Người đàn bà và chiếc chén bạc<br />
Chủ nhật hằng tuần, tôi thường hay mời bạn bè đến nhà giao lưu, dùng cơm với gia đình bằng những bộ đồ ăn xa xưa: Chén bạc, đũa ngà, bát đĩa Giang Tây, mâm đồng chạm tứ linh, bàn ghế gỗ xưa khảm tứ diện đồng tứ đời nhà Thanh… Lần nào mời khách, tôi đều chuẩn bị chu đáo. Hôm nay đột nhiên thêm người, tôi lúng túng vì thiếu bộ đồ ăn. <br />
Cứ loanh quanh đi lại chờ mọi người ngồi yên vị, tôi mới vào ghế của mình và nâng ly: "Xin cảm ơn các bạn đã tới dự buổi vui hôm nay". Tiếng cười, tiếng nói xen lẫn tiếng ly chạm nhau canh cách, rồi tất cả yên lặng nhìn trên tay tôi chiếc chén bạc. Tôi tủm tỉm cười: "Chiếc chén này của một người tự trừng phạt mình, nhưng tôi lại là người gánh chịu sự trừng phạt ấy!". Cả gian phòng ồ lên: "Người ấy là ai? Có phải là bồ ông không?". Tôi nháy mắt với người vừa nói: "Xin mời, 100% chén này rồi tôi sẽ kể". <br />
Chuyện đầu đuôi thế này: <br />
Một hôm tôi lau mấy món đồ cổ, chợt giật mình nhận thấy mất một chiếc chén. Tôi vội gọi vợ, con: "Có ai biết cái chén bạc của tôi đâu không?". Tất cả đều lắc đầu. Tôi mở tủ, phát hiện mất thêm đôi đũa ngà để trên giá, mà không ai biết mất từ bao giờ? Tôi ngồi tần ngần, điểm lại những khách ra vào trong thời gian qua. Không thấy ai đáng nghi vấn, toàn người lịch sự. Ai lấy một chiếc chén, một đôi đũa làm gì? Bởi nó không có giá trị kinh tế, văn hóa khi không đồng bộ. Nhưng phải có người lấy! Là ai? Câu hỏi chưa có lời giải và tôi không có quyền nghi ngờ những người bạn của mình. Toàn người chí cốt, lịch sự mới được vào phòng trưng bày cổ vật. Tôi ngồi hồi lâu bâng khuâng, luyến tiếc kỷ vật gìn giữ gần 40 năm.<br />
Rồi vào một chiều giáp Tết, tôi đang dạo bước dưới bóng cây trong công viên, chợt từ phía sau có tiếng trẻ thơ: "Chú có phải là… Cô Lâm Phi mời chú đến nhà chơi". Tôi quay lại, cháu bé đã chạy xa. Lâm Phi là cố nhân của tôi. Chúng tôi mới gặp lại nhau vài năm gần đây khi nàng chuyển về căn nhà phố dưới. <br />
Đến nhà Lâm Phi, tôi thấy nàng đang ngồi bên chiếc bàn phấn, nét mặt trầm tư. Thấy tôi đứng như trời trồng vì nhận ra đôi đũa ngà và chiếc chén bạc bày trang trọng trên bàn, những kỷ vật bị mất mà mấy năm nay tôi chưa tìm ra thủ phạm, mặt nàng vênh lên, mãn nguyện. Tôi chưa kịp có phản ứng thì nàng nhìn thẳng vào mắt tôi, nói như thách đố: "Có tiếc thì lấy về?". Tôi đang bối rối chưa biết xử lý ra sao, nàng lại trách thêm: "Đây là trừng phạt sự đầy đủ, tạo nên vô tâm vô tính, ghét lắm. Phải để cho anh mất một chút mới hiểu thế nào là thiếu khổ". Tôi chẳng hiểu nàng nói như thế là thế nào. <br />
