Đó là tên một bộ phim Mỹ tôi xem được hồi bé, từ thời mà 9h tối thứ 3 trên HTV7 còn chương trình “Thế giới điện ảnh” và “phim minh họa” cơ. Nội dung phim kể về 1 anh chàng làm điệp viên mà không cho ai biết (kể cả vợ mình), bắn nhau ì xèo (phim hành động mà). Chú ý vì tựa đề nghe lạ lạ, đã “nói dối” thì làm sao còn “chân thành” được nữa. Hồi đó vẫn quan niệm cái gì đúng là đúng cái gì sai là sai, không thể có chuyện nhập nhằng như vậy được. Và nói dối là không tốt, có một thời gian tôi cố gắng để không nói dối, cái gì cũng thật 100%. Tuy mang lại không ít phiền toái nhưng tự nghĩ mình đang tự hoàn thiện dần.<br />
<br />
Lớn lên, đọc nhiều câu chuyện, dần dà lung lay niềm tin. Trong bộ truyện “người X” có cảnh một người chứng kiến em gái mình đang hấp hối, cô bé hỏi rằng: “Có thiên đường không anh?”, anh là một người theo chủ nghĩa vô thần, cay đắng nói rằng: “Chết là hết em ạ, không có thiên đường đâu em”. Cô bé thẫn thờ rơi nước mắt rồi ra đi. Nhiều năm sau đó, hối hận vì những gì mình đã nói ngày hôm ấy, chàng trai quyết định trở thành mục sư, để suốt đời nói với mọi người điều anh đã không thể nói được với em gái mình.<br />
<br />
Một chuyện có thật khác kể về một người mẹ chờ con đánh cá về trong đêm giông bão, bà đang bị bệnh rất nặng, phải chuyển vào bệnh viện để các bác sĩ theo dõi. Nhân vật “tôi” trong đó cũng trung thành với quan niệm “nói thật” của mình, anh kể cho bà mẹ ấy nghe về tình hình bên ngoài, giông bão ra sao, các đoàn thuyền bị kẹt lại ra sao, và con trai bà có thể không bao giờ về nước. Những lời nói ấy như lưỡi dao chấm dứt cuộc sống người mẹ già, các bác sĩ đã không kịp ngăn cản anh. Sau này, người con trai trở về, không trách cứ gì anh, nhưng cảnh anh ta khóc nức nở bên mộ mẹ khiến “tôi” bị ám ảnh suốt đời.<br />
<br />
Sự trung thực cũng là một điều tương đối như bất cứ điều gì trên đời này. Sự trung thực không đến từ những điều mắt thấy tai nghe, hay đã được chứng mình. Nó được đo bằng những gì nó mang lại. Nếu lời nói thật chỉ đem lại niềm đau, nỗi buồn và không giúp ích được gì, không cần phải nói ra thì chỉ là những lời nói dối không hơn không kém. Tình yêu không phải là một phạm trù khoa học, không có những thứ hiển nhiên, trong tình yêu, một lời nói dối chân thành có thể cứu được một mạng người, và sự thật phũ phàng đôi khi cướp đi nhiều thứ rất quí giá.<br />
<br />
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ đến một truyện ngắn rất xúc động của O’Henry được học ở chương trình phổ thông, đó là truyện “chiếc lá cuối cùng”. Một cô bé bị bệnh tin chắc rằng mình sẽ chết. Cô đếm từng chiếc là trên dây thường xuân, từng chiếc, từng chiếc một rụng xuống. Cô tin rằng khi chiếc lá cuối cùng rơi là lúc mình ra đi. Nhưng chiếc lá ấy không bao giờ rụng được, dù qua bão tuyết lạnh lẽo. Cô gái lấy lại niềm tin vào cuộc sống, như chiếc lá đã vượt qua được bão tố kiên cường. Cô đâu biết rằng chiếc lá ấy chỉ là một bức tranh do người họa sĩ già vẽ lên vòm cây, người họa sĩ đã chết trong đêm hoàn thành tác phẩm ấy. Ông đã “đánh lừa” cô gái, nhưng đã cứu sống cô. Đó không là dối trá, đó là sự thật. Sự thật của ông đến từ tấm lòng yêu thương con người và hy sinh cao cả, chiếc lá là hiện thân của tình yêu cuộc sống mãnh liệt trong ông, và từ đó truyền ngọn lửa ấm áp qua cho cô gái. Sự thật phải đồng nghĩa với tình yêu, điều gì khiến con người sống tốt hơn, hạnh phúc hơn, giúp con người vượt qua đau khổ, khó khăn, hướng về ngày mai tươi sáng… đó mới là sự thật.<br />
<br />
“Kẻ tồi tệ hơn một kẻ nói dối là kẻ không biết nói dối khi cần”<br />
<br />
Tất nhiên, mỗi người phải tự biết phân biệt đâu là lời nói dối chân thành với tính lẻo mép và khoác lác. Tùy vào từng hoàn cảnh khác nhau, đối với những người khác nhau ta sẽ hành xử khác nhau. Điều này phụ thuộc vào trải nghiệm, tính cách, và độ trưởng thành của mỗi người.<br />
<br />
Lời nói vốn không quan trọng, quan trọng là lời nói chất chứa được tình yêu chân thành. Sẽ chẳng bao giờ bị gió cuốn bay xa.<br />
<br />
(ST)
Posted on Mon, 29 Nov 2010 19:45:37 +0000 at
http://forum.petalia.org/index.php?/topi...han-thanh/