Người ta yêu thương nhất
Một đoạn nhỏ trong quyển sách Anne Tóc đỏ Làng Avonlea mà chị Vy tặng mình.
Davy và Dora là hai đứa trẻ sinh đôi 6 tuổi mới dọn đến nhà Anne, do mẹ của chúng qua đời và không có ai khác chăm sóc. Cậu anh Davy nghịch ngợm, quậy phá, và làm đủ trò hư hỏng. Cô em gái Dora ngoan ngoãn và đúng mực. Một lần, Davy khiến Anne bật khóc khi giấu cô em vào chuồng bò nhà ông hàng xóm, và khiến mọi người cuống lên vì tưởng Dora rơi xuống giếng.
Anne giờ đã là một cô giáo làng. Một cô giáo mơ mộng muốn thay đổi cả thế giới, dù thế giới đó chỉ nằm trong phạm vi đảo Hoàng tử Edward. Anne rất dễ thương, khi cô tưởng tượng ra nếu dạy dỗ tốt, biết đâu một học trò nào đó trong lớp sẽ trở thành người rất quan trọng với thế giới, như tổng thống, chẳng hạn. Tất nhiên, mọi chuyện đâu có dễ dàng. Anne cũng bị tổn thương trước đám nhóc nghịch ngợm, từ bỏ cả lý tưởng không dùng đến roi vọt, và đôi lúc mất niềm tin vào điều mình đang làm.
Đọc đến đoạn Anne trải qua một ngày kinh khủng nhất, và buổi tối khóc lóc thảm thiết trong phòng, mình chợt nhớ đến cô Phương chủ nhiệm mình lớp 6. Đã rất lâu rồi, nhưng mình vẫn nhớ khuôn mặt và giọng nói của cô. Lúc đó cô vừa mới ra trường, người mảnh dẻ, khuôn mặt dễ nhìn nhưng non nớt. Cô ở luôn trong trường, cùng với một cô giáo trẻ khác tại căn phòng cũ cuối dãy.
Cô Phương là một trong những người đã thay đổi cuộc đời mình. Nghe có vẻ to tát nhưng là sự thật. Lúc đó, mình là một đứa ở lại lớp và nhìn có vẻ côn đồ, và chỉ có một cô giáo mới vào nghề yếu đuối mới quyết định để mình làm lớp trưởng. Nhờ chức vụ mới đó, bỗng nhiên mình có trách nhiệm hơn. Mình chơi với những người bạn tốt và học giỏi, như Hạnh, Linh, Hùng, Tố Nga. Từ một thằng học sinh yếu kém, mình đạt học sinh khá học kỳ 1, rồi giỏi học kỳ 2. Rồi giữ luôn danh hiệu đó đến cấp ba, và đậu đại học.
Dù vậy, có vẻ cô không dựa vào mình được bao nhiêu. Vì mình thường bao che cho đám bạn hơn là tố cáo chúng. Ngược lại, những đứa “anh chị” trong lớp thì vẫn ngang tàng như thường, chúng vẫn cãi tay đôi với cô mỗi giờ họp lớp cuối tuần. Mình không nhớ vì việc gì, một ngày cô Phương cãi nhau kịch liệt với thằng Minh, đến nỗi cô òa khóc và chạy ra khỏi lớp. Cả lớp im lặng, ngơ ngác, ngồi chờ đến cuối giờ rồi ra về.
Mình đến phòng cô để đưa sổ đầu bài. Cô đã thay bộ áo dài và mặc bộ quần áo ở nhà. Khi ấy, cô trông trẻ hơn và giống như một người chị, chứ không phải cô giáo. Cô đang ngồi nhặt rau, mắt vẫn đỏ hoe, sụt sịt. Cô nhận sổ, cảm ơn mình rồi bảo mình ra về.
Trở lại với câu chuyện của Anne. Thằng bé Davy lần đó tỏ ra luốn cuống và hối hận cực độ khi cô khóc. Nó ôm lấy Anne, khóc lóc xin lỗi và hứa không bao giờ nói dối nữa. Anne nguôi ngoai và tha thứ cho Davy. Tội nghiệp nhất là bà Marilla, người đã nhận nuôi Anne từ khi còn bé, phải chịu khổ đủ đường với đứa nhóc. Anne an ủi bà rồi nói rằng, “Thật sự thì cháu thương Davy hơn Dora, vì cô bé quá ngoan đi!”
Bà Marilla thú nhận, “Ta chẳng biết tại sao, nhưng ta cũng vậy đấy, và thật bất công cho Dora vì cô bé chẳng bao giờ làm gì sai!”
Và Anne nói một điều khiến mình nhớ mãi, điều cốt lõi của sự thật này. “Cô bé cư xử đúng mực dẫu không ai nói cô bé phải làm gì. Cô bé trưởng thành bẩm sinh, nên không cần chúng ta…”
“… Chúng ta chỉ yêu nhất những người nào cần chúng ta thôi.”