Trong khi ngồi xuống ghế chờ nàng đi pha nước, tôi ngồi ngắm hai thứ đồ bị "thất lạc" của mình. Lấy về hay để lại? Lòng phân vân chưa xác định được mục đích Lâm Phi lấy hai thứ nên buông một câu lấp lửng: "Em lấy chơi hay lấy trộm?". Nàng quay lại. Tôi bị hút hồn bởi đôi mắt đang đong đưa, mà ngày xưa tôi mong được nàng nhìn như thế: "Nếu là lấy trộm thì không bao giờ bày ra như là khoe".<br />
Tôi lúng túng: "Thế thì lấy chơi?". "Đúng"! Lời nói ngọt như mía lùi, thật là nguy hiểm. Hai thứ bị "đánh cắp" đó không để làm gì, ngoài gợi nhớ tới quá khứ! Nàng hối tiếc chăng? Nhưng lại quên đang động vào tổ kiến lửa. Nó sẽ đốt nàng, đốt luôn cả tôi. Liệu nàng có biết không? Chắc là biết. Mà sao biết vẫn làm? Đúng là gan đàn bà…<br />
Tối đó tôi lỡ lời kể với vợ: "Anh đã nhìn thấy chiếc chén bạc cùng đôi đũa ngà, nhưng không lấy về được!". Vợ tôi sửng sốt: "Làm sao không lấy được? Để em đến lấy cho. Ai không trả?". Tôi cười: "Đố cô lấy được? Của người ta, người ta lấy chứ của cô đâu mà đòi?". Tiếng rít của vợ qua hơi thở gấp: "Tại sao? Anh dẫn em đi?". Tôi hạ giọng: "Khuya rồi …". Vợ tôi quay lưng nằm trằn trọc. Còn tôi bồn chồn không biết ngày mai hai người đàn bà gặp nhau sẽ diễn biến ra sao? Chuyện ngày xưa… lại rắc rối.<br />
Sáng hôm sau tôi điện cho Lâm Phi: "Em ở nhà, 30 phút nữa anh chị lại chơi". Nàng đợi, thướt tha trong bộ đồ màu tím hoa sim sang trọng. Nhìn thấy chúng tôi, Lâm Phi ra tận cửa đon đả: "Mời anh chị sang phòng khách". Tôi lặng thinh đi theo, ngồi vào chiếc ghế giữa hai người đàn bà. Vợ tôi mặt hầm hầm ngồi phịch xuống chiếc ghế đối diện với Lâm Phi. Trên chiếc bàn tròn, phủ tấm khăn thêu ren trắng là lọ hoa Hồng Nhung còn đọng những giọt nước long lanh. Căn phòng trang trọng, trên tường treo chiếc gương to. Đối diện là bức tranh chân dung ai vẽ nàng đang ngồi buồn ngắm biển xa xăm. Phía dưới là chiếc bàn phấn, trên đặt đôi đũa ngà và chiếc chén bạc. Bên cạnh là chiếc tủ ly bày các loại đồ chơi đẹp mắt. Chính căn phòng và thái độ của Lâm Phi đã làm vợ tôi bối rối? Còn Lâm Phi có vẻ đắc ý như đã dụ được người đàn bà cùng phố đến nhà, mà mỗi khi nhìn thấy là tắc nghẹn trong cổ nhưng không hiểu tại sao? <br />
Ba người ngồi đánh mắt dò xét nhau không nhúc nhích. Lâm Phi nâng ly: "Xin mời anh chị". Tôi đỡ ly nước Lâm Phi đưa. Vợ tôi quay mặt đi, chắc đang kìm cơn tức giận dồn nén trong lòng chưa nói ra. Tôi uống ly nước cho mát cái đầu đang rối tung, thầm cầu mong hai người đàn bà đừng hành nhau. Giá tôi đừng ngồi đây có tốt hơn không? Rồi tự an ủi: "Vợ tôi không phải người như thế! Chỉ đòi chén thôi. Người hiền lành thì làm sao manh động được". Tôi đành lặng thinh ngồi quan sát hai người.<br />
