Nước mắt chảy xuôi<br />
Tối nào cũng vậy, sau bữa cơm chiều, hết chương trình thời sự của Đài Truyền hình, tôi lại thư thả đi như tập thể dục ra đại lý mua đồ ăn tối cho con. Rét quá, bọn trẻ thích uống sữa nóng, ăn nhẹ thứ gì đó trước khi đi ngủ. <br />
Tôi khệ nệ xách một túi đồ, vừa đi vừa ngắm nhìn phố xá ấm áp dưới ánh đèn đỏ.<br />
- Chào ông, nhà đẹp quá. Ông ngắm nhìn thành quả của mình đấy ạ - Tôi nhanh nhảu chào ông cụ tóc bạc đứng bên kia đường. Ông đang trân trân nhìn về phía có ngôi nhà của mình. Mê mải quá, nghe như có tiếng người hỏi, ông ngoảnh lại, gật gật đầu. Tới gần, tôi mới chột dạ: <br />
- À, nhà ông kia, cháu nhầm nhà bên cạnh.<br />
Ông cụ cúi đầu, ngậm ngùi:<br />
- Ông sắp bán nhà con ạ.<br />
- Cháu tưởng... Bên trái, bên phải ông đã bán. Bán nữa ông ở đâu? Chắc ông mua nhà trong phố?<br />
Giọng ông trầm đục: <br />
- Ông sẽ về nhà sáu tấm… <br />
Tôi cười:<br />
- Ông còn khỏe lắm. Hai cái năm mươi nữa Văn Điển vẫn còn xa…<br />
Bỗng nhiên giọng ông nghèn nghẹn:<br />
- Con vạch lưng ông lên mà xem. Miếng băng to tướng vẫn còn trắng trên lưng đây này. <br />
Mặt tôi như đơ lại. <br />
Và mạch nguồn xúc động của ông tuôn trào.<br />
Sợ nhỡ bữa phụ trước giờ đi ngủ của các con, tôi nhấp nhổm mở điện thoại xem giờ áng chừng để ông biết, tôi đang vội. Nhưng, khi người ta đang bức xúc, đang ức chế như đập nước đầy đến giờ phải được xả, làm sao ông có thể dừng thốc tháo gan ruột khi chưa hả dạ. Ông cứ nghèn nghẹn kể mà không cần biết tôi có muốn nghe tiếp nữa hay không?!<br />
Một vài chiếc xe tải chở cát vút qua, tiếng ông nhòe lúc rõ lúc không. Chiếc xe ô - tô "Vì thành phố xanh, sạch, đẹp" chầm chậm lăn. Mùi khó chịu tỏa khắp đường, bụi tung ngằn ngặt. Chị lao công ra công đánh kẻng thúc giục mọi người. Ông vẫn không thôi mạch chuyện não nề của mình<br />
*<br />
Một sáng mùa thu trên bãi sông Hồng, người đàn ông mải mê tự sửa chữa máy hút cát dưới lòng sông. Đường ống bị tắc.<br />
- Chị đẻ rồi anh ơi, con trai, 5 kilô, khỏe mạnh, giống anh như đúc! - Một người bà con hối hả thông báo, giọng lạc đi vì xúc động. Người đàn ông bật dậy, dang hai tay, ngửa mặt lên trời: <br />
- Trời đất ơi, tôi có con trai! Tôi có con trai rồi! <br />
Tiếng máy nổ rền vang lan tỏa khắp bãi bồi bởi sự hân hoan của gió. Tiếng máy nổ vang rền như tiếng ca vang lan tỏa cả một khoảng trời mênh mang gió, mênh mang sông, mênh mang phù sa, cát. <br />
Người đàn ông cởi trần, cát dính đầy lưng vừa đi vừa chạy dưới ánh mặt trời với muôn vàn tia nắng. Những hạt cát li ti lấp lánh như hoa cương trên làn da. Ông cúi đầu tạ ơn đất trời. Ông vái lạy dòng sông đang dát bạc. Nước mắt mặn mòi tràn trề gương mặt ông. <br />
Nhìn chồng sung sướng, niềm hạnh phúc, kiêu hãnh trào dâng trong lòng thể hiện trên khóe mắt, nụ cười người vợ. Bàn tay nắm chặt bàn tay nồng nàn yêu thương. Ông muốn hôn thật sâu, thật lâu lên môi lên mắt lên trán vợ. Nhưng bệnh xá có nhiều sản phụ. <br />
Vợ ông nhỏ nhẹ, dịu dàng:<br />
- Anh bế con đi, nhè nhẹ thôi, đừng có hôn lên má con, cả hơi đấy.<br />
Người chồng nhẹ nhàng nâng đứa nhỏ vào lòng, ngắm thật lâu thật kỹ. Không dám hôn, ông áp má bên này, áp má bên kia lên vành mũ con cưng nựng. Ông ngồi bên mép giường khe khẽ vén những sợi tóc mai xòa trên mặt vợ.<br />
Bà xã làm nũng chồng:<br />