Những đứa học trò thì chẳng thể suy nghĩ gì nhiều được. Chúng quá ngây thơ và vô tâm, như mình ngày ấy. Bây giờ nhớ lại, đó có thể là những ngày đầu đáng nhớ của cô Phương. Một cô giáo trẻ mới ra trường, không có kinh nghiệm, tiền bạc khó khăn nên phải ở lại luôn trong trường. Mình cảm thấy cô giống như một người bạn nào đó của mình bây giờ. Rồi gặp phải những khó khăn ngày đầu, ngoài lớp mình ra, cô đã phải khóc biết bao nhiêu lần nữa để trở nên cứng cáp.
Sau này, cô cũng đã biết mắng và đánh học sinh. Nếu có, chắc những lý tưởng hay mơ mộng ban đầu của cô cũng đã thay đổi theo thời gian. Bây giờ cô cũng đã ngoài 30, và đã lâu lắm mình không gặp, thời cấp 2 đã trở thành điều gì xa xôi lắm. Nhưng cô thì vẫn ở đó, trong ngôi trường đó, và hàng ngày đến lớp. Điều mình thấy khủng khiếp nhất của nghề giáo, là đến một ngày, những điều đẹp đẽ ban đầu, như mong muốn dạy dỗ những đứa trẻ nên người, trở thành một thứ hời hợt và ngoài vòng trách nhiệm. Lúc đó, nghề giáo sẽ trở nên lệch lạc, khi đặt nặng kiến thức và đỗ đạt, đào tạo ra những cử nhân hơn là những con người biết đúng sai, biết đạo lý. Khi người thầy, người cô thấy mọi đứa học trò đều như nhau, thì lúc đó họ đã hoàn toàn thất bại.
Bà ngoại mình là giáo viên, cậu mình cũng là giáo viên. Cô Quỳnh Anh của mình của lớp 12 là giáo viên mình yêu quí nhất, vì cô luôn quan tâm đến từng học sinh, nhất là những người cần đến mình nhất.
Đó cũng là một góc khác của yêu thương. Nếu học sinh nào cũng giỏi, cũng ngoan ngoãn, thì đâu còn cần đến giáo viên làm gì. Thời cấp 3, cũng có những giáo viên luôn miệng chê trách những bạn học kém, cá biệt. Và chỉ dừng ở đó. Họ không hiểu rằng chính người học sinh đó mới là những người cần nhiều sự quan tâm, chứ không phải khinh thị, và cần nhiều sự giúp đỡ thực tế, hơn những lời nói đắng cay. Thật tệ là nền giáo dục hiện nay đang đi xa dần khỏi mục đích thực sự của chữ “giáo dục”, nhiều thầy cô đã quên hay thậm chí chưa từng nghĩ đến ý nghĩa của hai chữ này.
Mình thích câu nói của Anne, những điều đẹp đẽ luôn được tìm thấy trong các câu chuyện, dù là phim ảnh hay tiểu thuyết.
Đôi khi, người chúng ta yêu thương nhất không phải là người ta cần nhất, mà là người cần đến ta nhất. Không phải là người để mình dựa vào, mà là người tìm đến dựa vào mình. Ai đó tìm đến khi gặp khó khăn, hỏi ý kiến khi không chắc chắn, chia sẻ buồn hay vui, sẵn lòng hỏi mượn một bờ vai để khóc và một bàn tay để nắm lấy.
Bạn Ái từng nói với mình, biết được bản thân quan trọng với một ai đó là điều rất ý nghĩa. Không chỉ là cảm giác tự hào hay cảm giác tốt đẹp, khi giúp đỡ ai đó, chỉ là phần thứ yếu. Đó còn là biểu hiện của sự tin tưởng, và niềm tin đó vào bản thân có thể tạo ra sức mạnh lớn lao. Hầu hết con người đều không tin vào bản thân mình, vì con người chỉ là những sinh vật yếu đuối và cô đơn. Có lúc họ tìm đến người khác để có sức mạnh, nhưng có lúc, nhờ người khác họ tìm thấy sức mạnh. Cũng như ông bố trong phim “Hello ghost”, hai người thì cố gắng gấp hai, bốn người gấp bốn, hay Braddock trong “Cinderella’s man”, làm tất cả vì gia đình mình.
Khi ấy, nguồn gốc sức mạnh đã khác rồi. Không phải là có một điểm tựa vững chắc để không thể ngã, mà không thể ngã vì sau lưng mình là những người mình đang che chở. Nếu ngã xuống thì sẽ đè lên họ.
Chúng ta yêu nhất những người cần chúng ta nhất. Chúng ta cũng yêu những người chúng ta cần nhất, nhưng vì nhiều lý do, chúng ta sẽ để họ đi, vì biết rằng, họ vẫn sẽ hạnh phúc nếu không có ta, họ vẫn sẽ mạnh mẽ nếu không có ta, và đó là điều tốt cho họ. Còn với những người cần đến chúng ta, thật sự và chân thành, chúng ta sẽ ở lại.
Và mình sẽ ở lại.
South - Yume