Chuyện đã đến. Mắt vợ tôi long lên nhìn xoáy vào Lâm Phi, đôi lông mày nhíu lại giọng hách dịch: "Tại sao cô lại lấy cắp đồ nhà tôi?". Lâm Phi như đã chuẩn bị sẵn mọi chuyện để đối mặt với thực tế này. Nàng nhỏ nhẹ: "Em không lấy". Vợ tôi rít lên, âm thanh quẩn trong cổ họng: "Cô không lấy nó chạy đến đây chắc?". Lâm Phi hơi nghiêng khuôn mặt trắng hồng sang phía vợ tôi, đổi giọng: "Nó tự đến đấy". Tôi thầm trách Lâm Phi sao lại làm thế cho không khí căng thẳng thêm, sắp có trận giằng xé nhau, làm sao tôi can nổi? Bụng thầm tự trách mình đã sai lầm đưa vợ đến đây, vị nổi cơn ghen là lẽ đương nhiên? Tôi sợ những trận hờn ghen của đàn bà khi ông chồng trở thành người ngớ ngẩn. <br />
Tôi lo lắng chờ đợi chuyện "tình ngay ý gian". Vợ tôi như chiếc lò xo vụt đứng lên sấn sổ tiến đến bên Lâm Phi: "Cô này nói lạ nhỉ, cô lấy lúc nào? Bây giờ yêu cầu cô mang trả nhà tôi?". Miệng nói, tay giơ cao, nhưng bàn tay dừng lại ở ngang tai mình. Tôi trở thành người thừa nhìn hai người đàn bà qua lọ hoa ở giữa, không biết nên giữ ai? <br />
Vừa lúc đó, Lâm Phi đứng lên làm tôi hết hồn. Nàng nhẹ nhàng: "Chị ngồi đấy, để em lấy cho". Dứt lời, nàng đi về phía chiếc bàn mở hộp kính trong suốt chụp lên đôi đũa ngà nằm ngang trên giá gỗ, bên cạnh là chiếc chén long lanh ánh bạc chạm nổi những bông hoa cúc đường nét mềm mại, nhỏ li ti, được đặt trên chiếc kỷ điêu khắc tinh vi bé xíu, phải do bàn tay nghệ nhân tài hoa mới làm được. Lâm Phi mang hai thứ đặt nhẹ trên bàn trước mặt vợ tôi, cười đắc ý: "Xin gửi lại chị. Em chỉ đùa một chút cho vui. Chị đừng giận". Nàng nói rồi nhìn sang tôi: "Còn anh! Ghét lắm!". Tôi buột miệng: "Chả ghét thì yêu?". Vợ tôi ngẩn người không hiểu ra thế nào? Hết nhìn tôi lại nhìn Lâm Phi, thốt lên:"Chuyện này có gì khuất tất!". Lâm Phi đồng tình: "Quá đúng!". <br />
Lời nói vô tình chạm vào lòng tự ái của người đàn bà. Hẳn sự thể khó tránh khỏi trận cuồng phong. Như đoán được tâm trạng rối bời của đối phương, Lâm Phi chủ động: "Chị bình tĩnh đừng nóng vội, để em nói cho chị biết. Đáng lẽ chén bạc và cả anh ấy là của em. Của em tất cả. Nếu em biết nghĩ, biết nhìn người thì không đến lượt chị được hưởng hạnh phúc như ngày hôm nay".<br />
Nghe câu nói mà lạnh cả người. Vợ tôi ngồi lặng, chao đảo, mặt từ đỏ chuyển sang tái dần. "Chẳng qua thời trẻ em nông cạn bồng bột nên mới để mất cơ hội nhận tình cảm anh ấy trao cho" - Lâm Phi tủm tỉm liếc người đàn bà đối diện đang soi chồng ngồi như phỗng đá, dằn giọng: "Thế ra hôm nay tôi mới biết các người đã từng là người yêu của nhau". "Đúng! Nhưng chị không mất anh ấy đâu mà sợ!" - Lâm Phi cười ngặt nghẽo, khêu gợi. Vợ tôi bật dậy, đưa hai tay nắm chặt mặt bàn định hất tất cả những gì trên đó vào khuôn mặt Lâm Phi đang vênh váo nói như đấm vào tai cho hả giận. Nhưng không làm được, vì chợt nhận ra chuyện này có cả sự đồng lõa của chồng. Vợ tôi buông tay rơi mình xuống ghế. Lâm Phi nhẹ nhàng đến bên ghé tai thì thầm, giọng giễu cợt: "Chị có muốn biết tại sao em chỉ lấy chiếc chén và đôi đũa không? Chắc chị chưa được nghe quá khứ của nó và tại sao anh ấy giữ đến bây giờ?". Đến nước này thì vợ tôi đành ngồi yên. <br />
