một lớp. Năm cuối lớp mười hai, cả hai chúng em đều trượt tốt nghiệp. Anh ấy đi phụ xe khách tuyến đường dài Hải Phòng - Lào Cai - Lai Châu, còn em đi bán hàng thuê cho một chị người làng ở ngoài phố. Mấy năm không gặp nhau, người nọ tưởng người kia đã thành gia thất cả rồi. Nào ngờ vào đây gặp nhau mới biết chưa ai có vợ có chồng.<br />
Một cô gái cũng trực tính và cởi mở, Hoàn nghe cô ta nói và chợt nghĩ. Có tiếng cậu kia gàn:<br />
- Em báo cáo với cán bộ ngăn ngắn thôi, cứ dây cà dây muống chuyện chúng mình làm gì.<br />
Hoàn đã trở lại chiếc ghế của mình phía bàn bên kia, nhìn hai người hỏi:<br />
- Vậy giờ cô cậu định lấy nhau à?<br />
Lại vẫn Nụ mau miệng nói:<br />
- Dạ, báo cáo cán bộ! Vào đây gặp nhau em mới biết mẹ anh Thung năm nay đã hơn bảy mươi rồi, mấy tháng trước bị ngã gãy chân, giờ ăn đâu nằm đấy. Nhà chỉ có ba mẹ con, thì cô em gái anh Thung năm ngoái lấy chồng xã bên, cũng mới sinh con tháng trước. Còn anh Thung thực ra cũng có một đời vợ rồi, nhưng chị ta dầy ăn mỏng làm, chồng đi phụ xe đường dài hàng tháng mới về, có đồng nào đưa cho ở nhà chỉ đi đàn đúm với giai hết. Thế là đưa nhau ra tòa. Thành ra giờ ở nhà chỉ còn một mình bà mẹ què lê ốm dệt thôi, có khổ không!<br />
Hoàn nghe mà xúc động, nhưng cũng không thể cứ ngồi đây hết đêm, liền giục:<br />
- Thôi, em nói gọn lại. Giờ hai em định thế nào?<br />
Vẫn Nụ nhanh nhảu:<br />
- Vì bà cụ đau yếu như thế, nên để có tiền thuốc thang chạy chữa cho mẹ, anh Thung mới phải liều nhận chuyển hêrôin cho chúng nó từ trên ấy về dưới này. Chứ anh ấy bảo, mấy năm đi phụ xe đường dài, có bao giờ nhận mang cái của nợ ấy đâu.<br />
Hoàn nhìn cậu con trai bảo:<br />
- Em định tìm tiền thuốc thang cho mẹ bằng con đường ấy thì nguy hiểm quá đấy.<br />
Thung vội nói ngay:<br />
- Dạ, thưa cán bộ! Em biết thế, nên đã tự giác khai báo ngay từ đầu rồi đấy ạ!<br />
- Vì tự giác khai báo ngay từ đầu nên cậu mới được về đây, chứ không thì đi Phi Liệt rồi.<br />
Nụ lại nhanh nhảu, chen ngang:<br />
- Dạ, thưa, hai chúng em biết lỗi của mình lắm ạ. Chỉ xin cán bộ cho một trong hai người chúng em được ra...<br />
Hoàn nhìn hai cô cậu, nghiêm giọng:<br />
- Biết lỗi, lại định xin ra, mà còn gây chuyện bờ bụi thế này, làm sao ra được!<br />
Nụ nói ngay, như ý nghĩ được xếp đặt từ trước:<br />
- Dạ, thưa cán bộ, là vì hai đứa chúng em nhất quyết lấy nhau, nhưng không biết làm cách nào để được về trông nom chăm sóc bà cụ đang bán thân bất toại ở nhà. Nên chúng em một liều ba bảy cũng liều, cốt làm sao em được ra, vì dù sao em là nữ chăm sóc bà cụ cũng thuận hơn Thung. Xin chị rộng lòng thương, chở che cho chúng em, chúng em đội ơn chị suốt đời.<br />