- Hai đứa con gái đều do anh đặt tên. Lần này anh để em đặt tên cho con trai nhé.<br />
- Công của em mà. Anh đồng ý để em đặt tên. Em định đặt tên con là gì.<br />
- Hòa Hợp. Anh thấy có được không.<br />
Ông xã liếc tình, gật đầu tình tứ nịnh vợ:<br />
- Cái tên rất hay, lại có ý nghĩa. Anh đồng ý. <br />
Có con gái con trai, bạn bè đồng lứa cấm dám trêu ông "bố vợ phải đấm".<br />
Từ ngày ông có con trai, sự vật dường như đổi thay nhiều. Bờ sông bên này bỗng nhiên lở ùm ùm, có đoạn hoắm sâu vào đến tận đường cái. Có hôm, sau một đêm, sáng dậy đống cát như quả đồi biến mất. Máy hút cát, máy nổ cũng mất tiêu. Có nhà đêm ngủ say, sáng dậy, ngó trước ngó sau chẳng thấy bếp thấy vườn. Có đôi trai gái theo nhau nguyện "một mái nhà gianh hai trái tim vàng" ngủ đan vào nhau, tỉnh tỉnh mơ mơ nước cuốn trôi cả giường, cứ thế bồng bồng bềnh bềnh trên mặt nước. <br />
Bên này lở bên kia bồi. Đó là quy luật của dòng sông. Bờ sông phía Gia Lâm, phù sa đậm đặc, bãi cát dài phẳng lặng vươn rộng mênh mông. Cánh cửu vạn lầm lũi bỏ ông sang bên ấy. <br />
Từ đó, việc làm ăn của ông lụi dần. <br />
Nhưng ông nào có sá chi, trời cho ông cậu ấm, cục vàng vô giá, ông có sức khỏe, đôi bàn tay lam làm, để đủ nuôi vợ con khó gì. Còn mấy cái xe tải chở vật liệu, "sức khỏe" của ông đấy, ông cho thuê, chở thuê vẫn ra tiền, thậm chí vẫn khấm khá chứ nghèo khổ sao được. <br />
"Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao". Mỗi lần vợ ông lo lắng đông con, ông cất cao lời ca xua tan những đám mây u ám.<br />
Nói là nói vậy. Làm ăn khó khăn, cái xảy nó nảy cái ung, biết bao điều cực nhọc, phiền toái khôn lường. Cái xe tải dở chứng hỏng. Chữa chạy mất một khoản tiền. Chưa hết, họa vô đơn chí, cái bánh xe phụ đổ vào chân ông. Ông phải đi viện bó bột, nằm bất động mất mấy tháng. <br />
Nằm một chỗ ngứa ngáy tay chân đâm ra hay ngẫm ngợi xa gần. Ông ngẫm ngợi một ngày nào đó con gái lớn, gả chồng, con trai lớn lấy vợ. Có vợ có chồng, chúng quấn quýt bên nhau, như ông bây giờ, vì con vì vợ nhiều hơn vì mẹ vì cha, liệu lúc ấy chúng có dành phần nào yêu thương, chăm sóc vợ chồng ông? Tuổi chưa già, còn sức khỏe, ông làm việc hết mình, thậm chí mưu mô thủ đoạn cũng vì con. Nhưng rồi một ngày, sức lực không còn, trí tuệ cũng không còn, các con, chúng phụ bạc, coi cha mẹ là cái nợ? Và rồi ông lại tự an ủi, nước mắt chảy xuôi có bao giờ chảy ngược. Mình lo cho con, rồi chúng nó cũng lại phải lo cho con chúng nó. Chả cần chúng nó nuôi, chỉ cần chúng có hiếu, không bỏ rơi bố mẹ già là được. <br />
Văng mình xuống xe lăn, ông đến bên vợ:<br />
- Em ạ. Hòa Hợp - cái tên em đặt cho con đẹp lắm, có ý nghĩa lắm. Mình có với nhau ba mặt con. Anh chưa bao giờ có câu nào nặng lời với em. Em chăm con, lo lắng cho anh, hiểu anh. Hòa Hợp càng có ý nghĩa với vợ chồng mình. Nhưng bây giờ anh xin em cho anh đặt lại tên cho con. Anh mong ước sau này chúng mình già, con trai không vì chỉ yêu vợ mà bỏ quên cha mẹ. Anh muốn đặt lại tên con là Trung Hiếu, em thấy thế nào.<br />
- Trung Hiếu hay đấy, lại có ý nghĩa hơn là Hòa Hợp. Em bằng lòng đổi tên con là Trung Hiếu. Con đã được ba tháng. Đợi anh đi lại được chắc là lâu lắm. Sáng mai em tranh thủ lên phường làm giấy khai sinh cho con.<br />
Thế là Hòa Hợp thành Trung Hiếu.
Posted on Wed, 22 Dec 2010 03:36:02 +0000 at
/forum/showthread.php?tid=8273