"Nói thật với chị - Lâm Phi bắt đầu câu chuyện - Lần gặp lại anh, em muốn anh là người trong mộng nhưng không thành. Vì anh vẫn như xưa, thật thà như thằng ngố! Sợ cái gì nhỉ? Nói như vậy không có nghĩa là em muốn phá hạnh phúc gia đình nhà chị mà em rất trân trọng chị, cũng như trân trọng anh, người từ hai bàn tay trắng đã phấn đấu để rồi lĩnh vực nào cũng thành đạt. Em mơ có một gia đình như thế. <br />
Em biết anh từ khi mới 17 tuổi, vừa học xong lớp 12. Trường em hay mang lá ngụy trang vào đơn vị bộ đội phòng không kết nghĩa. Lúc bấy giờ anh làm trợ lý cho ban chỉ huy, thường tiếp chúng em thay thủ trưởng. Em là lớp trưởng hát hay, được các bạn tôn là hoa khôi của trường nên anh trợ lý quê Hà Nội đẹp trai nói hay như thuyết minh phim mê tít. Ngày anh đi chiến trường tặng em cây bút để viết thư mà em không nhận ra ý, tình của người lính. Em còn ngây thơ hồn nhiên trong sáng như vở học đường. <br />
Ba năm sau anh chuyển ngành về Công ty Xây dựng gần Cửa hàng Dược số 2 của thành phố. Một lần anh đi mua thuốc, vô tình nhận ra em đang bán hàng. Rồi anh hay lại chơi, tình cảm hai người nảy sinh từ đó. Có người nói đến tai mẹ em, cụ rình bắt gặp mắng té tát hai đứa một trận không còn tình nghĩa. Sau lần ấy, anh chỉ lén lút gặp em trên đường đi làm về.<br />
Anh rất quý em, nói đúng hơn là yêu nhưng không biết thể hiện tình cảm của mình. Anh thích đọc sách kinh tế, hội họa, văn chương, đi tìm đồ cổ với mấy ông văn nghệ sĩ lấy chữ làm trọng. Còn em, đỏng đảnh, hoang tưởng, thích ăn diện, chơi sang, nổi tiếng trong nhóm bạn bè vì nhà có điều kiện. Bố làm giám đốc nhà máy cơ khí, mẹ là cửa hàng trưởng cửa hàng thực phẩm, một gia đình lý tưởng thời bao cấp.<br />
Thỉnh thoảng, anh đến nhà chơi nhưng toàn tránh các cụ. Vì có lần gặp bố em, hứng lên thế nào lại trình bày lý luận xã hội: "Trong tương lai, chế độ bao cấp sẽ bị xóa bỏ, nhường cho kinh tế thị trường. Các thành phần cá nhân sẽ phát triển giàu có góp phần làm nên sức mạnh tập thể". Lý luận suông không đúng lúc khiến mẹ em ghét, cho là người hoang tưởng, cái đầu có vấn đề. Bố em nhìn xa hơn: "Thằng ấy nói cũng có lý, nhưng chưa hợp thời". Bởi cuộc sống đang thiếu đủ thứ: mùn củi cũng phân phối theo tem phiếu thì ai tin điều đó. Không ngờ bố em cũng nhìn ra sự thật trong tương lai. Các cụ không còn sống đến ngày nay mà kiểm chứng.<br />