Hoàn nghiêm nghị:<br />
- Làm sao chuyện ra trại có thể đơn giản thế được.<br />
Nói vậy, nhưng hôm sau Hoàn xin đơn vị cho chị nghỉ buổi sáng, về Công an huyện Vĩnh Tiên có cô bạn học cùng khóa công tác ở đấy, để dẫn đường về làng Nụ và Thung. Đúng là mẹ Thung xách thùng nước ngoài giếng vào bếp bị sẩy chân, ngã nằm liệt mấy tháng nay. Mọi việc cơm nước, giặt giũ khi thì cô em gái của bà cụ năm nay cũng đã ngoài sáu mươi ngày hai bữa nấu ở nhà mang đến cho; khi thì đứa cháu nội ở giữa làng ra trông nom, giặt giũ hộ. Nhưng còn đêm đến? "Nói có giời làm chứng - Lời người em gái bà cụ nói với Hoàn và cô bạn ở Công an huyện - chỉ có hai chị em bác vò võ canh trường, hai cháu ạ!". Hoàn nghe mà thấy mắt cay cay, không dám nhìn vào hai người đàn bà già nua ngồi tựa vào nhau trên chiếc giường tre góc nhà nữa.<br />
Từ quê Nụ và Thung trở về, Hoàn gọi Nụ lên phòng trực, bảo cô viết một lá đơn trình bày rõ hoàn cảnh. Hôm sau, khi nhận đơn của hai cô cậu, Hoàn nói dứt khoát: "Chị bảo đảm nếu các em cải tạo tốt, đến đợt đặc xá tới, chị sẽ đề xuất với lãnh đạo để các em sớm được về đoàn tụ với gia đình...". Hai người không nén được xúc động, nhìn Hoàn rưng rưng: "Chúng em hứa làm đúng lời khuyên bảo nghĩa tình của chị".<br />
*<br />
-Vậy thì từ ấy đến nay hai em làm ăn sinh sống ra sao? - Hoàn bỗng khép dòng ký ức, ngẩng nhìn hai vợ chồng Nụ - Thung hỏi.<br />
Vẫn Nụ mau miệng:<br />
- Dạ, hai đứa chúng em nhớ lời chị khuyên, chăm chỉ làm lụng, mới sửa chữa lại được mấy gian nhà, chứ không lụp xụp như hồi chị về nữa ạ.<br />
- Còn bà thế nào, sức khỏe hồi này có khá hơn không, hả chú Thung?<br />
Thung xởi lởi:<br />
- Dạ, mẹ em mấy tháng nay cũng đã chống gậy đi lại được - Rồi Thung chuyển giọng, như giãi bày, mong đợi sự cảm thông - Chúng em cũng định vào thăm bà và chị ngay sau dạo mới về. Vì Nụ nhà em chẳng biết thế nào lại quen với chị Thành, bạn của chị ở Công an huyện, nên cũng có số nhà, ngõ phố lâu rồi cơ đấy. Nhưng mắc cái sửa xong gian cửa gian nhà thì Nụ nhà em lại nằm cữ. Đành bảo nhau, thôi để tết vào thăm nhà, chúc tết bà và chị luôn thể. Tuy giờ mới đến tạ ơn chị được, nhưng từ hồi ở trại về, vợ chồng em không lúc nào quên lời khuyên bảo chân tình và tấm lòng bao dung của chị dành cho vợ chồng em.<br />
Hoàn bỗng thấy chộn rộn trong lòng, nhìn hai vợ chồng, bảo:<br />
Kìa Thung, có gì đâu em! <br />
<br />
<img src="/forum/images/smilies/yahoo/4.gif" style="vertical-align: middle;" border="0" alt="big green" title="big green" />
Posted on Tue, 28 Dec 2010 01:17:30 +0000 at
/forum/showthread.php?tid=8607