Một hôm em cùng anh trên đường đi làm về, thấy đống sách bà bán ve chai xếp trên vỉa hè. Anh dựng chiếc xe đạp cọc cạch bên gốc cây, đến bên những chồng sách cũ, lật từng quyển lên xem, mắt sáng lên khi nhìn thấy mấy chiếc chén lẫn trong đống đĩa bát, đèn dầu méo mó. Anh chọn được 6 chiếc chén bằng kim loại, đen nhom nhem, dính vôi vữa cùng với mấy quyển sách nhàu nát, viết về kinh tế thị trường. Anh hỏi giá rồi nhanh chóng trả tiền, gọi em lên xe đi như sợ người ta đuổi theo đòi lại. Về đến nhà em tò mò: "Anh mua mấy thứ bẩn, rách này về làm gì?". Anh vuốt tờ bìa nhàu, rồi nâng mấy cái chén đưa cho em: "Quý lắm đấy. Em giúp anh đánh rửa cho sạch". Em từ chối: "Bẩn lắm, em không làm đâu". Anh ngạc nhiên: "Trông bên ngoài xấu thế thôi, là bạc đấy! Rồi em sẽ biết". Em giận dỗi: "Em không cần biết". Nói rồi em đứng lên, vội vàng như rũ cái áo bẩn, để lại sự thất vọng ngơ ngác cho anh mà đến hôm nay em vẫn còn nhớ hình ảnh ấy.<br />
Mấy ngày sau, anh săn đón, chờ đợi em hết ở cột điện đầu phố, đến cột điện gần cơ quan với mục đích giải thích cho em hiểu giá trị vật anh mua, việc anh làm. Nhưng em không muốn nghe. Anh đi theo nói say sưa quan điểm của mình mà quên mất người nghe đang để ngoài tai. <br />
Anh lấy một gói bọc khăn mùi xoa thêu bông hoa hồng đỏ mới tinh đưa cho em: "Anh tặng em bộ chén này! Em xem có đẹp không?". Lúc đó em nghĩ anh hấp rồi nên mới tặng em mấy chiếc chén bẩn đó. Bực mình, em quay lại giật cái gói anh đang cầm trên tay ném bịch xuống đường rồi đi thẳng. Anh vội vàng cúi xuống nhặt, vừa chạy vừa mở ra: "Em đợi đã. Em nhìn xem bộ chén có đẹp không?". Lúc đó, em lạnh lùng nhưng vẫn thấy mấy chiếc chén sáng long lanh như có phép thần đã biến nó đẹp ra như thế. Rồi anh lẽo đẽo đi theo giải thích: "Bạc là kim loại quý, nhưng phải biết nhận ra, không thì dễ bỏ đi. Bạc có tác dụng khử độc nên được chế tác vào đồ dùng ăn uống. Để lâu ngày nó tự đen dễ lẫn với chì. Bộ chén này phải của gia đình giàu có. Em mang về cho các cụ dùng". <br />
Anh bước lên, đặt bộ chén vào tay em. Hai người đun đẩy nhau làm những chiếc chén rơi tung tóe xuống đường, lăn cả vào rãnh nước. Một lần nữa em phũ phàng, cắm đầu đi không nhìn lại. <br />
Từ lần ấy, anh đã từ bỏ tình yêu của mình, từ bỏ em, không bao giờ săn đón nữa. Em đã tự đánh mất mình, mất anh. Đúng là sức chịu đựng của con người có hạn. Tình yêu phải tự nguyện, nhiệt tình từ hai phía, nếu chỉ đơn phương thì sớm muộn cũng không thành.<br />
Đã có lúc, em ân hận về hành động kiêu căng, phũ phàng của mình. Định đi tìm anh xin lỗi nhưng bước đi không vượt qua lời của mẹ: "Tao cấm mày quan hệ với thằng ăn nói hoang tưởng ấy. Có nó không có tao. Mày xinh đẹp học hành tử tế, con nhà giầu, thiếu gì thằng kỹ sư, bác sĩ". <br />
Rồi em lấy kỹ sư, bác sĩ thật, nhưng những người chồng ấy đã làm em thất vọng. Bởi họ không phải là người chồng mà chỉ thuần túy là người đàn ông. Chồng của em: người thì thô thiển, trần tục, ích kỷ, chỉ biết bản thân. Người thì đam mê quyền lực, tiền bạc như một gã si tiền mà quên đạo làm chồng… Cuộc sống của em không thiếu vật chất nhưng tổn thất tinh thần, bị trói buộc như cá chậu, chim lồng, vô vị như xác không hồn. Mà em có phải loại người bất tài, kém sắc đâu? Đành rằng cuộc sống muôn hình, muôn vẻ. Sức khoẻ cần vật chất, hạnh phúc cần tình cảm và niềm vui rất cần có văn hóa. Cuộc đời đâu đơn thuần chỉ để mà sống thì có ý nghĩa gì trong thế gian này? <br />
Em đã chọn nhầm những người đàn ông tỏa ánh hào quang giả tạo làm chỗ dựa cho đời mình, mà lỡ bỏ những viên kim cương thô chưa mài rũa. "Đúng là cầm vàng mà để vàng rơi/ Bực mình tính chuyện nô chơi với đời". <br />
Lần gặp lại anh, em đến chơi nhà, được anh tiếp trong phòng khách rất lịch sự. Em giật mình nhận ra những chiếc chén bạc, đáng lẽ là của mình đã để tuột khỏi tay. Bây giờ được cầm uống hương rượu thơm nồng, em mới nhận ra giá trị của nó thì đã quá muộn. Anh như giễu cợt em sao? Thật chớ trêu! Về nhà em bị xốc, bị ám ảnh màu ánh bạc long lanh, rồi muốn nó, như muốn có lại thời quá khứ kiêu hãnh của mình. Em quyết tâm đoạt lấy một chiếc, để chia sẻ sự trọn vẹn của anh. Thế là em nung nấu tìm cơ hội.<br />
Một lần em đến chơi, anh vội ra nhà ngoài có việc, để lại em một một mình trong phòng khách, tủ lại không khóa. Thời cơ có một không hai, em đã nhanh chóng mở tủ lấy đôi đũa ngà trên giá và chiếc chén bạc trên khay giấu trong túi xách mà anh không hay biết. Em mừng vui lấy được hai thứ làm kỷ niệm, hy vọng chia sẻ lúc cô đơn. Nhưng rồi em buồn hơn mỗi khi nhìn nó. Anh có thể thông cảm cho em, nhưng chị có tha thứ cho em không? Em mong chị cho đây là một trò đùa vô hại. Bây giờ em xin được mang đến tận nhà trả lại chị để tâm hồn em thanh thản”. <br />
Lâm Phi chớp chớp mắt, sụp đôi mi như trút được nỗi buồn. Để chia sẻ với hoàn cảnh người tình cũ của chồng, vợ tôi cầm tay Lâm Phi bấy giờ đang rút khăn mùi xoa chấm nước mắt: "Chị để hai thứ này lại cho em làm kỷ niêm. Cám ơn em đã giúp chị nhận ra giá trị hạnh phúc gia đình". <br />
Tôi dừng kể, nhìn các vị khách, nâng chiếc chén bạc: "Nào các vị uống đi, cô bạn tôi vẫn đang cô đơn trong căn nhà năm tầng đầy đủ tiện nghi. Nàng thường ngồi một mình cầm chiếc chén bạc bên chai rượu với đôi đũa ngà"
Posted on Fri, 24 Dec 2010 03:57:34 +0000 at
/forum/showthread.php?tid=8422